Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh thì đồng hồ chỉ gần mười hai giờ đêm. Từ trên cao nhìn xuống, bến cảng nhô ra như một cánh cung lớn, viền bởi những ngọn đèn sáng rực. Mặt nước cũng sáng lóa hàng ngàn ánh đèn sặc sỡ từ hàng ngàn con tàu đang thả neo. Những tia la-de nhiều màu chiếu thẳng lên trời, đan xen nhau như một bức tranh cỡ lớn thời hậu hiện đại. Đã mười hai giờ đêm, nhưng cái thành phố xa lạ này chưa hề ngủ.

Tôi có một ám ảnh. Thuở nhỏ, những dịp nghỉ hè tôi hay đi tàu từ miền Trung vào miền Nam, rồi lại từ Nam ngược ra Trung. Ban đêm, đoàn tàu cũ kĩ lọ mọ như một lão già chống gậy, nặng nề bò qua những đèo, những hầm, những đồng cỏ hoang vu dưới cơn mưa tầm tã. Gió luồn qua khe núi, hú lên những tiếng ma quái rùng rợn giữa trời khuya. Không một ai còn thức. Nhưng khi qua những trạm gác, tôi luôn thấy một người mặc áo tơi, cầm ngọn đèn bão đứng làm hiệu cho đoàn tàu. Trong vài giây ngắn ngủi, ánh đèn vàng vọt hắt lên, vẽ ra những đường nét góc cạnh nhọn hoắt của khuôn mặt hốc hác, đôi gò má nhô cao, đôi mắt hõm sâu mệt mỏi vì thiếu ngủ. Rồi đoàn tàu ầm ào đi qua, bánh nghiến ken két trên đường ray. Tôi chồm người ra cửa sổ, ngoái nhìn lại, vẫn thấy đốm sáng ấy le lói đằng sau đuôi tàu một lúc lâu, cho đến khi chìm hẳn vào màn đêm dày đặc rồi mất hút. Cảnh tượng ấy in sâu vào trí óc tôi cả một thời thơ ấu, nặng nề, bứt rứt và khổ sở, nhất là khi tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng ngọn đèn của người gác tàu không phải ngọn đèn anh hùng “trên đường ta đi đánh giặc, dù vào Nam hay ta lên Bắc” của nhà thơ Chính Hữu, mà là một loại đèn buồn tủi hơn nhiều, cơ cực hơn nhiều.

Rồi tôi ra thành phố học. Thành phố có đèn điện, là một thế giới sáng sủa, rất khác với vùng quê tôi đã sống. Trong suốt bảy năm tôi ở đó, đã có bao nhiêu quán cà phê xuất hiện, bao nhiêu nhà hàng mọc lên. Lại có cả một cây cầu xoay, đèn thắp hai bên thành cầu làm cả một khúc sông sáng rực. Từ bờ sông đi về phía trong một chút là khu chợ. Những buổi đi học về khuya, tôi đạp xe một mình qua khu chợ đó, nghe cái mùi hăng hăng nồng nồng của rác rến xộc vào mũi. Dưới gốc cây sao bên vệ đường hay có một chiếc xe đẩy rác, trước xe treo lủng lẳng một cây đèn hiệu chiếu sáng nhờ nhờ một khoảnh đất nham nhở đầy vỏ cam, xác mía, bao nhựa, cọng hành. Và một chị mặc quần áo phản quang cặm cụi cầm chổi quét đường mà mặt mũi buồn thiu. Hoặc cũng có thể chị ta không buồn, chỉ là cúi mặt xuống đất nên trông có vẻ buồn, tôi không biết. Nhưng cái hình ảnh chị công nhân quét rác ấy, cái dáng người xiêu vẹo ấy, bộ quần áo nhàu nhĩ có hai vạch phản quang sau lưng, và nhất vùng sáng mờ mờ không đủ soi rõ mặt người ấy, tất cả đọng lại trong bộ não non nớt của tôi thành một kí ức buồn rầu.

Tôi lớn lên và bắt đầu những chuyến đi dài hơn, xa hơn. Lần đi lên phía Bắc, tôi gặp ông lão Nguyễn Đình Loát trên vỉa hè một con đường ở Thái Nguyên, một buổi tối mùa thu. Gió thổi lạnh. Đèn đường chiếu hiu hắt. Ông lão ngồi một mình trên cái ghế đẩu, trước cái chõng tre kê mấy món hàng lặt vặt và một bóng đèn tròn tù mù bọc trong mấy lớp giấy báo Nhân Dân. Tôi ngồi hỏi chuyện, tay hí hoáy ghi chép và vẽ. Ông lão thì hồn nhiên kể lúc còn làm phó viện trưởng viện kiểm sát Bắc Thái đấu tranh chống mậu dịch viên ăn cắp của công, nó tham nhũng thế nào, ông tố nó ra sao. Những lúc kể hăng quá, ông lão lại lập cập chống tay vào đầu gối, đứng lên làm điệu bộ, cái bóng ông đổ về phía sau, in một mảng tối lớn lên cánh cửa sắt của cửa tiệm treo tấm bảng “quần áo thời trang công sở.” Không như trong Quẩn quanh trong tổ, tôi tin những chuyện ông kể đều có thật. Mặc dù, nói cho cùng, thật giả thì còn ý nghĩa gì với một ông già bán lạc rang đã gần đất xa trời? Chừng đó đến nay đã hơn một năm rồi, nhiều thứ đã cũ đi, nhiều chi tiết tôi không còn nhớ rõ. Nhưng cái cảnh ngọn đèn bọc giấy báo soi một ông lão ngoài bảy mươi tuổi mặc áo trấn thủ ngồi co ro trên vỉa hè giữa trời hôm khuya khoắt, trên một con đường lớn chạy xuyên qua thành phố gang thép thì tôi chưa quên.

Tôi cũng chưa quên dịp Tết năm ngoái ra Huế, vào nhà thằng Long ở gần Bao Vinh. Đường vào nhà nó tối om, sâu hun hút. Vùng ngoại thành, tám giờ tối người ta đã tắt đèn đi ngủ cả. Nhưng nhà nào cũng như nhà nấy đều có một cái am thờ trước sân, thắp một ngọn đèn yếu ớt, từ xa nhìn rờn rợn như lửa ma trơi. Hỏi ra thì biết đây chính là cái khu vực mà ngày xưa Trịnh Công Sơn đã có lần nhắc tới “Chiều đi qua Bãi Dâu hát trên những xác người.” Ngồi sau xe, nhìn những ánh đèn le lói mà người tôi lạnh ngắt. Mỹ Lai, Ba Chúc, Phong Nhi, Đường 9, Thái Bình, Đổng Chúc, Khâm Thiên, Mỹ Trạch… còn bao nhiêu oan hồn đang vất vưởng những ngày cuối năm mà sợ sệt một tiếng gà gáy nửa đêm giao thừa, như khi còn sống kinh hoàng nghe tiếng máy bay ù ù trên đầu đêm Noel, nghe tiếng súng vọng vào từ cổng làng một sớm ngày giáp Tết? Thế hệ chúng tôi sinh sau đẻ muộn, lúng ta lúng túng ngồi trên ghế nhà trường cố học thuộc lòng những bài lịch sử có súng AK và xe bọc thép, ra đời nghe người nọ người kia kể những chuyện “mắt thấy tai nghe,” biết chỉ để mà biết vậy thôi. Ai đúng, ai sai, đâu còn quan trọng nữa? Vì những gì xảy ra, đã xảy ra rồi. Như ngọn nến cháy tàn không còn tìm lại được. Như hòn sỏi ném xuống mặt hồ biến mất. Còn lại trước mắt tôi là những cái am thờ chiếu một thứ ánh sáng leo lét tủi hờn giữa sương lạnh trời khuya.

Bởi vì từ cái thời chị Dậu lao ra ngoài trời đến nay, bóng tối chưa hề thay đổi. Người ta vẫn ví một cách văn vẻ rằng tối như đêm ba mươi. Tối như bưng. Tối như mực. Tối như hũ nút. Tối xòe bàn tay không thấy ngón. Tối như cái tiền đồ của chị. Nhưng bóng tối thì ở đâu cũng giống nhau, chỉ có ánh sáng là mỗi nơi mỗi khác. Con tàu tôi đi, chiếc máy bay tôi đang ngồi, ngọn đèn hiệu trên chiếc xe rác cạnh cây sao gần bờ sông, thành phố đang trải rộng phía dưới, những am thờ trên đường qua Bãi Dâu, những khách sạn nổi trên bến cảng, tất cả những thứ đó rồi cũng chìm vào bóng tối. Đâu có gì đáng phải bận tâm.

Chỉ lạ một điều, là cách nhau có một tiếng đồng hồ bay thôi mà sao ánh sáng lại khác nhau đến vậy?

5 thoughts on “Nghĩ cho ra cái tựa thật là phiền phức

  1. Thì đã bảo, chỉ bóng tối mới giống nhau, còn ánh sáng thì ngay lập tức dã khác nhau rồi, hà tất phải phân biệt sư khác nhau phân định bằng 1 tiếng đồng hồ bay hay chỉ là một sát na trong ánh nhìn của hai người nào đó, hả???

  2. Hi hi, đây là bài viết mình nghĩ là hay nhất của bạn, nói một cách thẳng tính thì đây mới đúng là cái mà người đọc như mình mong được đọc từ bạn, hay hơn các bài trong “Quẩn quanh trong tổ”. Hi hi, chia sẻ như vậy không biết có quá đáng không?

    Cứ đọc với một giọng văn trầm tĩnh, viết trong cái lúc mình thanh thản nghĩ về mọi sự, viết như để ngẫm lại trải nghiệm của mình.

    Thực sự, vào bất cứ thời điểm nào, cái bóng tối của đêm đen vẫn cứ hiện hữu, và luôn tương đồng với nỗi sợ hãi, với tội ác, với nỗi cô quạnh và buồn tủi của con người. Trong cách nghĩ của mình, thì đêm đen cũng là lúc mình nhìn lại mình, bởi ngoài mình và nội sợ hãi của chính mình, liệu mình còn thấy gì khác.

    Bài viết này chắc chắn được viết trong một lúc cô quạnh nào đó của bác PA.

    Hay!

    Chúc mừng bác :)! 

  3. Lần đầu tiên không thấy sự gai góc, cạnh khoé, bất mãn… trong từng câu chữ của anh.

Cười đùa đàn địch xôn xao

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.