Tôi đọc lại Thành trì của Cronin. 

Lần đầu tiên tôi đọc Thành trì là lúc tôi còn ở quê, năm tôi bảy hay tám tuổi. Cuốn sách dịch theo kiểu cũ, phiên âm “Andrew” thành “En-đru,” bìa vẽ hình một người mặc măng-tô trước một dãy nhà màu xám. Andrew mới tốt nghiệp đại học y khoa, đầu đầy những lí tưởng và hoài bão, đến làm bác sĩ tập sự cho một khu mỏ ở Aberalaw, yêu và cưới Christine. Mấy năm sau hai người chuyển đến London, Andrew mở phòng khám riêng, bắt đầu giao du với giới thượng lưu, quên cả hoài bão và lí tưởng, lao vào kiếm tiền một cách điên cuồng. Sau một trong nhiều lần cãi nhau liên miên, Christine lau nước mắt bảo Andrew: “Vâng, em không nói nữa, nhưng rồi có ngày anh sẽ ân hận.” Cuối truyện, Andrew bước đi, “trên bầu trời trước mặt anh lảng bảng một vầng mây mang hình dáng một bức tường thành rạn nứt.”

Lần thứ hai tôi đọc Thành trì là năm tôi lớp mười hai, đi học dưới thành phố. Nói đúng ra thì lần đó tôi không đọc mà chỉ nhìn. Tôi và bạn tôi lang thang khu chợ Cồn, lúc ấy phía trước chợ vẫn còn bày bán sách cũ. Thấy cuốn sách nằm lẫn lộn giữa một đống sách bụi bặm rách nát dạy cắm hoa và chùi sàn gạch, tôi bảo “Đọc đi, cuốn này hay lắm” mà cũng không nhớ cụ thể nó hay ở chỗ nào. Tôi bảo “Cờ-rít cuối cùng lao đầu vào xe buýt tự tử nhé, rất kinh.” Đến tuần sau bạn tôi hỏi “Ủa chạy ra đường mua bánh mì bị xe đụng chứ có tự tử gì đâu?” thì tôi bảo “Thế à, hờ hờ, lâu quá rồi ai nhớ nổi.” 

Bạn tôi sau làm kĩ sư công trình, có dạo về Cần Thơ làm việc, xong hình như qua đến Cam-pu-chia công tác. Đã lâu không gặp, giờ tôi cũng không rõ bạn đang ở đâu. 

Lần đọc Thành trì này, tôi ngồi bên bờ sông Vilnia. Sông Vilnia xanh rì, mảnh như một con suối, vắt ngang qua thành phố Vilnius thủ phủ Lithuania, đổ vào dòng Neris, từ đó hợp lưu với dòng Neman rồi chảy ra Baltic. Bao giờ tôi cũng thích những dòng sông. Tôi ngồi bên bờ sông Vilnia đầy nắng, dưới bóng những cây dương, gần cây cầu sắt quấn chằng chịt ổ khóa, đọc lại câu chuyện của Andrew và Christine, câu chuyện về những thay đổi lớn lao mà người trong cuộc không bao giờ nhận thấy. Rồi, như một lẽ thường, tôi tự hỏi không biết bản thân mình có thay đổi gì không nhận thấy hay không. 

Tôi đi lâu, thỉnh thoảng mới về. Mỗi lần gặp lại bạn bè, mỗi người ngó tôi một cái rồi nói một phách. Có người chê tôi dạo này trông già đi. Có người ngạc nhiên bảo sao tôi không khác gì mấy. Có người khen tôi nhìn chín chắn hẳn. Có người lại phê bình bao nhiêu năm rồi mà dáng bộ vẫn nghênh ngang. Buổi sáng tôi đi uống cà phê, cậu bé pha cà phê nói “Quê anh ở miền Trung đúng không, em nghe là em nhận ra liền, mẹ em người Vĩnh Điện nè.” Buổi tối tôi đi mua quần áo, cô bé đứng ở quầy lại nói “Anh ở nước ngoài mới về à, tại giọng anh không giống giọng người Việt Nam cho lắm.” Ngay cả cách viết của tôi cũng khác đi thì phải. Cái dạo rộ lên phong trào gì mà thử thách mười năm, tôi cũng đem một đoạn tôi viết mười năm trước ra đặt bên cạnh một đoạn mới viết hôm qua để so sánh, thì thấy như hai người viết chứ không phải một. Mà tôi thì bẩm sinh cổ hủ và lạc hậu, hay dị ứng với những gì thay đổi, nên đôi lúc cũng hoang mang. 

Ừ, có lẽ là tôi đã thay đổi thật chứ chẳng không. Biết làm sao được? Đứa bé đã lớn lên, giấc mơ đã mất. Có những người tôi đã từng yêu, giờ tôi không còn yêu cho lắm nữa. Có những điều tôi đã từng tin, giờ tôi không còn tin cho lắm nữa. Bao nhiêu chuyện đã có lúc tôi cho là to tát, giờ tôi lại thấy hết sức nhỏ nhặt tầm thường. Mở một công ty, bán một mảnh đất, mua một căn nhà, chẳng có gì là khó. Viết một cuốn sách, dựng một bộ phim, kiếm đôi chút tiếng tăm để vênh vang với đời, chẳng có gì là khó. Nhưng làm thế nào để sống mà đừng quên những gì đẹp đẽ? Làm thế nào để cho dù có lang bạt đến đâu vẫn không quên những gì đẹp đẽ? Làm thế nào để lúc nào cũng nhớ Bạch Hạc, Hải Phòng, chợ Sắt, cầu Đất, cầu Rào, quán bia trước nhà thi đấu, chùm hoa xoan tây bên sông, cuốn sách có câu “Sự lí thông đạt tâm khí hòa bình” và bức hình “Thôn An Kiều quê ngoại” chụp một người co ro đi trong gió rét, giấc mơ ngồi trên đồi cao giữa một bầu trời đầy sao, cây táo dại sau vườn, cây bàng lá đỏ? Những việc tưởng chừng đơn giản ấy, càng ngày tôi càng nhận ra là khó hơn tôi tưởng rất nhiều. 

Tôi còn đi lâu, thỉnh thoảng mới về. Tôi còn phải thăm phiên chợ mùa thu Nürnberg, thăm cầu Dom Luís, thăm bếp nhà Mozart, thăm phòng đọc Kafka. Mỗi ngày trôi qua tôi sẽ lại khác thêm một chút. Biết làm sao? Đứa bé đã lớn lên, giấc mơ đã mất. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn hi vọng, hi vọng một cách lì lợm và tham lam, rằng với bạn bè tôi đã lâu không gặp, với quê hương tôi đã lâu không gặp, tôi vẫn cứ là tôi như cũ. Tôi hi vọng mười năm sau, hai mươi năm sau, rồi ba mươi năm sau nữa, tôi vẫn còn thích đi dạo một mình trên vỉa hè, qua ngã tư đầy bụi khói, ngước lên nhìn vòm me xanh trên đường Nguyễn Du. Tôi hi vọng mình vẫn còn biết cười, biết khóc, biết yêu, biết ghét, khi có dịp vẫn được ngồi uống cà phê trong một căn hẻm trời mưa, được ngắm giàn phong lan chẳng mấy khi hoa nở, đi Phú Quốc vẫn còn thấy những củ khoai mì luộc bày trong tủ kính, đi ngang qua cầu Sài Gòn vẫn nhìn xuống triền sông nhấp nhô bè lục bình. 

A, những dòng sông. Bao giờ tôi cũng thích những dòng sông, có lẽ vì tôi sinh ra và lớn lên bên một dòng sông. Song có lẽ còn vì một lí do khác nữa mà mãi đến hôm rồi tôi mới nhận ra: Những dòng sông đi suốt đêm ngày, nhưng lúc nào cũng luôn ở đó. 

2 thoughts on “Táo trên cành chín đỏ

  1. Ờ mà dòng sông vẫn có ở đó, mà như 1 bài hát của Trịnh Công Sơn cũng bảo “Có một dòng sông đã qua đời” rồi.

Cười đùa đàn địch xôn xao

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.