Nỗi buồn của sư cụ

Sư cụ mấy nay buồn.

Buồn thấy rõ.

Buồn lắm.

Buổi sáng sư cụ không dậy sớm. Sư cụ cứ nằm ườn ra đấy, để chú tiểu phải vào thưa bẩm năm lần bảy lượt mới lăn qua lăn lại vài chục vòng giường rồi uể oải ngồi dậy. Đến khi dậy thì sư cụ quên cả đánh răng. Thảng hoặc sư cụ đánh răng thì lại quên bôi kem vào bàn chải. Đến khi bôi kem vào bàn chải thì sư cụ lại quên mở mồm, cứ thế chà qua chà lại nhân trung đến toạc cả da.

Buổi chiều sư cụ quên tưới cây. Những cây sứ, cây thiên tuế, hoa lan, hoa thủy tiên trong sân chùa thiếu nước, khô queo khô quắt. Cả những đài sen, đài súng, rêu rong dưới ao sau chùa, sư cụ cũng quên tưới nốt. Bình thường sư cụ có quên thế đâu.

Đến bữa sư cụ chỉ ăn ba bát cơm, còn để cơm thừa hạt thì dính vào chén, hạt lại dính vào mép, chứ không buồn kẹp hai cái đũa vuốt dọc vuốt ngang cái mồm rồi thò tay vào chén nước, quẹt vòng quanh mép cho sạch sẽ chỉn chu như thường lệ.

Sư cụ không còn liếc ra đường mỗi khi có tiếng rao “Cút chiên bơ nào.” Sư cụ không còn ngừng tay gõ mõ khi nghe “Hột vịt lộn đây.” Cả những con chó cắn đuổi nhau lao xao trước cổng chùa, sư cụ cũng không buồn để ý.

Bởi vì sư cụ buồn.

Buồn lắm.

Ai cũng nhận ra.

Đến mụ bán sách bói chỉ tay trước cổng chùa, con mụ nông choèn ít học suốt ngày ngồi chàng hảng nói cười phớ lớ, cũng biết.

Rồi thằng bán củi, thỉnh thoảng gánh hai bó củi đến bán cho chùa những ngày cúp điện, cũng hay.

Chúng nó lấy làm lạ lắm.

Và chúng nó đem cái sự buồn của sư cụ làm chủ đề nói chuyện những lúc sách bói bán ế và nhà đèn không cúp điện.

Read more

Cuối tháng bàn chuyện cốt cách

(Bài viết cho Lifestyle Magazine tháng 11)

Người xưa cho rằng mỗi con người khi sinh ra trên đời này đều mang cốt cách của một giống vật, tùy theo khí độ của mỗi người mà giống vật đó cao cả hay hèn mọn. Tiết Nhơn Quý chẳng hạn, chính là một con cọp trắng, khi ổng ngủ quên thì tướng tinh bạch hổ thoát ra ngoài đi chơi lông nhông, rủi thay gặp con giai yêu dấu là Tiết Đinh San giương cung bắn cho một phát lủng sọ, lăn ra chết tốt, thật là bi kịch gia đình. Hán Cao Tổ Lưu Bang chẳng hạn, ổng vốn là cốt rồng, mỗi khi uống rượu say nằm lăn quay ra thì trên người lại có hình con rồng nằm thu lu cuộn mình, ai nấy đều kinh sợ nên cho ổng uống chịu không lấy tiền, còn nói “hi hi sau này thành triệu phú đô la đi xe Lamborghini đừng quên thằng anh mày nhé.” Thời Tam Quốc cũng có hai nhân vật là Gia Cát Lượng, lấy hiệu Ngọa Long, cũng tự nhận mình là con rồng, và Bàng Thống, hiệu Phụng Sồ, nhận là con chim phượng; người ta đồn rằng rồng xúi phượng đi đường hẻm để phượng bị ghim đạn .50 BMG vào đầu, không biết thật giả ra sao. Mười mấy năm trước, nhà giáo Võ Hồng, trong tác phẩm Nửa chữ cũng Thầy, cũng có viết “Tôi muốn chữ “sư” (thầy) có bộ Khuyển một bên… “Lão sư” là con sư tử già, chớ không phải là người thầy giáo già. Thầy giáo phải có cốt cách của sư tử, không được có cốt cách của loài cáo, loài chồn.” Xem vậy để biết rằng đối với mỗi con người, cái cốt cách nó quan trọng lắm.

Trong thời đại rối ren hiện nay, chúng ta chứng kiến giá xăng tăng nhiều lần quá nên đâm ra nghi kị lẫn nhau, nhìn đâu cũng ra phường lừa đảo, nhưng thật ra cái cốt cách con người vẫn còn đó chứ không mất. Một cô lòe loẹt phấn son, quần là áo lượt, đầu óc thiển cận, nói những lời ngớ ngẩn, suốt ngày đứng một chỗ nhe hàm răng bàn cuốc ra chụp hình, chưa bao giờ bước đến nửa bước khỏi cái chuồng của mình, chúng ta gọi là ngựa. Một anh sâu dân mọt nước, thấy người yếu thì vung dùi cui đánh, gặp người mạnh thì vẫy đuôi liếm giày, chúng ta gọi là chó.

Read more