Gửi những nhà trí thức

Từ lâu tôi đã không thích khi nghe người ta gọi nhân dân là lừa. Bọn lừa. Giống lừa. Tộc lừa. Xứ Lừa. Theo kiểu nhân dân thì ngu dốt tối tăm, nhân dân xấu xa bẩn thỉu, nhân dân vừa độc ác lại vừa hèn hạ. Kiểu gọi này là của những nhà trí thức, những người có cái may mắn được tiếp cận với tri thức, được sinh ra từ một cái lỗ khác, ngủ dưới một mái nhà khác, ngồi dưới một mái trường khác, đa phần nhờ số phận đẩy đưa chứ không nhờ một cố gắng cá nhân nào đáng kể. Trí thức dạng ấy mỗi ngày một đông, họ xếp thành vòng tròn, bưng bô cho nhau, liếm gót nhau mà phát triển thành phường hội. Bất cứ nơi nào tôi đi qua cũng có một vài trí thức đang ngoạc mồm ra mà gọi: Bọn lừa. Giống lừa. Tộc lừa. Xứ Lừa. Họ gọi Lừa một cách hả hê sung sướng, giống như tất cả những kẻ hả hê sung sướng khi đang chễm chệ cái thân hình lành lặn, cái cổ đầy nọng, cùng cặp mông đít béo tốt trên ghế sô pha khi có một người què cụt đui mùi lết qua.

Phải, thưa các anh, nhân dân thì tăm tối và ngu dốt. Nhân dân thì bẩn thỉu, độc ác và hèn hạ. Cái này tôi không cãi, vì sự thể nó rành rành ra đấy. Ngoài Bắc, sau mấy lần bành trướng diện tích vì những lí do hiểm hóc mà mắt thường không nhìn thấy được, Hà Nội đã vọt lên dẫn đầu cả nước về số lượng người mù chữ. Một số người thủ đô không biết gốc hay không, có lẽ vì sự căm phẫn, đã có thói quen gọi người dân những tỉnh bị sát nhập là bọn Hà Nhì, ví dụ “chúng ló nà cái bọn Hà Nhì” “ô cái bọn Hà Nhì khốn lạn.” Ví dụ trong Nam, hồi xưa chỗ tôi chạy bàn có một ông hành nghề đánh giày, sáng nào trước khi làm việc ổng cũng ngồi dưới gốc cây cột điện mà đọc báo. Cho đến một ngày kia người ta phát hiện ra ổng cầm tờ báo ngược, thì ổng chuyển sang nghe đài BBC. Ngược ra Trung, Quảng Nam quê tôi và các xứ, lân cận là Quảng Ngãi, xa xa hơn tí là Quảng Trị Quảng Bình, thì thuần nổi tiếng vì tệ nạn ông già hiếp dâm con nít, hoặc đốt người ăn trộm chó, hoặc chết vì vướng dây điện rào ruộng dưa, không năm nào là không có. Như thế, nếu bảo rằng nhân dân tăm tối bẩn thỉu hèn hạ, quả tình cũng không oan. Read more

Bao giờ gặp lại

Trong những cuốn sách hồi nhỏ tôi đọc có Hoa ngã Bảy, tác giả là Lưu Nghi. Cuốn này thật ra không xuất sắc gì mấy, nhưng vì nhà không có bao nhiêu sách, cứ phải đọc đi đọc lại hoài mấy quyển cũ mèm, nên tôi nhớ. Trong sách có một cô bé tên là Hoàng, tức là Hoa ngã Bảy, có Phương Nga, bà Hai Liệt, Hùng Đen, Phước Bọ Ngựa, bà Sáu Trầu hay hát mấy bài Lý con cua, Lý con cúm núm “Anh đi đánh rẫy trên bưng, thấy con cúm núm trong lùm bay ra,” lại có một cậu bé gầy gò yếu ớt hay nở nụ cười hiền lành, tên là Hòa. Hòa là nhân vật phụ, không xuất hiện được bao nhiêu, nhưng cứ nhắc tới Hoa ngã Bảy là tôi lại nghĩ ngay đến Hòa, vì một ngày Hòa để lại quyển vở trong viết mấy dòng chữ “Con đi xa, xin lỗi mẹ” rồi bỏ đi mất biệt. Khi Hòa bỏ đi, bà mẹ Hòa đổ bệnh, cứ hỏi đi hỏi lại “Tại sao nó lại bỏ đi, hở Hoàng, hở Phước?” Bệnh ngày càng nặng, đến khi bà mất, vuông khăn trắng phủ lên mặt, bà Sáu Trầu chạy ra cửa gọi “Hòa ơi, mày ở đâu? Mẹ mày chết rồi này, không thấy mặt con!” Mãi cho đến kết thúc truyện vẫn không ai biết tông tích của Hòa – khi điểm lại từng nhân vật, tác giả viết “còn Hòa, cánh chim lạc bầy, vẫn bay xa không biết đến phương trời nào.” Hồi nhỏ mỗi khi đọc đến những đoạn này tôi lại thấy bần thần – trong trí óc non nớt của tôi lúc đó, việc một người bỏ đi không còn bao giờ gặp lại có lẽ là một việc vô cùng buồn tủi. Trong trí óc non nớt của tôi lúc đó thỉnh thoảng vẫn vang lên câu hỏi như nhân vật Hoàng trong truyện vậy: Tại sao Hòa bỏ đi?

Read more