Ở Toa Payoh mấy năm gần đây, trên tầng 29 của một khu chung cư, có một căn phòng luôn luôn khép cửa.
Trong căn phòng ấy, đã có những ngày tôi nghêu ngao hát Ò e Rô-be đánh đu. Đó thường là những buổi chiều tôi đi đâu về, nhìn căn phòng trống trải hai mươi mấy mét vuông, nhận ra mình vẫn chưa hề quen với việc ở một mình như mình vẫn nghĩ, rồi tự nhiên muốn hát lên một câu gì đó. Một câu gì đó, buổi tối thường là Đêm nhớ về Sài Gòn, cái câu thằng Lak hay hát sau khi về Ban Mê, còn ban ngày thì là Ò e Rô-be đánh đu, bài đồng dao mà lần đầu tiên tôi được nghe là ở nhà thầy Châu dạy đàn. Ngày xưa thầy hay cầm cây Fender đã mòn cả phím, nói “Nghe tôi đệm Ò e Rô-be đánh đu nè nha,” rồi bắt đầu vừa hát vừa chạy power chords, trong khi Nguyễn Phi Hùng Nhớ gấp ngàn lần hơn rụt rè nhìn thầy và lọ mọ bấm La thứ. Đã mấy năm nay tôi không đến thăm thầy, mặc dù trong danh sách những việc cần làm mỗi khi về nhà tôi luôn có dòng “Gặp thầy Châu” bên dưới dòng “Chép đĩa nhạc Duy Khánh cho cha.” Tôi cũng không chắc bây giờ còn tìm nhà thầy được không, chỉ nhớ mang máng đâu như cạnh nhà có một quán cà phê, trước cửa quán có một ông kia cởi trần cầm cây quạt giấy phe phẩy. Thỉnh thoảng tôi lại thấy mình như Nobita giấu bài kiểm tra điểm 0, đánh dấu những nơi mình đã đi qua bằng chó hoang, ống bơ và giấy vụn, rồi ngạc nhiên khi mười năm sau cánh rừng thay đổi, mình không tìm thấy cái mình đang định tìm.
Cũng trong căn phòng ấy, đã có những ngày tôi ngồi lặng lẽ nhìn những lời hứa chết đi. A, sự thật thì tôi nghĩ những điều người ta hứa thường chỉ là để hứa mà thôi, rồi cuối cùng không có ai làm, cũng có không ai nhớ để làm. Họa hoằn lắm có một người còn nhớ thì không nỡ nhắc, vì nhắc để mà làm gì khi người kia đã quên? Người ta tự mình đào cho mình những hố sâu, dựng cho mình những tường cao, rồi nhìn lại sau lưng và tặc lưỡi: Ồ không sao đâu, chắc tại hồi đó còn trẻ. Hồi đó còn nhỏ dại. Hồi đó còn khờ khạo còn say sưa, còn chung một chuyến đi chung một đích đến chung một con tàu. Đại để vậy. Tôi tưởng tượng “hồi đó” như một người vừa mù vừa câm, đứng tiều tụy một mình trong bóng tối, bị đổ vấy cho bao nhiêu tội lỗi mà không có cách nào bào chữa được, chỉ biết lùi lại một bước, mở to cặp mắt đục lờ ngơ ngác mà buồn bã.
Đây là cái tủ lạnh bé tí teo và những lon bia chẳng mấy khi tôi uống. Tửu lượng tôi rất kém, tôi chỉ uống khá hơn một chút những khi có bạn bè. Mấy lon bia này chẳng qua là có lần tôi mua về uống thử xem có gì vui hơn không. Tôi uống hết một lon Guiness đắng nghét, không thấy vui hơn chút nào, chỉ thấy hơi chóng mặt. Tôi leo lên giường định ngủ nhưng lại không ngủ được, đành nằm im nghe tiếng đồng hồ đều đều gõ nhịp và trong cơn mơ màng cứ nghĩ đến chuyện những người sắc sảo thông minh hay nói, rằng một cái đồng hồ chết ít ra vẫn còn đúng được mỗi ngày hai lần. Xong rồi tôi chợt nhận ra ủa người thông minh sắc sảo ơi thật ra đâu phải thế – thế giới có bao nhiêu là múi giờ, một cái đồng hồ chết cứ đều đặn mỗi giờ vẫn đúng được hai lần ở hai múi giờ nào đó cách nhau đúng mười hai tiếng thôi. Hai múi giờ cách nhau mười hai tiếng, như sao Sâm sao Thương, không thấy nhau hôm qua cũng không thấy nhau hôm nay, sao này mọc thì sao kia lặn, cứ lang thang như vậy mà tìm nhau cả đời.
Đây là cái giường đơn nơi tôi hay nằm nhìn lên trần, góc tường đắp ba đường gờ nổi, và ngọn đèn chùm giữa phòng – ngọn đèn kì quặc có ba bóng riêng rẽ, cứ mỗi lần bật công tắc thì sáng thêm một bóng, tắt bật bao nhiêu lần vẫn không đủ sáng để đọc sách mà cũng không đủ tối để làm đèn ngủ. Trên cái giường này, có những đêm tôi nằm nghe mưa. Không phải tôi lãng mạn gì đâu, cái tuổi lãng mạn của tôi đã qua lâu lắm rồi. Chẳng qua khi cái loa máy tính chưa bị rè, tôi vẫn hay bật nhạc kèm tiếng mưa cho dễ ngủ – trên mạng người ta chỉ vậy. Nửa đêm về sáng, ngoài trời mưa thật – thế là mưa trong mưa. Máy lại mở tới bài gì đó về mưa – thế là mưa trong mưa trong mưa. Yo Dawg, I herd you like rain so we put some rain in yo rain. Những đêm mưa, gió thổi như có ai đập cửa. Cánh cửa bị lỏng bản lề, khép không chặt, tôi phải lèn dưới sàn nhà một tấm khăn xanh gấp làm tư. Trong mấy bộ phim trinh thám cũng hay có những chi tiết hồi hộp kiểu vậy – buổi sáng đánh dấu cửa bằng một cái khăn gấp tư, buổi tối về thấy cái khăn gấp năm thì biết là đã có người đột nhập, trổ các ngón nghề cài bom đu dây điện. Gần bốn năm ở Toa Payoh, phòng tôi chẳng có ai cài bom đu dây điện cả, buổi sáng khăn gấp tư thế nào thì buổi tối khăn gấp tư thế ấy. Tôi nằm cuộn mình trên giường, trong căn phòng có khe cửa đánh dấu bằng chiếc khăn gấp tư, nghe những câu hỏi bàng hoàng của Ariel – Sao lại là em? Sao em tìm được anh ở đây? Em đến từ đâu? Trong suốt những năm tháng đó thì em đã ở đâu?
Trong suốt những năm tháng đó, cứ mỗi đêm tôi lại viết. Quãng thời gian này tôi không viết trên máy tính mà viết trên điện thoại. Điện thoại bỏ dấu kiểu mới – oà, tôi thích bỏ dấu kiểu cũ – òa. Nên tôi cứ phải sửa đi sửa lại. Tôi viết chuyện cây gạo, chuyện mảnh ruộng ngang mồ côi Gò Tiễn, chuyện đình Chu Quyến, chuyện đò. Tôi lại viết chuyện một người mất tích, một người chết đuối, một người bỏ làng ra đi. Rồi có một lần khi gió đập vào cánh cửa, tôi viết thêm: “Nhưng anh kể chuyện như vậy hoài em có chán nghe không? Câu chuyện nào của anh cũng có một người đi xa. Một người bàn chân đi xa, đầu chỉ quẩn quanh bụi duối sau nhà.” Những câu này tôi để riêng ra một bản nháp, thỉnh thoảng lại mở ra sửa “sau” thành “trước,” sửa “trước” thành “sau,” rồi rốt cuộc không đưa vào sách.
A, sách. Góc phòng kê một cái bàn tròn, sau đổi thành bàn vuông, trên đặt dăm ba cuốn sách nằm chỏng chơ. Đây là cuốn Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh gửi lại, trong có bài Thơ ru Quỳnh ngủ. “Ngủ đi Quỳnh ơi trời xanh sau lá thưa.” Tôi hỏi cô Lưu Khánh Thơ, đúng là Vũ đã sửa “Quỳnh” thành “em” trước khi in Mây trắng của đời tôi thật. Vũ mất đi khi Mây trắng của đời tôi còn chưa xuất bản, thế là lại thêm một dự định không thành. Thì có gì lạ đâu, trên đời này ngày nào trôi qua lại chẳng có thêm biết bao nhiêu là dự định không thành. Đây là cuốn Đồng dao tôi mang từ Việt Nam qua, một dạo hằng đêm cặm cụi đăng lên Ca dao Mẹ, tưởng rằng mình đang làm một chuyện gì có nghĩa. Đây là cuốn Đất lề quê thói với lời giải thích tục con gái trở vỏ lửa ra, con trai trở vỏ lửa vào. Còn đây là Luân lí giáo khoa thư, đây là Cùng một lứa bên trời lận đận, đây lại là Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn của Lê Minh Quốc – cuốn này tựa thì nghe bay bổng vậy nhưng viết lại không hay mấy, tôi mua chỉ vì trong đó có nhắc đến hai câu thơ “Mẹ thành mây trắng đã lâu / Con về thăm mẹ ngồi đâu cũng buồn” mà thôi. Khi tôi dọn sách đi, mặt bàn trống trơn, chỉ còn một lớp bụi mỏng bám trên mấy tờ giấy vẽ mua từ ba năm trước ở Bras Basah, nay đã ngả sang màu vàng ố.
Và tất nhiên đây là cửa sổ. Hoa hồng xanh bên cửa sổ. Chim sáo bên cửa sổ. Nỗi tuyệt vọng của một niềm tin bị đánh cắp và lăng nhục, và những ngày tháng cô đơn khôn cùng. Tựa cuốn Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất tôi đã đặt sẵn trong đầu từ trước khi bắt tay vào viết, vậy mà đã có lúc tôi muốn đổi thành Chim sáo bên cửa sổ vì nghĩ rằng sau mấy năm đằng đẵng, có lẽ cái tựa này phù hợp với mình hơn. “Ở đây có nhiều chim sáo. Sáng hôm nay thức dậy tôi thấy một con chim sáo ngoài cửa sổ.” Cửa sổ nhìn xuống chiếc xe đang lên cầu. Cửa sổ nơi tôi đứng căng mắt tìm một đường chân trời tưởng tượng. Cửa sổ nhìn sang một cửa sổ khác sáng đèn của một căn phòng khác luôn mở cửa, nghe tiếng lanh canh của bát đĩa và tiếng cười của một người không phải ở một mình, một người mà có lẽ là tôi không quen. Thôi, người không quen, người không quen, tôi đi đây. Đất rộng trời cao, chắc chẳng có dịp nào gặp lại. Tôi sẽ đi qua ngã tư, đi qua ngã tư, đi qua ngã năm, đi qua ngã ba, đi qua ngã sáu, đi qua ngã bảy, đi qua một con đường dẫn lên đồi, đi qua công viên, đi qua thảm cỏ, vừa đi tôi vừa tự hứa sẽ không quên không quên, sẽ không buồn không buồn, mặc dù tôi vẫn biết người ta hứa thường chỉ là để hứa mà thôi, a, đất rộng trời cao, tôi sẽ quên và tôi sẽ buồn.