Hãy On đi đừng ngại

(Bài viết cho F Magazine, cuối cùng không được đăng, đành sửa chữa lại một ít mà quăng đây đỡ tủi).

Khi được F Magazine đặt viết một bài để trả lời câu hỏi “On hay off trên thế giới mạng?” thì với tư cách một người viết có trách nhiệm, tôi đã cất công đi tìm tư liệu khắp khắp. Kết quả sơ bộ như sau:

Mạng xã hội là một cấu trúc xã hội hình thành bởi những cá nhân (hay những tổ chức), các cá nhân ấy được gắn kết bởi sự phụ thuộc lẫn nhau thông những nút thắt như tình bạn, quan hệ họ hàng, sở thích chung, trao đổi tài chính, quan hệ tình dục, những mối quan hệ về niềm tin, kiến thức và uy tín.

Ấy là Wikipedia tiếng Việt nói như thế. Tôi không biết cái vụ “quan hệ tình dục” có thật chính xác hay không, vì thật ra Wikipedia là cái đồ từ điển ba phải, ai thêm bớt xóa sửa trên ấy cũng đều được cả. Bạn thậm chí không cần tạo tài khoản, chỉ cần vào bấm chữ “Sửa,” xong rồi điền ba lăng nhăng sai chính tả vào theo kiểu “bố thích thì bố sủa đấy hê hê làm gì nhau nào,” xong bấm “Lưu thay đổi” thế là xong.

Nhưng nhân nói về “sở thích trao đổi quan hệ tình dục,” hôm trước tôi lại vừa mới đọc một bài trên báo điện tử Việt Nam Nét hay đâu đâu đó quên mất – bạn thông cảm, đời nay cái lũ báo điện tử mọi rợ ở đâu nó xồ ra như rươi, nhiều quá không nhớ xuể. Bài ấy nói rằng xã hội ta đang có phong trào đổi vợ đổi chồng cho nhau mà không cần sổ hộ khẩu,  quả thật là đường kách mệnh. Lúc ấy nửa đêm, tôi ngồi xem và cười hí hí một mình, hồi lâu tự nhiên thấy cười một mình hoài cũng buồn, bèn vào Yahoo! Messenger, bốc một đứa bạn đang du học ở Mỹ, gửi ngay cho nó và bảo “Xem đi nào hay lắm.” Gần như ngay lập tức, cái link (tiếng Việt ta tức thị Đường Dẫn) ấy được bồ nó là một đứa hot girl (tức thị Gái Nóng) post (tức thị Đăng Tải) lên trên một cái mạng xã hội nổi tiếng bốn phương là Facebook (tức thị Diện Thư), và chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ đã thâu thập được chừng bốn trăm like (tức thị Ham Thích) và hai trăm rưỡi comment (tức thị Lời Bàn), bao gồm cả những comment đại để “Em ơi em xinh quá, áo em thật là hở cổ, lần sau em chụp hình nhớ cúi xuống thấp hơn nữa em nhé.” Những đứa trong friendlist (tức thị Danh Sách Bằng Hữu) của nó cũng thi đua share (tức thị Chia Sẻ) cái link đó và tạo nên hiệu ứng viral (tức thị Truyền Nhiễm Hay Là Sao Đó Mà Tôi Không Dịch Được), và chính là nhờ cái hiệu ứng viral này mà từ bữa đó đến nay ở ta chắc cũng có thêm được vài trăm cuộc trao đổi vợ chồng rồi. Read more

Untitled

Tôi chưa từng gặp anh. Tôi cũng không biết gì nhiều về anh. Tôi chỉ nghe một số đồng nghiệp của anh, những lúc trà dư tửu hậu, nói đến anh. Họ nói anh đã chiến đấu, theo cách của anh. Theo con đường của anh. Tôi không biết con đường đó là đúng hay sai, vì trong thời buổi này hình như đúng sai đều lẫn lộn. “Hình như,” vì cả cái câu vừa viết tôi cũng không biết là sai hay đúng nữa.

Nhưng hôm nay tôi bắt gặp một bức hình anh cười chào bạn bè khi người ta giải anh ra tòa. Người ta xét xử anh. Vì anh đã chiến đấu, theo cách của anh.

Tôi không biết cách đó là đúng hay sai, vì thời buổi này hình như đúng sai đều lẫn lộn.

Nhưng vô tình tôi bắt gặp bức hình anh cười, và nước mắt tôi cứ thế chảy ra.

Trời ơi. Bao nhiêu con người bị bắt, con người bị giết, con người bị cướp, con người bị đọa đày từng ngày ngoài kia. Con người đơn độc, con người lạc lõng, con người buồn tủi từng giờ ngoài kia. Con người đói rách, con người run rẩy, con người nhục nhã từng phút ngoài kia. Bao nhiêu chuyện bẩn thỉu, bần tiện và đau lòng đang xảy ra từng giây ngoài kia.

Mà tôi thì ngồi đây như một thằng vô dụng.

Lạy trời, đừng để cho dân tộc này đau khổ thêm nữa.

Đừng để những cái xấu cứ hoành hành thêm nữa.

Đã bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu thế kỉ rồi. Bao giờ thì những người như anh tôi, như các bạn tôi có thể bình yên mà sống? Bao giờ thì cái xứ sở này được bình yên mà sống?

Trời ơi.

Ba giờ sáng

Em có còn đó không? Anh vẫn đang ở đây. Anh chỉ có một mình.

Con người ta phải ở một mình, chiến đấu một mình, cười một mình, khóc một mình, thật đáng sợ.

Anh cũng muốn mạnh mẽ. Anh muốn mỗi ngày trôi qua anh có thể nhìn lại mà không cảm thấy xấu hổ hay tiếc nuối điều gì cả. Nhưng không ai được ban cho đặc quyền ấy.

Anh không biết mình đang lớn lên hay chỉ đang già đi. Anh không biết những người xung quanh anh, họ tồn tại như thế nào. Một ngày của họ trôi qua như thế nào. Cuộc đời của họ trôi qua như thế nào. Họ đã làm được gì ngày hôm qua. Ngày hôm kia. Và ngày hôm trước nữa. Làm sao để họ tiếp tục ngày mai, khi ngày hôm nay của họ trống rỗng và vô vị. Họ chụp hình những món ăn ngon. Họ mua những chiếc áo đẹp. Họ hát những bài hát hay. Họ nói “Mưa” và những lời triết lí cao siêu khác. Họ đi xung quanh anh, cười đùa nức nở. Anh đi giữa họ, âm thầm chờ đợi.

Chờ đợi thêm ba bốn chục năm. Chuyến đi dài thật dài.

Mà anh thì mỏi mệt.

Về cừu

(Nhân xem Kony 2012, Việt Gốt Te Lần và những thứ khác.)

Không, cái các bạn cần lúc này không phải lòng tin. Các bạn cần phải tỉnh táo. Các bạn cần phải biết nghi ngờ.

Các bạn ngoan ngoãn như những con cừu, tội nghiệp như những con cừu. Các bạn bị tẩy não từ khi mới sinh ra, các bạn nhầm lẫn giữa chính quyền và đất nước, giữa con người và thần thánh. Đó không phải là lỗi của các bạn. Khi các bạn lớn lên một chút, các bạn đọc những thông tin trái ngược từ Dân Luận, Dân Làm Báo, Ít Xì Cà Phê các loại, các bạn như nghe tiếng sét giữa trời quang, các bạn lăn lộn đau đớn vì bị người ta lừa dối. Từ đó các bạn quay sang đả kích Đảng, đả kích chính quyền, đả kích cộng sản, đả kích Các Mác và Lê Nin và Xít Ta Lin và Mao Trạch Đông, các bạn hô hào “Bọn giết người, bọn đồ tể, quân sát nhân uống máu không tanh,” các bạn đem Thiên An Môn và cách mạng văn hóa và cải cách ruộng đất làm nhiên liệu, các bạn nghiến răng nhắm mắt mà căm phẫn mà hận thù. Lúc ấy, những con người từ nhỏ các bạn được dạy phải căm thù lại trở thành tia sáng chỉ đường cho các bạn, mỗi lời người ta nói ra các bạn xem như là sấm truyền. Những thần thánh tuổi ấu thơ của các bạn lại trở thành thằng hề, họ làm gì các bạn cũng thấy đạo đức giả, ngu xuẩn, độc ác, vô lại. Các bạn từ một cái chuồng cừu này chạy sang một cái chuồng cừu nọ, miệng be be, đầu hí hửng nghĩ mình được mở mang, đã sáng rõ, đã được mặt trời chân lí chiếu văng chim. Nhưng thật ra, các bạn vẫn là cừu. Cừu đi bên trái hay cừu đi bên phải cũng vẫn chỉ là cừu mà thôi.

Các bạn nghĩ, từ xưa đến nay, ai là những người có đức tin lớn nhất? Các bạn tưởng ông John Lennon ổng hát bài Imagine là ổng tin sao? Nhầm. Ổng còn không tin vào Beatles, ổng nói ổng chỉ tin vào ổng và Yoko. Đó là ổng nói vậy, nhưng tôi cũng không tin ổng nốt. Tôi nghĩ ổng còn không tin vào Yoko nữa kia. Làm sao ổng có thể tin vào một người nào khác ngoài ổng ra? Các bạn nghĩ Trịnh Công Sơn tin sao? Chỉ vì ổng uống nước mắm để trốn bị động viên, trốn hết chỗ này đến chỗ kia, để viết “Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi?” Thật là hài hước. Những người có đức tin lớn nhất chính là những người đã xây nhà thờ, xây chùa chiền miếu mạo, những người sì sụp lạy cái cây bị sét đánh, những người mặt mày nghiêm trọng mà đồn nhau là có người đi được trên nước và chữa bệnh băng huyết, những người ném đá vào đàn bà có chửa, những người mang củi và châm lửa đốt cái ông bảo trái đất hình tròn và quay điên cuồng xung quanh mặt trời, những người tình nguyện ngồi vào máy bay tiêm kích thực hiện kamikaze, những người đã hi-jack thành công và lái chiếc Boeing đâm vào tòa tháp. Chính vì cái lòng tin ngu xuẩn ấy mà có chiến tranh, có thập tự chinh, có bom nguyên tử, có phát xít, có đồng minh, có hội nhóm cánh hẩu, có tất cả những thứ ghê tởm nhất trên thế giới này.

Read more

Nghĩ cho ra cái tựa thật là phiền phức

Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh thì đồng hồ chỉ gần mười hai giờ đêm. Từ trên cao nhìn xuống, bến cảng nhô ra như một cánh cung lớn, viền bởi những ngọn đèn sáng rực. Mặt nước cũng sáng lóa hàng ngàn ánh đèn sặc sỡ từ hàng ngàn con tàu đang thả neo. Những tia la-de nhiều màu chiếu thẳng lên trời, đan xen nhau như một bức tranh cỡ lớn thời hậu hiện đại. Đã mười hai giờ đêm, nhưng cái thành phố xa lạ này chưa hề ngủ.

Tôi có một ám ảnh. Thuở nhỏ, những dịp nghỉ hè tôi hay đi tàu từ miền Trung vào miền Nam, rồi lại từ Nam ngược ra Trung. Ban đêm, đoàn tàu cũ kĩ lọ mọ như một lão già chống gậy, nặng nề bò qua những đèo, những hầm, những đồng cỏ hoang vu dưới cơn mưa tầm tã. Gió luồn qua khe núi, hú lên những tiếng ma quái rùng rợn giữa trời khuya. Không một ai còn thức. Nhưng khi qua những trạm gác, tôi luôn thấy một người mặc áo tơi, cầm ngọn đèn bão đứng làm hiệu cho đoàn tàu. Trong vài giây ngắn ngủi, ánh đèn vàng vọt hắt lên, vẽ ra những đường nét góc cạnh nhọn hoắt của khuôn mặt hốc hác, đôi gò má nhô cao, đôi mắt hõm sâu mệt mỏi vì thiếu ngủ. Rồi đoàn tàu ầm ào đi qua, bánh nghiến ken két trên đường ray. Tôi chồm người ra cửa sổ, ngoái nhìn lại, vẫn thấy đốm sáng ấy le lói đằng sau đuôi tàu một lúc lâu, cho đến khi chìm hẳn vào màn đêm dày đặc rồi mất hút. Cảnh tượng ấy in sâu vào trí óc tôi cả một thời thơ ấu, nặng nề, bứt rứt và khổ sở, nhất là khi tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng ngọn đèn của người gác tàu không phải ngọn đèn anh hùng “trên đường ta đi đánh giặc, dù vào Nam hay ta lên Bắc” của nhà thơ Chính Hữu, mà là một loại đèn buồn tủi hơn nhiều, cơ cực hơn nhiều.

Rồi tôi ra thành phố học. Thành phố có đèn điện, là một thế giới sáng sủa, rất khác với vùng quê tôi đã sống. Trong suốt bảy năm tôi ở đó, đã có bao nhiêu quán cà phê xuất hiện, bao nhiêu nhà hàng mọc lên. Lại có cả một cây cầu xoay, đèn thắp hai bên thành cầu làm cả một khúc sông sáng rực. Từ bờ sông đi về phía trong một chút là khu chợ. Những buổi đi học về khuya, tôi đạp xe một mình qua khu chợ đó, nghe cái mùi hăng hăng nồng nồng của rác rến xộc vào mũi. Dưới gốc cây sao bên vệ đường hay có một chiếc xe đẩy rác, trước xe treo lủng lẳng một cây đèn hiệu chiếu sáng nhờ nhờ một khoảnh đất nham nhở đầy vỏ cam, xác mía, bao nhựa, cọng hành. Và một chị mặc quần áo phản quang cặm cụi cầm chổi quét đường mà mặt mũi buồn thiu. Hoặc cũng có thể chị ta không buồn, chỉ là cúi mặt xuống đất nên trông có vẻ buồn, tôi không biết. Nhưng cái hình ảnh chị công nhân quét rác ấy, cái dáng người xiêu vẹo ấy, bộ quần áo nhàu nhĩ có hai vạch phản quang sau lưng, và nhất vùng sáng mờ mờ không đủ soi rõ mặt người ấy, tất cả đọng lại trong bộ não non nớt của tôi thành một kí ức buồn rầu.

Read more