Vì tất nhiên là vậy rồi. Xung quanh ai ai cũng đang bàn về Starbucks, bao gồm cả những giai thanh gái lịch, những ông sang trọng, những bà giàu có, những nường đẹp trai, những chàng đẹp gái, và những nhà cầm bút chân chính. Trong suốt mấy tháng trở lại đây, đi đâu tôi cũng nghe người ta hô vang “Starbucks vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!” “Chỉ biết còn Starbucks còn mình!” “Starbucks như ánh mặt trời, lòng dân như hoa hướng dương!” “Đồng chí Starbucks nói gì cũng đúng!” Nhà báo cong đuôi lên phỏng vấn từ ông chủ tịch cà phê đầu hói cho đến bà ba béo bán cà phê bên bờ biển bị bộ binh bắn bể bụng bầu bà bèn bứt bông bụp bả bán. Du học sinh quay clip nói rằng nevermind Starbucks bên này đầy, để tháng sau nhà gửi tiền qua tao mua uống liền hai phát cho mà xem. Người mẫu huê hậu nhờ người lên Facebook gõ giùm (vì đại để không biết chữ, không biết mổ cò, không biết trèo tường lửa, hoặc do lo xa, nếu có gì biến động thì đổ ngay lên đầu anh đánh máy) rằng mong ước một đời của các cô là được cầm li Starbucks đi ngoài đường, như Angelina Jolie, mà không sợ bị cướp chặt tay các loại. Thế rồi hôm ấy năm nọ, Starbucks quả thật đã xuất hiện, sáng ngời chánh nghĩa, rồi người ta chen chân xếp hàng mua cà phê dưới cái nắng chánh nghĩa sáng ngời ấy, và những nhà cầm bút chân chính được dịp sáng tác ngay bài thơ não nùng, như sau:
Starbucks tay trái này
Tay phải cầm máy quay
Chúng mình quay nhau nhé
Không thời mình quay tay
Cho nên tóm lại là bài này nói về Starbucks. Cho dù thật ra thì tôi chẳng biết gì về Starbucks. Thì đã sao. Nói cho cùng thì tôi chẳng biết gì về cà phê. Hồi còn nhỏ, cỡ lớp một lớp hai, tôi có một bà chị – thật ra hiện giờ tôi vẫn có bà chị này. Chị tôi không biết có xinh xắn gì không, nhưng cũng có vài anh giai làng theo đuổi. Nói là anh là theo tương quan tuổi tác khi ấy, chứ tuổi các chú chắc ít hơn tuổi tôi bây giờ. Các chú chạy từ dưới huyện lên trên xã tôi bằng con xe Cub lùn năm mươi phân khối, vượt bao nhiêu đồi núi, bao con đê, đi bao nhiêu lần đò, chui qua bao nhiêu ruộng dâu mới đến được nhà chở chị tôi đi ăn chè trên chợ, và tất nhiên là phải nghiến răng đèo tôi đi theo. Trong khi chị tôi và tôi, mỗi người một li chè tổ bố, thì các chú mặc cái quần ống loe, bắt chân chữ ngũ, miệng rít thuốc phì phèo nhìn như Chánh Tín, phía trước là một cái phin cà phê đang nhỏ giọt, nói chung là nhìn rất là một nhẽ tán gái. Có điều cà phê chưa nhỏ được nửa phần thì gái đã ăn xong li chè và đòi về, thế là mười lần như một, các chú phải bỏ li cà phê lại, lại chui qua ruộng dâu, vác xe qua đò, phóng lên đê, trèo đồi trèo núi, về trả xe cho hàng xóm đặng nghe chửi rằng tổ cha mi đi mô mà xe đầy bùn gướm ghiếc như ri.
Thế xong rồi tôi đi học đại học. Tôi nhắc lại là tôi đi học đại học. Tôi nhắc lại lần nữa là tôi có đi học đại học. Kinh kinh lắm. Trường đại học nổi tiếng toàn thành phố vì cái văn hóa lót giấy báo ngồi uống cà phê bệt, Tây nào đi xe buýt qua cũng ói từ trên xe ói xuống. Thì đã sao. Tôi viết blog hay viết sách gì gì cũng nhắc đến cái văn hóa ấy, ra cái điều ta đây học đại học. Vì quả là tôi có đi học đại học. Nhưng sự thật là tôi có cà phê cà pháo gì đâu. Bữa đầu tiên vào trường, sau khi làm thủ tục đóng học phí, tôi lần mò ra chỗ vỉa hè, kêu thử món rằng “pạc xỉu,” tức là cái món nhiều sữa ít cà phê. Tôi uống thấy ngon quá xá, ngon còn hơn sữa Ông Thọ là cái loại sữa đóng trong lon, hai bên nắp đục hai cái lỗ một nhỏ một to mà hồi xưa tôi hay len lén kê mồm vào hút cho đỡ thèm. Ờ thế thì tôi thấy sữa Ông Thọ đã ngon rồi, mà pạc xỉu nọ của đất Sài Thành lại còn ngon gấp bội, thật vạn tuế ông nào đã ngồi chế ra món thực phẩm kì diệu ấy. Cho nên tôi uống pạc xỉu như ăn chè, tôi múc bằng muỗng, tôi nhai hết cả đá, rồi tôi gọi thêm một li, rồi tôi gọi thêm li nữa, rồi lại li nữa nữa. Suốt mấy năm học đại học – tôi nhắc lại là tôi có học đại học – gần như ngày nào tôi cũng uống cà phê như thế. Và tôi nói với tụi dân ngơ rằng cà phê ấy à, tao uống mỗi ngày ba cữ, mà không mất ngủ nhé, không mụn mằn gì nhé, hình như cơ địa của tao nó đặc biệt hơn người chúng mày ạ, cà phê không có tác dụng gì với tao cả, phải chăng tao thiên tài, buổi tối muốn thức khuya tỉnh táo học bài mà có được đếu đâu, hoàn cảnh thế đấy cái đuỵt, tụi mày sao thấu hiểu. Nói xong rồi thì tôi bỏ học, vì điểm tổng kết thấp quá, không bỏ thời bị đuổi cũng vậy.
Nhưng phàm con người đã bỏ học thì phải đi làm. Thì đã sao. Tôi vác xác đi làm. Cuộc đời đưa đẩy, thỉnh thoảng tôi cũng đi lạc vào những chốn thị phi như Gloria Jean’s và Coffee Bean. Tại những nơi ấy, một vùng trời rộng mở trước mắt tôi, sáng lóa. Thì ra cà phê nhiều thứ lắm, không cứ phải là đen, sữa, và pạc xỉu. Cà phê còn có cappuccino, espresso, latte, domino, và coco jumbo. Cà phê cũng có loại bán theo shot, như đánh đĩ. Và người ta còn vẽ được lên cà phê những thứ trông như quả cật hoặc cái dom, dùng muỗng hoặc một cái que, rồi người ta chụp ảnh đăng rằng “quả tim tình yêu tại NYDC a di phò phò.” Tôi bước vào những nơi ấy với cái quần rách và đôi xăng-đan xỏ ngón, ngước lên nhìn thực đơn treo lủng lẳng như con chiên trước tượng đức Chúa Lời, chẳng biết đâu vào đâu cả, bụng bảo dạ rằng ơ chết mẹ dồi dạ mày ạ. Nhưng chẳng nhẽ lại bỏ về, trong khi các ẻm xinh tươi lịch sự cứ hỏi mãi “Anh dùng gì thưa anh?” Nên chi cuối cùng tôi phải làm cái kiểu dân chơi, tay khuỳnh chống nẹ dựa lên mặt quầy, tay kia nhét túi khoắng xem cái bóp còn đấy không, ráng sức diễn một cái mặt ngầu như thằng táo bón, xong nói “Cho anh cái gì số bốn ấy, không, số ba, từ trái qua, ừ ca búc xi no gì ấy, hi hi, anh là anh chỉ quen uống ca búc xi no thôi nhé.” Và tôi tính tiền, và tất nhiên là tôi bo luôn tiền lẻ, vì tôi là dân chơi. Và tôi cầm cái li nó đưa, và trong đầu tôi nghĩ rằng phắc, cái chén như chén hột mít thế này mà lấy của bọ cả trăm ngàn à, bọn tư bản chó ỉa cút về nước, và miệng tôi cười nhếch qua một bên với ẻm bán hàng, thật không thua tài tử bác sĩ là Jang Dong-gun xứ Hàn.
Ấy, ấy là kinh nghiệm uống cà phê của tôi. Cà phê nói chung. Không phải Starbucks nói riêng. Về Starbucks, thì kiến thức của tôi đại để thế này. Hồi thế kỉ mười chín ở Mỹ nọ, ông Herman Merville có xuất bản một cuốn sách, tên nó là Moby Dick, nghĩa là tên của một con cá voi trắng, chứ không phải nghĩa là “chim di động.” Cuốn sách này nói về một cái tàu săn cá voi tên là Pequod, do một ông thuyền trưởng gọi là thuyền trưởng Ahab làm thuyền trưởng. Ông này có một cái cẳng cụt, do chính cái con cá voi trắng tên là Moby Dick làm cụt cẳng ổng. Do cái thâm thù cẳng cụt ấy mà ổng đã dong con tàu Pequod đi khắp khắp trên biển, cứ chỗ nào có mùi cá voi là ổng vác cái cẳng cụt bon bon chạy tới, vì mục đích tối thượng của cuộc đời ổng là phải giết chết con quái vật Moby Dick, cho dù có phải trả qua bao mùa đông lạnh giá ở Paris với cục gạch hồng dưới chiếu ổng cũng không màng. Kết thúc câu chuyện là con tàu Pequod bị Moby Dick đánh chìm, kéo theo gần như toàn bộ thủy thủ đoàn bao gồm Ahab, Queequeg, Stubb, Flask vân vân. Và Starbuck nữa. Ờ, Starbuck chỉ là tên một anh thủy thủ trên con tàu Pequod. Đồn rằng ban đầu hội đồng ban bệ của hãng cà phê ấy định lấy tên Pequod, nhưng rồi có lão mê tín lại bàn lùi rằng lỡ công ty chìm nghỉm như cái tàu nọ thì sao, nên cuối cùng đổi qua Starbucks. Tất cả những thứ tôi biết về Starbucks là như thế. Tất nhiên phải bàn thêm rằng cuốn Moby Dick ấy viết rất lung tung rối rắm, dùng nhiều từ cổ, chẳng ra cái thể loại gì cả, và rất là hay.
Giờ thì Starbucks du nhập vào Việt Nam ta, sau khi đã tung hoành tại các xứ nghèo đói hơn nhiều như Mã Lai và Thái Lan các loại. Ông chủ hãng cà phê nội địa liền gào lên. Nhà báo nội địa gào lên. Huê hậu người mẫu nội địa cũng nhân thể gào lên, như tất cả những loài biết gào khác. Người ta xoắn xít lấy cái hãng cà phê ấy, khen chê đủ cả. Thật ra khen thì ít mà chê thì nhiều. Nào là bàn luận về chất lượng cà phê, nào là mưu ma chước quỷ lũng đoạn chính trị Ba Ba Phẩy, nào là dân Việt Nam ham của lạ, nào là quốc nhục quốc sỉ, nào là tư bản và kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cách đây mấy năm tôi cũng đọc một bài tương tự, trong ấy người viết bài là ông Mỗ nào đó cũng đã chửi bọn dân ta không tiếc lời. Bọn dân ta thế nào? Bọn dân ta ngồi trong quán lợp kiếng máy lạnh, rung đùi mình mà ăn đùi gà KFC và pizza. Chửi thế nào? Chửi rằng KFC chẳng qua chỉ là cái đồ thức ăn nhanh, đồ ăn vặt, giống như bánh chưng bánh giầy phiên bản Mỹ, còn pizza thì là món đút lò của nông dân nghèo khổ bên Ý, thế mà chúng dân Việt Nam làm như đâu là sang trọng lắm, cứ vừa ăn vừa đèo nghếch cái mặt lên. Thì nay người ta cũng chửi cái bọn vừa uống Starbucks vừa nghếch lên như thế. Starbucks là cái thá gì? Là cái bọn bán sâm mía lau dạo. Con Lạc cháu Hồng mà xếp hàng giữa nắng, chửi cha mắng mẹ vì li sâm mía lau dạo của bọn tư bản, chẳng phải là nhục lắm ru? Ông Mỗ chửi từ xưa, ông Mỗ chửi đến nay, ông càng chửi càng hay, và ông lấy làm tự đắc lắm.
Ờ thì nhục. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải tự nhiên mà nhục. Thật ra lỗi không phải ở con Lạc cháu Hồng. Lỗi là tại cái tỉ giá ngoại tệ. Một li cà phê Starbucks tính theo buck thì chỉ bốn đơn vị, nhưng quy về star thì bét nhất cũng đâu tám chục ngàn star, tức là từ mười sáu ngàn cho đến mười ba ngàn ba trăm ba mươi ba lá cờ Trung Quốc tùy phiên bản năm sao hay sáu sao. Tức là đắt. Mà cái thói đời, đắt xắt ra miếng. Đã đắt thì chắc phải sang. Đã sang thì người ta có quyền nghếch. Trách gì con người ta. Có trách thì trách cái ngoại tệ. Thế và cái ngoại tệ thì đến ông thống đốc ngân hàng trung ương béo tốt như thế còn chẳng quản lí được, nữa là bọn đầu óc bình thường đít teo bụng ỏng mặt không có nút ruồi như chúng ta.
Đấy, tôi đã hoàn thành bài viết về Starbucks. Nếu các bạn không hiểu vừa đọc phải cái gì, thì xin thưa ngay rằng tôi cũng không hiểu gì cả. Vì viết thì viết vậy thôi, chứ nào tôi có biết cái quéo gì về Starbucks! Nhưng thì đã sao? Đã mấy tháng rồi, xung quanh tôi lũ lượt cũng bao nhiêu người có biết quéo gì về Starbucks đâu, mà người ta vẫn đập tất cả các loại bàn phán như đúng rồi đấy thôi.
Phong cách bố láo theo cái kiểu bố đời. Nó làm em hưng phấn, anh trai ạ
Cho em tôi nói này một tí: cái vụ tỉ giá ngoại tệ. Đành rằng: ” Đã đắt thì chắc phải sang. Đã sang thì người ta có quyền nghếch. Trách gì con người ta. Có trách thì trách cái ngoại tệ.” Theo ông anh thì đếch có trách được những người đã mua cái quyền “ngếch” ấy bằng tiền, mà nhiều tiền nữa cơ!!! Nhưng mà ấy cũng là cái thói của nhiều người, cái thói “học làm sang”, cái tôi. Điều đó có đáng chê trách không? Có chứ! Cần loại bỏ ngay cái thói ấy đi, chứ không thì một ngày uống Starbucks và nghếch mặt trừ cơm à? Đôi dòng thôi, nếu hiểu sai ý mong ông anh bỏ quá cho!
Chào bạn PHAN AN ,bài viết của bạn rất hay,mình rất thích cách viết của bạn,đã mua đọc 2 tác phẩm của bạn.Thật tự hào quê hương mình xuất hiện thêm một tài năng văn chương mới (ngoài tài năng âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý),tài năng văn chương trào phúng kiểu như THỦ THIÊM ngày xưa .Mong sao có thêm nhiều hiệp sĩ văn học như PHAN AN(vì mình thấy bạn đơn độc quá) để quét dọn cho hết những rác rến đang tràn ngập trên các trang báo mạng ,định hướng lại niềm tin vào cuộc đời còn tươi sáng còn hy vọng cho thế hệ thanh niên ngày nay.CHúc bạn nhiều sức khỏe để theo đến cùng lý tưởng của mình, sẽ luôn theo dõi các bài viết của bạn.