Nghĩ cho ra cái tựa thật là phiền phức

Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh thì đồng hồ chỉ gần mười hai giờ đêm. Từ trên cao nhìn xuống, bến cảng nhô ra như một cánh cung lớn, viền bởi những ngọn đèn sáng rực. Mặt nước cũng sáng lóa hàng ngàn ánh đèn sặc sỡ từ hàng ngàn con tàu đang thả neo. Những tia la-de nhiều màu chiếu thẳng lên trời, đan xen nhau như một bức tranh cỡ lớn thời hậu hiện đại. Đã mười hai giờ đêm, nhưng cái thành phố xa lạ này chưa hề ngủ.

Tôi có một ám ảnh. Thuở nhỏ, những dịp nghỉ hè tôi hay đi tàu từ miền Trung vào miền Nam, rồi lại từ Nam ngược ra Trung. Ban đêm, đoàn tàu cũ kĩ lọ mọ như một lão già chống gậy, nặng nề bò qua những đèo, những hầm, những đồng cỏ hoang vu dưới cơn mưa tầm tã. Gió luồn qua khe núi, hú lên những tiếng ma quái rùng rợn giữa trời khuya. Không một ai còn thức. Nhưng khi qua những trạm gác, tôi luôn thấy một người mặc áo tơi, cầm ngọn đèn bão đứng làm hiệu cho đoàn tàu. Trong vài giây ngắn ngủi, ánh đèn vàng vọt hắt lên, vẽ ra những đường nét góc cạnh nhọn hoắt của khuôn mặt hốc hác, đôi gò má nhô cao, đôi mắt hõm sâu mệt mỏi vì thiếu ngủ. Rồi đoàn tàu ầm ào đi qua, bánh nghiến ken két trên đường ray. Tôi chồm người ra cửa sổ, ngoái nhìn lại, vẫn thấy đốm sáng ấy le lói đằng sau đuôi tàu một lúc lâu, cho đến khi chìm hẳn vào màn đêm dày đặc rồi mất hút. Cảnh tượng ấy in sâu vào trí óc tôi cả một thời thơ ấu, nặng nề, bứt rứt và khổ sở, nhất là khi tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng ngọn đèn của người gác tàu không phải ngọn đèn anh hùng “trên đường ta đi đánh giặc, dù vào Nam hay ta lên Bắc” của nhà thơ Chính Hữu, mà là một loại đèn buồn tủi hơn nhiều, cơ cực hơn nhiều.

Rồi tôi ra thành phố học. Thành phố có đèn điện, là một thế giới sáng sủa, rất khác với vùng quê tôi đã sống. Trong suốt bảy năm tôi ở đó, đã có bao nhiêu quán cà phê xuất hiện, bao nhiêu nhà hàng mọc lên. Lại có cả một cây cầu xoay, đèn thắp hai bên thành cầu làm cả một khúc sông sáng rực. Từ bờ sông đi về phía trong một chút là khu chợ. Những buổi đi học về khuya, tôi đạp xe một mình qua khu chợ đó, nghe cái mùi hăng hăng nồng nồng của rác rến xộc vào mũi. Dưới gốc cây sao bên vệ đường hay có một chiếc xe đẩy rác, trước xe treo lủng lẳng một cây đèn hiệu chiếu sáng nhờ nhờ một khoảnh đất nham nhở đầy vỏ cam, xác mía, bao nhựa, cọng hành. Và một chị mặc quần áo phản quang cặm cụi cầm chổi quét đường mà mặt mũi buồn thiu. Hoặc cũng có thể chị ta không buồn, chỉ là cúi mặt xuống đất nên trông có vẻ buồn, tôi không biết. Nhưng cái hình ảnh chị công nhân quét rác ấy, cái dáng người xiêu vẹo ấy, bộ quần áo nhàu nhĩ có hai vạch phản quang sau lưng, và nhất vùng sáng mờ mờ không đủ soi rõ mặt người ấy, tất cả đọng lại trong bộ não non nớt của tôi thành một kí ức buồn rầu.

Read more