Những ngày cuối năm này, tôi ở Lindau. Lindau là một hòn đảo trên hồ Bodensee, nằm ở phía Nam vùng Bavaria. Khi tôi đến đây thì trời vừa mưa xong, có một chiếc cầu vồng hiện ra trên mặt hồ. Đảo Lindau bé tí, có đâu chừng trăm nóc nhà, một tượng sư tử, một ngọn hải đăng, mấy quán cà phê, một hiệu sách cũ, con đường lát đá, nhánh cây khô, và tiếng lít nhít gọi nhau của bầy vịt nước. Đêm Giáng sinh tôi đứng ở một góc đường đối diện nhà thờ, tay cầm cốc glühwein là thứ vang nóng ở đây người ta vẫn uống vào mùa lạnh, và nghe tiếng đại phong cầm vọng ra từ trong thánh đường, tiếng dương cầm chơi bài Hallelujah và mấy bài nữa mà tôi không biết tên.

Tôi đi trên bờ hồ. Đằng xa xa, dãy Alps chìm trong sương. Bầy vịt nước vẫn gọi nhau lít nhít. Thỉnh thoảng lại có tiếng diệc kêu, làm tôi nhớ đến đồi cọ Con Diệc Xanh và Doña Bárbara, cuốn sách tôi đọc hồi nhỏ, trong có những cách nói ngồ ngộ mà đến giờ thỉnh thoảng tôi vẫn dùng mỗi khi muốn tỏ ra sâu sắc: “Có những người, giữa nghĩ và làm, tóc bạc mọc ra,” “Tôi chỉ mong muốn có một mảnh đất nhỏ nhoi để bao giờ cũng được đứng ở chính giữa nơi thuộc quyền sở hữu của tôi, cho dù tôi đứng ở bất cứ chỗ nào,” “Người có thể nói Pajarote không dám làm việc này hay việc khác chưa sinh ra đời,” và tất nhiên là bài ca mà ông già chột mắt Ambrosio vẫn ca vào các buổi vũ hội trong mùa chia đàn, khi bọn đàn ông ùa về phía các cô gái để mời nhảy:

Em, Chipolita
Anh muốn em phô ra
Cho riêng anh xem núm vú.
Chipolita, em
Anh muốn em cho xem
Trước khi người khác thấy.

Tôi còn nhớ, hồi ấy mỗi khi trốn trong buồng đọc đến đoạn này tôi lại cười hí hí, ở ngoài không ai hiểu vì sao.

Tôi đi trên con đường lát đá. Con đường chạy vòng vèo xuyên qua những khu phố vắng và tối, chỉ có chút ánh sáng hắt ra từ hiệu sách cũ. Những ngày cuối năm này tiệm sách đóng cửa, nhưng đứng ngoài nhìn vào vẫn thấy tấm bản đồ mấy trăm nóc nhà, mấy tờ tạp chí, bức tranh bằng than chì từ thế kỉ mười bảy vẽ cảnh con tàu đang tiến vào bến cảng, và những tấm bưu thiếp không ai gửi cho ai. Tôi đi qua một căn nhà có khu vườn rộng, đèn trước cửa nghe tiếng bước chân liền tự bật lên, chiếu sáng thảm cỏ còn loang loáng nước. Có tiếng xịch mở cửa sổ, bà cụ trên tầng hai nhìn xuống thấy tôi, vừa cười vừa vẫy tay chào.

Ở đây thế mà tôi cũng gặp khách du lịch người Việt Nam đi lẫn với khách du lịch người Trung Quốc. Họ lộn xộn và ồn ào, họ chỉ trỏ con sư tử và chụp ảnh ngọn hải đăng, họ nháy mắt nhăn mày và làm đủ thứ điệu bộ kì quặc. Nhưng tôi không ghét họ. Tôi nghĩ tôi không còn như mười năm về trước, khi gần như bất cứ chuyện gì đối với tôi cũng xấu xa, và bất cứ chuyện gì xấu xa cũng làm tôi khó ở. Tôi không biết thay đổi như vậy là đúng hay sai, là hay hay dở, là tôi đã trưởng thành và bình tĩnh hơn hay chỉ là mọi yêu ghét trong tôi đã không còn quá mức, nhưng tôi tin rằng những chuyện này chẳng là gì so với những chuyện đã xảy ra hay có thể xảy ra, và rằng mọi chuyện xảy ra đều có lí do của nó. Như ngày xưa tôi bì bõm học tiếng Đức để hiểu Jeanny mà không hề biết rằng sẽ đến một hôm như hôm qua, khi tôi ngồi với ông chủ nhà trọ trong một quán cà phê gần biên giới Áo-Thụy Sĩ mà nói chuyện về Falco. Chúng tôi cũng nói về Das Leben der Anderen, về Good Bye Lenin và chuyện bức tường Berlin sụp đổ khi ông đang ngồi trong một hiệu cắt tóc ở Frankfurt. “Chuyện gì xảy ra cũng đều có lí do của nó,” ông già nói, “ngay cả Stasi, sự quái đản của chủ nghĩa cộng sản Đông Âu, và sự điên rồ của mụ vợ vừa li dị.”

Vậy là đã hết một năm. Những ngày cuối năm này, tôi ở Lindau. Sáng hôm nay trước lúc đón tàu về Munich, tôi ngồi trên một băng ghế gỗ nhìn ra bến cảng, nghĩ đến thời gian và nhu cầu lưu danh hậu thế của con người. Tôi nghĩ, những người giỏi giang thì rủ nhau dựng phim, làm thơ, viết nhạc. Những người không giỏi giang bằng thì viết tên mình lên thân cây trong rừng, trên tảng đá bên vách núi. Tôi nghĩ đến Shawshank Redemption, về hai dòng chữ “Brooks was here” và “So was Red” khắc trên xà gỗ. Lúc nhỏ tôi cũng chôn mấy viên bi dưới đất – ai đó sau này trồng một cây mận trước nhà, trồng một cây cam sau vườn, đào được một lọ thủy tinh trong có mấy viên bi đỏ đỏ xanh xanh với một tờ giấy ghi tên tôi, thì đó chính là tôi. Là tôi đấy. Nhưng nếu có ai hỏi tôi trong một năm nay đã làm được những gì, thì chắc tôi chưa trả lời ngay được. Liệu “đã đến đây và đã ra đi” có phải là câu trả lời hợp lệ hay không? Tôi không biết. Chỉ có điều, đúng là trong một năm vừa rồi – mà cũng rất có thể là trong suốt cuộc đời mình – tất cả những việc tôi làm chỉ là hết đến rồi đi.

Một cô gái đạp xe ngang qua, sau xe chở theo một bó hồng trắng. Tôi cũng đứng dậy, rồi bỗng nhiên tôi nhớ năm ngoái cũng có lần ngồi trên một bậc đá ở bến sông Thames, vừa nhai bánh mì tôi vừa nghĩ ăn xong sẽ qua nhà Thành Phong uống trà.

Cười đùa đàn địch xôn xao

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.