Thư cho Luyện

Chú Luyện ơi, thế là chú bị tó rồi đấy nhỉ?

Anh thương chú biết bao nhiêu. Nhớ tuổi thơ anh với chú, chúng ta suốt ngày bắt gà đá dế ngoài nội, anh còn thò lò mũi xanh và chú còn cởi truồng lòi chim xanh mông xanh. Chú nức tiếng xinh giai ngay từ nhỏ, với lông mi đen và tóc cũng đen, trong khi da trắng răng trắng và cái đờ đến ngay cả lòng trắng mắt chú nó cũng trắng nốt. Anh nhớ ngày ấy đi chơi với chú toàn nghe người ta khen “ối giời con cái nhà ai mà xinh thế, ô kia nó chớp mắt kìa, ô xem nó mút ngón tay kìa, ô nó bĩnh trong quần kìa đẹp thế nhẩy”, còn anh thì mặc cảm xấu xí chỉ biết dùng tay áo quẹt nước mũi ngang mặt, tối về lấy tăm nhang xăm lên cổ tay hai chữ Hận Đời. Lớn lên một chút anh với chú cùng đi học, trong lúc anh bắt chước Thi Sách thắp ngọn đèn dầu tập tọe làm thơ tán gái đến vàng cả mắt thì chú hai tay bốn em cứ dập dìu hết bụi chuối đến bụi môn như Lục Vân Tiên mò Kiều Nguyệt Nga. Thế mà chú nay bị tó rồi sao?

Chú bị tó rồi sao Luyện? Anh bàng hoàng nghe bảo chú chém người xong vượt biên qua đất bạn hòng đào thoát, xong lại nghe tiếng gọi của gia đình mà lò dò men hẻm núi quay về, ngu ngu cái mặt quái nào lại lọt ngay vào rọ. Cái đời xảo trá quá chú nhỉ, thế mà chúng mồm to cứ bô lô rằng gia đình là mái ấm, rằng hãy hồi cư, rằng ta về ta tắm ao ta dù trong dù đục vẫn là cái ao. Anh không biết chú thế nào, chứ nếu là anh thì kiếp sau anh nguyện làm quả trứng vịt lộn, không cần cửa cần nhà chi chi cả mà lại giúp ích cho đời gấp vạn lần hơn.

Chú Luyện thân mến, ở trong ấy chú có đài có ti vi để nghe thời sự gì chăng? Chú có được cập nhật tin tức không? Chắc là không đâu nhỉ, đến ngoài này khối người còn mắt lác tai ù huống gì là chú. Thế cho nên anh kể sơ qua cho chú nắm nhé. Trời lúc này đang vào thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng anh đang nao nức những kỉ niệm nôn nao của buổi tựu trường. Nếu chú có được nhét vào xe bít bùng mà giải đi trên phố, nhớ ném viên sỏi kêu “cộp” đánh lạc hướng các anh rồi len lén nhìn qua cái lỗ thông hơi mà xem cảnh các em bé nô nức cùng bố mẹ lao đến trường như đang hăng hái dự giải Marathon có trò ném lao và bắn dĩa, trong khi các em lớn hơn thì tô son trát phấn, xõa tóc qua một bên vai trái và một bên mắt phải, ngồi ủ rủ như con gà rù trên xí xổm, nhưng lại ngước lên trời chu mõm làm vài cú hình chụp “hốt bôi trường Bưởi, nữ sinh Ngô Quyền”. Chú hãy nhìn cho kĩ gương mặt ngây thơ trong sáng của các em, anh có thể lấy cả đầu và đít ra bảo đảm với chú rằng với cái nền giáo dục cải cách triệt để hiện nay, mỗi năm mỗi đổi thay toàn diện, mỗi năm mỗi sách mới vở mới bài phát biểu cũ lá thư cũ, ngày mai trong đống xuân xanh ấy thế nào cũng có kẻ theo gương chú mà trở thành Song Phớ Giang Hồ Thủ, sẽ được cùng với chú sóng đôi thành như đôi bạn trong kì đại hạn Dê Trắng Bê Vàng.

Read more

tự nhiên nó thế

lại như thế này ngả ra lưng ghế mắt cay xè mà không muốn ngủ

lại như thế này chán hết mọi thứ chán cả từng dấu chấm dấu phẩy chữ hoa và dấu thị

lại như thế này tuấn ngọc khánh ly mặt nhăn mặt phê nữ hoàng chân đất giọng trầm và phản quốc

lại như thế này bất tài vô tướng tại sao sinh ra tại sao tại đây tại đúng lúc này

lại như thế này mặt nặng cổ nghẹn ghét vô cớ chán vô ích mọi thứ vô vọng vô hình dạng vô giác vô tri vô giá trị

lại như thế này có hồn có xác có giấc mơ thành xí quách có con chó ở góc nhai cục xương mừng mừng tủi tủi đá chẳng thèm cắn đuổi chẳng thèm đi

lại như thế này có ngày hôm qua có ngày hôm nay mà không thấy ngày mai đâu cả không thấy ngày mai của ngày mai đâu cả

lại như thế này như máu không chảy nữa như tim không đập nữa như phổi không ép nữa như da gà cũng không buồn nổi nữa

không buồn nổi nữa

Cày Nam cày Bắc

Sống, quả thật là chán ngấy. Và mệt mỏi bỏ mẹ. Khi mọi người bắt đầu lên những cái mặt dạy đời, thì đã ngửi thấy mùi thoang thoảng rồi. Khi đã bắt đầu có người bảo rằng cái đờ mờ tại sao sách mày đọc năm chục trang không cười được một tiếng nào thật phí tiền của bố, khi anh em rằng dạo này trang web của mày xem không thấy vui vẻ nữa, phí đường truyền nhà nước đang thời kì Vũng Tàu đứt cáp, khi các chị rằng tại sao mày cứ cương lên như bị cường dương ấy, thì rõ ràng đã rặt những thể loại cứt bò tung bay, hoặc rõ ràng đã sỉ nhục loài bò chân chính rồi.

Chẳng lẽ lại bảo rằng từ lúc tôi bắt đầu biết viết đến nay đã chừng ấy năm, chửa từng có lần nào đề từ rằng tôi đang viết truyện cười đây hãy đọc đến cười đi có buồn cười không hi hi. Chẳng lẽ lại bảo rằng một món ăn ông ăn đi ăn lại suốt ngày – mà không phải trả cắc bạc xu teng nào – đến ngấy cả cuống họng rồi ông chê nó không được ngon ngọt vừa ý ông nữa, thì đó là tuyền tại ông và cái mồm của ông cái lưỡi của ông cái gai vị giác của ông chứ không phải do cái món. Chẳng lẽ lại bảo rằng rốt cuộc thì những thứ tôi viết ra không phải để mua vui, không làm trò hề, rằng mặt tôi nhìn ngửa hay nhìn nghiêng cũng không thể nào ra mặt thằng Joker mồm rách thích cười hô hô why so serious. Chẳng lẽ lại bảo rằng những sản phẩm của tôi, từ giọt a-mô-ni-ắc cho chí cái bựa răng rồi đến trang web thơ thẩn rồi đến trang web báo hại rồi lại cuốn sách báo đời, tất cả là của tôi do tôi và vì tôi, tôi làm cho sướng thân tôi trước đã, cho đỡ chán cả vạn mớ, đỡ phải chửi đổng, đỡ tự kỉ, đỡ đứng trong nhà tắm mà nước mắt nước mũi giàn giụa, đỡ những lúc xỉn say quay cuồng, đỡ cả những khi thèm có chút dũng khí để mua dây thừng về treo lên co chân đá ghế. Chẳng lẽ lại bảo rằng nếu chẳng may ông để ý đến thì cảm ơn xin cảm ơn vạn bội, nhưng cơ bản nâng cao đều không phải việc của ông để ông chõ mũi vào rằng hay rằng dở thật là như cứt. Ai bắt ông tin ông ai bắt ông hi vọng ai lại bắt ông vớt tôi now?

Nguyễn Ngọc Tư thật là tội nghiệp, bả cứ viết về miền Tây sông nước và cỏ lác hoài hoài, cho đến một ngày ngứa mông mần vài bài thơ tiếng Hà Nội, thì lập tức anh em lu xu bu nhảy tung xòe vào phản đối búa lua xua sao Tư lại như thế sao Tư lại như vuậy thật thất vọng về Tư đại để. Bả chịu hết xiết bèn đóng comment sau khi than thở rằng kinh thật, cày Nam sao lại cày trên đất giống như cày Bắc, quả thật là đã phụ lòng độc giả thân thương, nay xin được cày ở nhà mình ên, khỏi phụ lườn các loại thợ cày giữa đường.

Thật tội nghiệp là Nguyễn Ngọc Tư. Tôi không có cái mộng làm Tư Cà Mau Tư Bờ Lau gì gì đâu, nổi tiếng toàn dân như vậy rất là thối. Khi ông nổi tiếng, ông phải lựa lời. Người ta hỏi ông một câu, ông phải cau mày suy nghĩ một tiếng đồng hồ để trả lời sao cho hay cho khéo. Ông phải nói những chuyện trên trời, thanh cao tao nhã, Haruki Murakami, văn học nghệ thuật tương lai nước nhà, cái hay cái đẹp cái thánh thiện mà con người hướng đến với cần cổ vươn cao như cò khát nước, về những nỗi buồn bỗng dưng nhẹ nhàng vu vơ với một nét mặt điềm đạm đơ như cây cơ. Trong khi cái sự thật chẳng qua thì là rằng ông đang rất buồn và chỉ muốn hét thật to: Ơ TRÁNH RA CHO TAO ĐI ĐÁI!

Chán bỏ mẹ. Nổi tiếng hay mém tiếng hay lềnh bềnh tiếng hay phập phù tiếng cũng hay đấy, nhưng được đi đái bất cứ khi nào muốn đái thì còn hay gấp vạn lần hơn.

Cho nên, tránh ra!

Thế kỉ này đang trong nắng ban chiều

Những đầu óc ấy, thôi đừng tin nữa.

Vì rượu đỏ và thịt đỏ đã bịt hết lỗ thông hơi mất rồi.

Người ta không còn khóc khi thấy một con bé năm tuổi quỳ xin tiền giữa trời mưa tầm tã nữa.

Người ta bàn chuyện chính trị, chuyện văn chương, chuyện nhạc, chuyện họa trên ghế nệm êm vãi cả đít, không lủng lỗ, giống như ngai vàng của Nã Phá Luôn Luôn và Pie Cái Bánh. Nói cho nó chính xác hơn, đít vẫn lủng lỗ, nhưng ghế nệm thì không. Bông gòn trong ghế nằm ngay ngắn theo khuôn dạng, không thòi ra thụt vào. Những chiếc ghế có lò xo bung tua, vì những lí do thẩm mĩ rất đáng được tưởng thưởng vỗ tay phèng phẹt, đã bị vứt vào nhà kho, khóa trên khóa dưới. Và người ta ăn nho. Và người ta vỗ bàn rằng Rầm, loài người là súc vật tự do. Và người ta chấm mắm ruốc thịt heo nạc rất nhiều đạm, với ớt hiểm cay xé lưỡi. Và mặt người ta bứ những mỡ, cằm người ta xệ ngấn, mặt người ta bóng lên, và những linh hồn heo trên thiên đàng heo nhìn xuống chửi thề rằng chúng mày lấy tư cách gì mà cạo lông cắt tiết chúng tao, phất, tưởng đuôi không xoắn mông không xoáy là ngon sao.

Và Tuấn Ngọc hát “chớ lịm người nghe anh sắp qua đời” nghe chẳng còn xi nhê cái quái gì nữa. Quán ồn ào một cách thậm vô lí, mặt ai nấy từ bàn trên xuống ghế dưới đều nhìn đơ như cây cơ. Nắng xói ngu ngốc qua mái hiên, sáng rỡ một cách không cần thiết, xiên qua hàng lan lá xanh xanh, vắt qua con Pháo có cái đuôi ngoắc lên nhọn hoắc như lưỡi mác trên bàn cờ tướng, nơi hai thằng cha cởi trần, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chửi nhau rằng “Đụ má mày tấn xe, tấn xe hả con?”. Mỗi thằng lại có một con bồ mặt ngựa tóc dài quá mông nhìn vú bự rất là nghệ, ngồi bên cạnh vắt chân chữ ngũ, cổ võ tinh thần rằng “hố hố, hé hé hé”. Khói thuốc thơm rất như là xi-gà-rét, chẳng biết con Mèo hay Jet hay loại rất nổi gần đây là Esse Light, cái loại ống dài như cuốn khoai mì, dành riêng cho bọn gái rách việc cũng học đòi anh Phi Đen mà phì phèo dáng Che, không biết rằng anh Đen nay đã rất yếu sinh lí đang đợi Nam Tào đưa vào sổ ghi nợ debit, còn bác Che cũng đã qua đời bốn chục năm có lẻ ba lẻ tư năm rồi.

Trời ơi trời ơi thôi đừng tin nữa. Ai mà viết chẳng hay ai mà hát chẳng hay. Nhưng rồi thì sao? Chim bay bạt gió, ruồi bay. Mưa đổ nước ra sông lớn, vào cống nhỏ. Đàn khảy réo rắt, sáo thổi vi vu, trống bể kêu “tum, tủm tum, tủm tum, tum tủm”. Lá rơi xoay xoay đẹp thế, màu đỏ quay cuồng rực rỡ, màu vàng điểm xuyết, cắm thẳng xuống bãi phân bò.

Còn gì để mà tin nữa?

Mỗi ngày một buồn đi

Những giấc mơ, đâu cả rồi?

Giấc mơ của một thằng sinh viên ngồi một mình trong quán Vắng, nghe tiếng Thái Thanh ai oán ca bản Quán bên đường, nhìn bóng đèn quả nhót treo trên cây cột chiếu thứ ánh sáng xanh lè lạnh lẽo. Bàn ghế vắng tanh. Bà chủ quán lâu lâu lại tạt ngang qua, hỏi dạo này đi đâu. Cười, dạ không đi đâu cả, chỉ là vẽ bài ở trường bận quá nên ít ghé thăm. Rồi lại gục đầu xuống. Trong ly cà phê sữa cả tiếng đồng hồ không động tới, đá chảy ra thành một thứ nước nhờ nhờ. Mặt kính cũng ướt, lờ mờ bóng một cái đầu tóc bù xù đã bao nhiêu ngày không gội.

Giấc mơ đứng bên cửa sổ phòng trọ một buổi chiều mưa giông, nhìn nước chảy thành dòng ngoài cửa. Đất ta nắng lắm, mưa nhiều, Nguyễn Huy Thiệp bảo thế. Nước chảy thành dòng, cuốn theo lá mục, rác rến, đổ xuống miệng cống đen ngòm. Người co cụm lại như những con sâu lá, đi nghiêng ngả dưới mưa. Bong bóng nổi lều phều bẩn thỉu trên con kênh dơ dáy luồn lươn lẹo dưới chân cầu. Chớp lóa, sấm rền, bầu trời mù mịt.

Giấc mơ của những âm thanh nửa đêm. Tiếng xe máy rồ ga vụt qua. Tiếng xe đạp cọc cạch. Tiếng rao rè rè khản đặc. Tiếng hai thanh gỗ gõ vào nhau buồn tẻ. Bánh giò, bánh chưng ơ, bánh ướt bánh nóng ơ, tẩm quất ơ, đụ má mày con đĩ. Màn hình máy tính vẫn sáng và Sebastian Bach vẫn gào Quicksand Jesus I’m so far away without you.

Giấc mơ của những thằng con trai ốm đói cởi trần khoe xương sườn xương sống, ngồi quây lại với nhau quanh chai rượu chuối hột, mấy lát xoài sống và gói mì tôm ỉu. Cái li hột mít chuyền tới chuyền lui. Cái lưng nghiêng qua ngả lại. Một thằng ngửa cổ hát tục ca, bọn còn lại cười hô hố bảo Phạm Duy tài thật, bố tiên sư Phạm Duy, Phạm Duy vô đối. Một thằng uống say nằm lăn ra ngủ, cái bụng lép kẹp nhô lên xẹp xuống, thở phì phà phì phò.

Đâu cả rồi? Quán Vắng nay chỉ còn cái tên. Cây xoài bị cưa tận gốc, khách ngồi chen chúc nhau nhả khói phì phèo, ông chủ mập phệ chạy ra chạy vào hỏi chìa khóa xe đâu, dạo này hay mất cắp. Bạn bè đứa sắp về quê, đứa lấy vợ, đứa tập thể hình uống sữa mỗi ngày nửa lít, đứa ban ngày nói tiếng Anh méo lưỡi, ban đêm cặm cụi trả lời phỏng vấn về nền văn học Việt Nam trong thời kì quên trăng quên đèn. Trời mưa không can gì đến Lưu Quang Vũ, trời mưa không còn ai nhắc Trần Dần, tất cả chỉ là đống nước nhiễm xạ trôi dạt từ ngoài biển. Từ cửa sổ nhìn thẳng vào trung tâm thành phố, tòa nhà Bitexco sáng đèn thâu đêm.

Đâu cả rồi?

Đời sống như thân nấm, mỗi ngày một lùn đi…