Táo trên cành chín đỏ

Tôi đọc lại Thành trì của Cronin. 

Lần đầu tiên tôi đọc Thành trì là lúc tôi còn ở quê, năm tôi bảy hay tám tuổi. Cuốn sách dịch theo kiểu cũ, phiên âm “Andrew” thành “En-đru,” bìa vẽ hình một người mặc măng-tô trước một dãy nhà màu xám. Andrew mới tốt nghiệp đại học y khoa, đầu đầy những lí tưởng và hoài bão, đến làm bác sĩ tập sự cho một khu mỏ ở Aberalaw, yêu và cưới Christine. Mấy năm sau hai người chuyển đến London, Andrew mở phòng khám riêng, bắt đầu giao du với giới thượng lưu, quên cả hoài bão và lí tưởng, lao vào kiếm tiền một cách điên cuồng. Sau một trong nhiều lần cãi nhau liên miên, Christine lau nước mắt bảo Andrew: “Vâng, em không nói nữa, nhưng rồi có ngày anh sẽ ân hận.” Cuối truyện, Andrew bước đi, “trên bầu trời trước mặt anh lảng bảng một vầng mây mang hình dáng một bức tường thành rạn nứt.”

Lần thứ hai tôi đọc Thành trì là năm tôi lớp mười hai, đi học dưới thành phố. Nói đúng ra thì lần đó tôi không đọc mà chỉ nhìn. Tôi và bạn tôi lang thang khu chợ Cồn, lúc ấy phía trước chợ vẫn còn bày bán sách cũ. Thấy cuốn sách nằm lẫn lộn giữa một đống sách bụi bặm rách nát dạy cắm hoa và chùi sàn gạch, tôi bảo “Đọc đi, cuốn này hay lắm” mà cũng không nhớ cụ thể nó hay ở chỗ nào. Tôi bảo “Cờ-rít cuối cùng lao đầu vào xe buýt tự tử nhé, rất kinh.” Đến tuần sau bạn tôi hỏi “Ủa chạy ra đường mua bánh mì bị xe đụng chứ có tự tử gì đâu?” thì tôi bảo “Thế à, hờ hờ, lâu quá rồi ai nhớ nổi.” 

Bạn tôi sau làm kĩ sư công trình, có dạo về Cần Thơ làm việc, xong hình như qua đến Cam-pu-chia công tác. Đã lâu không gặp, giờ tôi cũng không rõ bạn đang ở đâu. 

Lần đọc Thành trì này, tôi ngồi bên bờ sông Vilnia. Sông Vilnia xanh rì, mảnh như một con suối, vắt ngang qua thành phố Vilnius thủ phủ Lithuania, đổ vào dòng Neris, từ đó hợp lưu với dòng Neman rồi chảy ra Baltic. Bao giờ tôi cũng thích những dòng sông. Tôi ngồi bên bờ sông Vilnia đầy nắng, dưới bóng những cây dương, gần cây cầu sắt quấn chằng chịt ổ khóa, đọc lại câu chuyện của Andrew và Christine, câu chuyện về những thay đổi lớn lao mà người trong cuộc không bao giờ nhận thấy. Rồi, như một lẽ thường, tôi tự hỏi không biết bản thân mình có thay đổi gì không nhận thấy hay không. 

Read more