Những ngày này tôi chăm chút cho cái ban công. Phòng tôi ở có cái ban công hướng Tây, không có mái, mỗi khi mùa hè có mưa đá hoặc mùa xuân tuyết tan thì lênh láng nước. Tôi vốn không phải người khéo tay hay làm gì—tôi lười như hủi, những lúc cơn tự phụ nổi lên còn hay tự huyễn hoặc mình rằng con người ta sinh ra ở đời là để làm những điều vĩ đại chứ đâu phải để bứt cỏ trồng cây—nên từ lúc chuyển đến đây, cái ban công nó thế nào thì tôi cứ để nguyên như thế ấy. Lâu dần rêu phủ đầy nền xi-măng, rãnh thoát nước bị bít kín, rồi xuất hiện những vệt ngoằn ngoèo đen kịt trên tường, tôi vẫn kệ. Bạn bè đồng nghiệp, nhất là những đứa yêu cỏ cây đêm đêm nằm mơ hoa hoét, nghe nói tôi sở hữu cái ban công bỏ hoang bỏ phế như một nỗi niềm Trần Quang Lộc, thảy đều đố kị pha lẫn tức tối mà chửi tôi rằng đồ lãng phí, rằng có mà không biết quý, rằng ngu như heo.

Nhưng những ngày này tôi chăm chút cho cái ban công. Một hôm đang ngồi trong phòng nhìn ra, tự nhiên tôi thấy ban công dơ hầy. Thế là tôi vác cái xô, cầm bàn chải, giắt lưng chai nước tẩy bồn cầu, bỏ ra nguyên một buổi sáng hì hục cọ rửa cho đến khi cả sàn lẫn tường đều bóng loáng. Xong được đà hứng khởi, tôi mua thêm cây dù bãi biển rộng hai mét rưỡi cao hai mét mốt về che. Bà chủ nhà ở căn đối diện dòm sang, thấy thằng ôn vật thuê nhà đã ba năm lầy lội nay bỗng dưng thức tỉnh, bèn mừng rỡ tiếp tế ngay một tấm thảm lót ban công, kiểu thảm nhựa màu xanh giả cỏ mà ở ta hình như hay dùng lót sân banh, rồi trong cơn hào phóng lại cung cấp thêm bộ một bàn hai ghế sắt để tôi ngồi uống cà phê sáng sớm. Thế là từ bữa ấy, như một chàng Mỹ Thuật, cứ rảnh ra lúc nào tôi lại vẽ trò trang trí ban công.

Tôi mua một cây chanh, giống chanh Thái, cao chừng hai gang tay, bỏ trong cái chậu sành. Tôi mua một chậu sen đá, một chậu lưỡi cọp, mấy cây xương rồng—một cây có hai cái chỏm tròn tròn tua tủa những gai mà tôi đặt là Hòn Gai, một cây nở bông vàng hình tròn đâm lởm chởm mà tôi gọi là Corona Vàng, lại một cây khác nở bông đỏ hình tròn đâm lởm chởm mà tôi gọi là Corona Đỏ. Tôi lại mua thêm một cây gì bèn bẹt, có cơ man là cánh, giữa lại ken lùng nhùng những tơ như tơ nhện. Tôi rải hạt giống hoa mùa hè như một người Cao Biền rải đậu trên trái đất mùa. Tủ lạnh nhà tôi có mấy cọng hành tép tỏi còn sót lại từ lần đi siêu thị tháng trước, tôi vùi luôn xuống đất, như người ta vẫn chỉ trong chương trình Bạn của nhà nông rằng “bạn đi siêu thị lỡ mua quá nhiều tỏi nhiều hành để đến thối rùm cả tủ lạnh ư, vậy hãy vùi chôn đi còn chờ gì nữa.” Rồi tôi bắt tàu ra Viktualienmarkt mua bình tưới. Bởi vì tôi nay đã trở thành khách ruột, bà bán bình tưới đích thân đứng ra tư vấn miễn phí cho tôi, bà bảo hay là lấy cái màu xanh cho dịu mắt nhé, nhưng tôi nhất quyết bảo không, tôi bảo thảm đã xanh rồi mà lại mua bình xanh nữa thì chả hóa ngu à, tiệp màu nhỡ lạc mất cái bình đái dầm thì sao, đưa bình vàng đây. Bà bán bình tưới gật gù có vẻ đồng tình, bà bán cho tôi cái bình nhựa màu vàng giá bốn đồng rưỡi, tôi lại bắt tàu mang cái bình đái dầm về nhà tưới cây chanh Thái, tưới cây sen đá, tưới cây lưỡi cọp, tưới cây xương rồng, tưới cây tơ nhện, tưới hành tưới tỏi, tưới tới tưới lui tưới cật lực. Xong vì lâu ngày không vận động, tôi mệt quá quăng cái bình sang một bên, ngồi bệt xuống tấm thảm xanh lá cây mà thở phì phò.

Lúc đó tôi nhớ lại truyện Trại Hoa Vàng, “tác phẩm dành cho tuổi mới lớn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh” đăng hàng tuần trên báo Mực Tím hồi xưa lơ xưa lắc. Trong Trại Hoa Vàng có thằng Chuẩn mặc cái quần tam giác Béc-mu-đa chạy chiếc Huy Chương Vàng, sau nhà có mảnh vườn đầy hoa vàng, cứ mỗi buổi chiều tưới hoa xong lại học Phú ghẻ cầm cây đờn gảy “chách chách chách chùm chum.” Chuẩn Béc-mu-đa thích cô bé kia tên là Cẩm Phô, nhà Cẩm Phô là tiệm thuốc tây Hồng Phát, cứ mỗi buổi tối ba mẹ Cẩm Phô lại xách hai cái ghế ra ngồi trấn hai bên, bọn con trai trong thị trấn gọi là “thần giữ cửa.” Hồi nhỏ tôi thích cái tên Cẩm Phô, tôi phục ông tác giả sao nghĩ ra được cái tên này hay quá. Sau này tôi mới biết Cẩm Phô là tên một làng ở Hội An, cũng như Hà Lan với Trà Long những tên làng tên đất ở Điện Bàn, cũng như những Thanh Hà, Phú Chiêm, cũng như những Cẩm Nam, Gò Nổi vậy. Thành ra tôi hết phục ông tác giả vụ nghĩ tên, nhưng tôi chuyển qua phục ổng chuyện biết lựa tên để chôm đưa vào tác phẩm, tôi thấy đó cũng là một dạng tài năng mà không phải ai cũng có—thì bao nhiêu nhà văn nhà thơ Việt Nam chỉ cần phải đặt tên cho con chó ốm của nhân vật chính thôi là đã toát mồ hôi hột rồi.

Từ Trại Hoa Vàng, tôi nhớ sang Niệm khúc hoa vàng. Niệm khúc hoa vàng không phải là tác phẩm dành cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh, Niệm khúc hoa vàng là một bài hát của Hà Thúc Sinh mà ban đầu tôi nhầm sang Nguyễn Đình Toàn, cái ông nhạc sĩ kiêm thi sĩ viết nhạc thì hay mà làm thơ thì dở. Có một thời tôi suốt ngày nghe nhạc Hà Thúc Sinh với Nguyễn Đình Toàn. Tôi nghe “đời buồn từ vận nước lao đao,” tôi nghe “trong xiêm y nàng có gì hề,” tôi nghe “hẹn kiếp sau là dối thêm lần nữa, đất không dung người không tha.” Rồi tôi gần như không nghe Hà Thúc Sinh với Nguyễn Đình Toàn nữa. Tại sao ư? Tôi cũng không biết. Tôi không để ý. Có lẽ tại vì đã quá lâu rồi, đến một lúc nào đó đời cũng phải hết buồn, vận nước cũng phải hết lao đao, đất trời cũng phải biết dung thứ, con người cũng nên quên dần những chuyện đau lòng đi.

Tôi ngẩng mặt lên nhìn mây trời bay lững thững. Như mấy mươi năm trước, hồi còn là thằng bé con, tôi vẫn ngẩng mặt lên nhìn mây trời bay lững thững. Dưới bầu trời đó là khoảnh sân trước nhà tôi với cây mận nở từng chùm hoa trắng và bụi lưỡi cọp cạnh hồ cá thỉnh thoảng vẫn tràn nước khi trời mưa. Dưới bầu trời đó là khu vườn sau nhà tôi, có cây chanh bên ghè xi-măng, vồng cải xanh, luống hành ngò, góc vườn chỏng chơ cái bình tưới cũ bằng tôn đã ngả màu rỉ sét. Dưới bầu trời đó, mỗi trưa tôi đi học về ngang qua một ngôi nhà ở thôn hai, giờ tôi không còn nhớ là nhà ai, hàng rào có cây trạng nguyên lá đỏ, ngõ vào nhà có chậu sen đá và bụi xương rồng. Dưới bầu trời mây bay đó là tuổi thơ của tôi, tuổi thơ túng thiếu và cô đơn, và buồn tủi, lúc nào cũng thèm một cái gì đó, đợi một người nào đó. Thằng bé ngồi chơi một mình dưới gốc cây mận trắng mấy mươi năm trước, liệu có biết mấy mươi năm sau này và mấy mươi năm sau nữa sẽ có người nhớ nó hay không nhỉ? Chắc là không. Cũng không sao. Chỉ là đôi khi, trong những suy nghĩ lan man muôn thuở của tôi, nỗi nhớ cũng như một chuyến đi ngược về quá khứ—người-lớn-tôi đứng bên cạnh thằng-bé-tôi dưới gốc cây mận trắng, nhìn nó mà thương, muốn mua cho nó một que kem, muốn trồng cho nó một cây trạng nguyên lá đỏ, muốn chuyện trò một chút cho nó đỡ buồn. Nhưng nó không biết có tôi ở đó, nó cứ cắm cúi nhặt hoa mận làm con vụ, nó nhìn ra cổng đợi mẹ đi chợ về, nó ngẩng mặt nhìn bầu trời có mây bay lững thững. Rồi nó lớn lên, và đi xa.

Nhưng thôi nghĩ ngợi vậy đủ rồi, tôi lại phải tưới cây đây. Nói theo kiểu Tây, những cây xương rồng, những cây sen đá, những cây lưỡi cọp, những hành cùng ngò, chúng nó không tự tưới được đâu, tôi phải đích thân tưới lấy thôi. Cũng may tôi thông minh và đẹp trai, tôi chọn mua cái bình tưới màu vàng, chứ như bình tưới màu xanh thì tiệp màu với cái thảm xanh, lạc mất cái bình đái dầm rồi thì tìm đâu cho thấy nữa.

Cười đùa đàn địch xôn xao

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.