Còn đợi gì mà không thanh trừng?

Những bài tôi viết gần đây, các bạn kêu buồn. Ờ tôi cũng thấy nó buồn. Và cứ càng thấy nó buồn buồn thì tôi lại càng lo lo: Biết đâu cứ viết lừ đừ thế này, về sau cái kiểu nó lại ám vào người, không khéo lại thành một vị lãng mạn đại nhân mang nét buồn thời đại, nhìn theo gió hiu hiu cười không ít thì nhiều, theo kiểu Nhất Linh và các thứ sến rện vô bổ ngày trước. Mà tôi thì không muốn làm lãng mạn đại nhân – vốn dĩ trước nay tôi chỉ thích viết kiểu tào lao xịt bợp, đâm chỗ này chém chỗ nọ mà thôi, bất kể các bạn cứ lao nhao rằng anh không thay đổi lối viết ư đừng lì lợm quá như thế, đến to béo như Aziz Nesin mà cũng biết thức thời ngày xưa viết châm biếm ngày sau đổi sang viết đả kích nữa là thứ như anh vân vân và vân vân.

Thế nhưng hôm nay thì tôi hết lo. Vâng tôi hết lo. Vì tôi đã vững tin (xác tín, theo kiểu các bạn dốt nát có vốn từ ngữ hoa lá hẹ hay dùng, cùng với những từ khác như tự do, xa ngái, hoang hoải, khải huyền các loại) rằng may mắn quá, tôi viết mấy thứ buồn buồn như thế chẳng qua vì thế sự xung quanh tôi tự nhiên nó vu vơ nó buồn mà thôi, chứ một khi nó đổi sang nó vui, thì tôi lại viết vui được ngay, uyển chuyển chính là như vậy.

Cụ thể là bữa nay tôi đọc báo được cái tin rằng lực lượng công an kia sắp thanh tra, tức thị kiểm tra và thanh trừng, một quán cà phê nọ vì cái tội dám xuyên tạc Lê-nin. Tôi viết Lê-nin là thói quen thôi, thật ra tôi cũng chẳng biết viết tên ổng thế nào cho đúng. Cũng có thể là Lê nin – không có cái gạch ngang. Hoặc Lê Nin, tức là in hoa đầu chữ. Hoặc LÊ NIN, như các tấm biển treo xiên xẹo trên những con đường đầy người chết vì xe tung. Hoặc Lénine, lưu ý vẫn đọc là Lê, không phải Lé. Mấy người ít học quê tôi người ta gọi là ông Sáu Nin, vì thấy ghi tên đầy đủ của ổng có chữ VI – cái này tôi nghĩ có lẽ không đúng, vì nếu ghi thế thì phải đọc là Vi Lê Nin, tương tự như cái cô nhà thơ gì Vi Thùy Nin ấy, hoặc là Sáu La Mã Nin, chứ chỉ đọc Sáu Nin thì chẳng hóa ra là Sáu La Tin Nin. À cái này tôi cũng kể rồi, thằng bạn tôi hồi tiểu học tên là Lê Văn Nin, nó học dốt như bò vì suốt ngày chỉ thích lấy que gai mắt ó chọc đít bò. Tóm lại như thế, công an sắp thanh trừng quán cà phê vì xuyên tạc thằng bạn tôi chọc đít… e hèm, vì xuyên tạc Lê-nin, nay xin nói tắt là anh Nin cho nó máu.

Nhưng bởi vì rất có thể không phải tất cả chúng ta ở đây đều có kiến thức sơ đẳng về anh Nin, tôi xin mạn phép kể lể dài dòng văn tự ra một ít, xong rồi các bạn có thể vỗ tay khen tôi kiến thức sâu rộng. Anh Nin thì nay đã chết rồi, xác ảnh được xức dầu thơm và quàn trên quảng trường Đỏ cho bà con đi ngang qua có rảnh thì vào xem, nhưng hồi còn sống thì ảnh lẫy lừng một cõi chính và nhiều cõi phụ khác, người ta còn có một định luật vật lí rằng đồng chí Nin không bao giờ sai, và tất cả những nhà khoa học thiên thể cố gắng chứng minh định luật ấy sai sau rốt đều phải vừa khóc vừa nói rằng là em sai em sai, định luật không sai, đồng chí Nin không sai, xin đừng bắn. Theo như sách sử do những người viết sử ghi lại thì chú Nin hồi nhỏ học thôi rồi, ba năm không nhìn ra vườn, bạn đem súng bắn chim tới cũng bảo không không nhà tao làm gì có vườn mà bắn, để yên tao học cơ, kệ súng mày, kệ chim mày luôn. Nhờ học siêng như thanh niên nghiêm túc như thế mà lớn lên anh Nin trở thành lãnh tụ của giai cấp công nhân, được coi là học trò vĩ đại nhất của Các Mác, đồng thời cũng là thầy của một số anh khác, rồi đến lượt các anh này lại cũng giành giật nhau xem ai là học trò vĩ đại nhất của thầy Nin. Anh Nin lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản ở Nga đi đến thắng lợi cuối cùng, đảo ngược hoàn toàn cục diện người bóc lột người một cách hết sức vẻ vang. Tượng anh được đặt ở khắp nơi nơi, ở Nga có hằng hà sa số đã đành, lại trùng trùng mông mông ở Trung Quốc và Cuba, và thấy rõ nhất là ở Bắc Triều Tiên vào ban ngày. Ở ta cũng có tượng anh to đùng ở vườn hoa, người ta gọi nhầm là cụ Lý cụ Lê, anh đút tay vào túi, tay kia chỉ ra xa, mắt anh nhìn thẳng, rất cương nghị, không hề chớp, mặc kệ bọn dân ngu khu đen vứt rác và tiêm xì ke tùm lum xung quanh. Thế và ngoài vườn hoa ra thì tượng anh cũng hay được đặt trong những phòng họp, ở đó anh không có tay, anh chỉ thúc thủ mà nhìn thôi, trong lúc những bọn không phải dân ngu khu đen thì ngủ khò khò dưới ánh nhìn của anh. Trong sách giáo khoa người ta cũng viết về anh luôn luôn, giống như người ta sợ chểnh ra một phát là cả thế giới quên anh tút xuỵt, đơn cử như chuyện bắn chim tôi vừa kể phía trên, hoặc bài thơ “Ông Lê-nin ở nước Nga / Đầu ông bị hói rất là Việt Nam” mà ai trong số chúng ta cũng phải thuộc lòng nếu không muốn ở lại lớp, hoặc lại một bài về chú bé Kô-li-a bị lạm dụng sức lao động “Tuổi mười hai đuổi bướm bắt chim / Em ở đây bên bác Lê-nin / Người làm việc. Cần em canh gác.” Tất nhiên khi đã vào thơ ca thì câu chuyện có sai lệch ít nhiều, nhất là khi lại là thơ của nhà thơ Tố Hữu – người mà nếu giữ nguyên tên họ là Nguyễn Kim Thành chứ không chọn bút danh thì hẳn nhà thơ có đôi chút liên quan là Nguyễn Du phải hộc máu chết mấy lần vì sỉ nhục – nhưng đã đến mức độ như thế thì thiết nghĩ chúng ta đều phải nhất trí rằng anh Nin là một người vĩ đại, luận cương của anh làm cho mọi người đều khóc một mình trong phòng cũng như phin Hàn Quốc, những lời anh nói ra đều đáng được coi như sấm truyền, kể cả cái câu “Hỏng bét rồi!” mà bọn thối mồm vẫn đồn là lời anh dặn lúc lâm chung. Những chuyện sau này người ta kéo tượng anh cùng với các bạn đồng chí của anh đổ chỏng gọng, rồi những cái hình chim ỉa lên đầu anh, con nít ngồi lên bụng anh các kiểu trên khắp các nước Đông Âu, tôi ngờ rằng đều là giả trá mà thôi – nếu tinh ý và tỉnh táo thì các bạn sẽ nhận thấy rằng anh em Thomas Knoll và John Knoll tung ra bản Photoshop đầu tiên cho máy Mac vào năm 1990, rồi đúng một năm sau thì chủ nghĩa xã hội Liên Xô sụp đổ và những bức hình ấy bắt đầu được lan truyền, thời chắc chắn phải có gì huyền bí đằng sau chứ không thể nào mà lại trùng hợp nhiệm mầu như thế được.

Read more