Diễn văn của trưởng thôn

Kính thưa làng!

Như vậy là một năm nữa đã trôi qua. Năm vừa rồi là (rút lịch từ túi quần ra xem) vâng năm rồi là hai nghìn mười hai. Thế nên chúng ta đang bước vào năm (rút bàn tính ra gẩy) à năm hai nghìn mười ba. Nhìn vào mắt làng tôi cũng thấy, tất thảy chúng ta đều rất là một sự ngạc nhiên đúng không ạ? Tại vì, nhờ vào cái phép mầu nào mà chúng ta còn sống sót đến giờ này, có phải không ạ? Thế thì (bỗng dưng cao giọng) anh nào ở gốc cây kia, trưởng thôn đang phát biểu trên này mà anh ngồi chơi tò he thế à, thật vô lễ! Muốn cắt sổ hưu không? Anh bảo gì, anh bảo anh có quyền tự do chơi tò he à? Tự do cái con cặc! Cái dân không giáo dục được! (Hạ giọng) À tôi nói đến đâu rồi ấy nhỉ… à hôm nay nhân cái dịp là cuối năm, tôi xin đại diện làng nhìn lại năm rồi (rút lịch túi quần ra xem) tức là hai nghìn mười hai, đặng còn vạch ra hướng đi cho năm tới (rút bàn tính ra gẩy) chính là hai nghìn mười ba. Vâng năm rồi cái làng Vãi Chưởng… ủa quên cái làng Vững Chãi chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu, có những thành tựu lớn, lại có những thành tựu vĩ đại, những sự kiện á là sáng ngời, tuy rằng có thể làng không được biết, vì nó thuộc về cái chủ trương, cái đường lối chính sách từ trên.

Tôi nói xí dụ như là phong trào xóa đói giảm nghèo. Làng ta năm rồi được bằng khen về xóa đói giảm nghèo, là tại vì sao? Vì sự linh động trong chính sách! Tôi đơn cử, Bốn Cụt trước đây là hộ đói vĩnh cửu, đói ngoan cố, vừa rồi cũng đã bỏ làng lên thành phố làm một cái nghề chân chính là nghề ăn mày, nghe nói một ngày y bò được hai mươi cây số đường nhựa. Bốn Cụt bỏ làng, thế thì làng ngại gì mà không bỏ Bốn Cụt? Tôi gạch tên Bốn Cụt ra khỏi danh sách hộ đói. Nên chi là năm rồi số lượng hộ đói của làng ta giảm triệt để. Xong rồi mới đây thôi thì tôi cũng tăng giá bán đèn cầy lên năm phần trăm. Là tại tôi biết làng ta đã hết nghèo đói, tăng như thế để lấy tiền xây cái nhà chồ mười một ngàn tỉ. Mụ vợ tôi rằng tăng giá đèn cầy trong khi đèn đóm như con cầy thế là không hợp lí. Thế thì tôi bèn bóp miệng mụ, tôi bảo cả cái làng này tao còn bóp hầu bóp họng được, mụ coi chừng đấy. Mụ im, còn chúng ta thì được thêm bảy ngàn tỉ đồng, phen này nhà chồ của chúng ta sẽ thành nhà chồ đẹp nhất huyện (phía dưới rộ lên tràng pháo tay, văng vẳng tiếng ú ớ của trưởng thôn phu nhân).

Vừa rồi tôi cũng có nghe làng ta than phiền là có mấy khoanh đất ruộng, đất vườn, để đấy mãi mà không bán được. Đứa thối mồm còn bảo là đất đóng băng. Xin thưa ngay với làng, đó chỉ là luận điệu thù địch của bọn ba que… ờ ba que xỏ lá. Vì trước hết là đất làng ta không thể đóng băng được. Ngay đầu làng có một cái đập nước, tôi đã cho đào tới đào lui, lại thuê xe ben về húc thử, thành ra đất rất uyển chuyển mềm dẻo, tối nào cũng rung với lắc, chỉ có sụt lún chứ đóng băng là đóng băng thế nào, có phải không ạ? Thứ hai nữa là, nói xí dụ làng ta có trăm mẫu đất đi, thì tôi đã hai mươi mẫu rồi, vợ tôi hai mươi mẫu nữa, con gái tôi hai mươi mẫu, xin nói thêm là cháu mặc váy hồng đi giày cao gót rất đẹp, con trai tôi lại hai mươi mẫu, cháu vừa được đưa đi dự đại hội thanh niên chậm tiến đấy ạ, thế và các bên nội ngoại chia nhau cũng được mười bảy, mười tám mẫu. Còn phần làng chỉ hai ba mẫu thôi. Nên nói về lo thì tôi phải no hơn làng chứ, có phải không ạ? Chúng tôi rất no khi làng đói, làng càng đói thì chúng tôi càng no (nói đến đây thì rút khăn mùi xoa ra hỉ mũi rõ mạnh).

Thế cho nên cái chuyện cậu gì đấy vì giữ miếng đất có một thẻo mà cố thủ trong nhà, lấy đá chọi ra là tôi không thể hiểu được, mà cũng khó lòng thông cảm cho được. Ngày tư ngày tết, không ngồi chổng khu gói bánh chưng mà lại lôi con kéo em đi liệng đá là thế nào, có phải không ạ? Mà miếng đất thì tôi nhắc lại là có một thẻo, móc đâu ra đá mà liệng cho nhiều, có phải không ạ? Đã cạn suy lại làm ảnh hưởng đến đội dân phòng của làng ta, ngày tư ngày tết không được ngồi chổng khu gói bánh chưng mà phải dắt chó xông phi dầm mưa dãi nắng như vậy. Ấy là rất ích kỉ, tôi phải nói thẳng thế. Nhân đây tôi cũng tuyên dương đội dân phòng làng ta đã tổ chức phòng dân rất có chiến thuật, dưới sông bơi ghe trên bờ cưỡi chó, dùng chùy vồ lại dùng dùi cui vố, lại đeo lá trên lưng leo lên nóc nhà, tức là đánh đường thủy đường bộ đường không, đánh tập kích, đánh nghi binh, thập bát ban võ nghệ thảy đều hay cả, tôi bảo có thể viết thành sách Binh pháp Vãi Chưởng, đem đi tranh giải Nô-bên bảo đảm thắng ngay chí ít là một nửa giải chứ không đùa đâu (bên dưới vỗ tay râm ran, xem chừng hoan hỉ).

Read more

Nỗi buồn của sư cụ

Sư cụ mấy nay buồn.

Buồn thấy rõ.

Buồn lắm.

Buổi sáng sư cụ không dậy sớm. Sư cụ cứ nằm ườn ra đấy, để chú tiểu phải vào thưa bẩm năm lần bảy lượt mới lăn qua lăn lại vài chục vòng giường rồi uể oải ngồi dậy. Đến khi dậy thì sư cụ quên cả đánh răng. Thảng hoặc sư cụ đánh răng thì lại quên bôi kem vào bàn chải. Đến khi bôi kem vào bàn chải thì sư cụ lại quên mở mồm, cứ thế chà qua chà lại nhân trung đến toạc cả da.

Buổi chiều sư cụ quên tưới cây. Những cây sứ, cây thiên tuế, hoa lan, hoa thủy tiên trong sân chùa thiếu nước, khô queo khô quắt. Cả những đài sen, đài súng, rêu rong dưới ao sau chùa, sư cụ cũng quên tưới nốt. Bình thường sư cụ có quên thế đâu.

Đến bữa sư cụ chỉ ăn ba bát cơm, còn để cơm thừa hạt thì dính vào chén, hạt lại dính vào mép, chứ không buồn kẹp hai cái đũa vuốt dọc vuốt ngang cái mồm rồi thò tay vào chén nước, quẹt vòng quanh mép cho sạch sẽ chỉn chu như thường lệ.

Sư cụ không còn liếc ra đường mỗi khi có tiếng rao “Cút chiên bơ nào.” Sư cụ không còn ngừng tay gõ mõ khi nghe “Hột vịt lộn đây.” Cả những con chó cắn đuổi nhau lao xao trước cổng chùa, sư cụ cũng không buồn để ý.

Bởi vì sư cụ buồn.

Buồn lắm.

Ai cũng nhận ra.

Đến mụ bán sách bói chỉ tay trước cổng chùa, con mụ nông choèn ít học suốt ngày ngồi chàng hảng nói cười phớ lớ, cũng biết.

Rồi thằng bán củi, thỉnh thoảng gánh hai bó củi đến bán cho chùa những ngày cúp điện, cũng hay.

Chúng nó lấy làm lạ lắm.

Và chúng nó đem cái sự buồn của sư cụ làm chủ đề nói chuyện những lúc sách bói bán ế và nhà đèn không cúp điện.

Read more

Cuối tháng bàn chuyện cốt cách

(Bài viết cho Lifestyle Magazine tháng 11)

Người xưa cho rằng mỗi con người khi sinh ra trên đời này đều mang cốt cách của một giống vật, tùy theo khí độ của mỗi người mà giống vật đó cao cả hay hèn mọn. Tiết Nhơn Quý chẳng hạn, chính là một con cọp trắng, khi ổng ngủ quên thì tướng tinh bạch hổ thoát ra ngoài đi chơi lông nhông, rủi thay gặp con giai yêu dấu là Tiết Đinh San giương cung bắn cho một phát lủng sọ, lăn ra chết tốt, thật là bi kịch gia đình. Hán Cao Tổ Lưu Bang chẳng hạn, ổng vốn là cốt rồng, mỗi khi uống rượu say nằm lăn quay ra thì trên người lại có hình con rồng nằm thu lu cuộn mình, ai nấy đều kinh sợ nên cho ổng uống chịu không lấy tiền, còn nói “hi hi sau này thành triệu phú đô la đi xe Lamborghini đừng quên thằng anh mày nhé.” Thời Tam Quốc cũng có hai nhân vật là Gia Cát Lượng, lấy hiệu Ngọa Long, cũng tự nhận mình là con rồng, và Bàng Thống, hiệu Phụng Sồ, nhận là con chim phượng; người ta đồn rằng rồng xúi phượng đi đường hẻm để phượng bị ghim đạn .50 BMG vào đầu, không biết thật giả ra sao. Mười mấy năm trước, nhà giáo Võ Hồng, trong tác phẩm Nửa chữ cũng Thầy, cũng có viết “Tôi muốn chữ “sư” (thầy) có bộ Khuyển một bên… “Lão sư” là con sư tử già, chớ không phải là người thầy giáo già. Thầy giáo phải có cốt cách của sư tử, không được có cốt cách của loài cáo, loài chồn.” Xem vậy để biết rằng đối với mỗi con người, cái cốt cách nó quan trọng lắm.

Trong thời đại rối ren hiện nay, chúng ta chứng kiến giá xăng tăng nhiều lần quá nên đâm ra nghi kị lẫn nhau, nhìn đâu cũng ra phường lừa đảo, nhưng thật ra cái cốt cách con người vẫn còn đó chứ không mất. Một cô lòe loẹt phấn son, quần là áo lượt, đầu óc thiển cận, nói những lời ngớ ngẩn, suốt ngày đứng một chỗ nhe hàm răng bàn cuốc ra chụp hình, chưa bao giờ bước đến nửa bước khỏi cái chuồng của mình, chúng ta gọi là ngựa. Một anh sâu dân mọt nước, thấy người yếu thì vung dùi cui đánh, gặp người mạnh thì vẫy đuôi liếm giày, chúng ta gọi là chó.

Read more

Muôn năm

Disclaimer – Phủi trách nhiệm:

Bài này viết bên thềm Đại hội 6, nhưng thật ra chẳng liên quan gì đến đại hội cả. Thật ra thì chẳng có cái gì của chúng ta mà lại có liên quan đến đại hội cả. Vả chăng, tôi cũng không có cửa nẻo đâu mà bàn chuyện đại hội. Cách đây dăm tháng, đúng lúc đi ngang qua lãnh sự quán Mỹ ở góc Mạc Đĩnh Chi – Lê Duẩn thì điện thoại tôi reo xém rách cả quần. Tôi vừa tấp xe vào vệ đường, rút điện thoại ra định nghe thì chú bảo vệ đang ngồi trong lô cốt đã xông đến, tay vung dùi cui, miệng hô “Mày cút đi chỗ khác không tao đánh chết mẹ mày bây giờ,” tôi nói xạo tôi chết trắng mắt. Thế cho nên, cửa nẻo đâu mà tôi dám ngồi dưới thềm bàn chuyện đại hội.

Disclaimer 2 – Lại phủi trách nhiệm:

Bài này được viết sẵn trong đầu sau những lần tôi đi ngoài đường và ngó ngang ngó dọc, nay ngồi xuống chép ra vậy thôi. Chỉ có ý nghĩa về từ vựng học hoặc từ nguyên học, nói một cách trơ trẽn thì như kiểu Chuyện Đông Chuyện Tây của ông An Chi trên báo Kiến Thức Ngày Nay. Không hề liên quan gì đến chính trị. Nếu các bạn đọc và tự suy diễn chính trị thì thứ nhất các bạn sẽ đau đầu, thứ hai các bạn sẽ đau lòng, cả hai cái đau ấy là do các bạn tự vơ vào mình, không liên quan gì đến tôi.

Phủi xong rồi, giờ thì thế này.

Thế này, tôi đi trên đường hay thấy cái từ “muôn năm.” “Muôn,” cũng như vạn, nghĩa là mười nghìn. “Muôn năm” nghĩa đen là mười nghìn năm, nhưng về nghĩa bóng thì là vĩnh cửu, tương tợ như vạn tuế. Là công dân của một đất nước có nền điện ảnh phát triển một cách rất đáng tự hào, chắc chắn các bạn và tôi, chúng ta cũng đều đã không ít thì nhiều từng xem phim Tầu trên ti vi. Trong những phim Tầu ấy, khi vua xuất hiện, bụng to như bụng heo xồ về phía trước, thì bọn bá quan văn võ nhất loạt kêu rằng “Thánh thuợng vạn tuế!” tức là chúc cho thằng heo sống đời sống kiếp, mãi mãi ăn trên ngồi trốc để mà đày đọa cuộc đời chúng nó, thế xong thằng heo rất mực nhân từ sẽ đáp nhời rằng “Trẫm miễn lễ, các khanh cứ quỳ đi,” rồi bọn bá quan văn võ sẽ lại đồng thanh rằng “Tạ ơn thánh thượng!” Ấy là một mô-típ kinh điển của phim Tầu, gần như phim nào cũng có. Mà các bạn biết đấy, phim Tầu thì trung thực lắm, một trăm bốn mươi phần trăm là sự thực, ngay cả các cảnh cưỡi mây lái gió, biến hóa thần thông cũng tuyền là thực cả. Cứ ấy mà suy, thì tôi dám khẳng định trong lịch sử Tầu, và rất có thể là cả sử Việt nữa, quả là người ta hay hô như sau:

“Thái giám muôn năm
Hoàng hậu giá lâm
Cách cách đái dầm
Thánh thượng vạn tuế!”

Nhưng mà, nếu chúng ta bỏ qua những vần điệu rất du dương thì ở đây có một lỗ hổng nghiêm trọng, mà tôi xin kể ra nơi đây chuyện một người thiếu nữ đệp. Nếu có chút kiến thức sơ đẳng về địa lí học – sơ đẳng thôi, không cần phải sâu rộng như các nhà nghiên cứu đập thủy điện sông Tranh đi điều nghiên bằng iPad – các bạn hẳn biết rằng, trong địa lí học tồn tại một khái niệm gọi là tuổi thọ trung bình. Tuổi thọ trung bình của con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như sự phát triển y học của một nước. Nhật Bản chẳng hạn, nhờ nền y học hùng mạnh mà có tuổi thọ trung bình vào năm 2008 là 81, tức là trung bình thì mỗi người Nhật sống được 81 năm rồi mới chịu lăn ra chết. Con số này ở Việt Nam là 74, và ở Tầu là 73. Bảy mươi ba, bảy mươi bốn tuổi trên cõi đời kể cũng không phải là ngắn – nhất là khi bạn phải ngày ngày đối phó với giá xăng, giá điện và giá rau quả đến mức cứ muốn chết ngay cho nhẹ nợ – nhưng so với muôn năm, cho dù ở cái nghĩa đen thô thiển của nó, thì vẫn là một trò hề. Thật vậy, dùng Google tính toán ta có:

74/10.000 = 0,0074

tức là ta chưa sống được một phần trăm của muôn năm. Ngay cả cái bà Trung Quốc già nhất thế giới mới được khai quật gần đây cũng chỉ mới một trăm hai mươi bảy tuổi thôi, tức là chỉ hơn một phần trăm của muôn năm một chút thôi. Mà đó là trong điều kiện y học thế giới đã phát triển đến tầm đỉnh cao đấy! Các bạn nhớ cho, thời xưa người ta cắt rốn bằng mảnh sành, chữa đau ruột thừa bằng cám hấp, trị bệnh chó dại bằng bùa xì la ba úm, con dân chết tức chết tưởi cả mớ, thành ra tuổi thọ trung bình thấp hơn nhiều. Điển hình như Tần Thủy Hoàng, tiêu diệt tất cả các thể loại chư hầu để lập ra Tần quốc, xây tường đốt nho, chiến công hiển hách, mà chỉ sống được có bốn mươi chín tuổi. Hạng Vũ có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, từ nhỏ nấp sau cục đất nhìn vua Tần đi qua đã ngứa mồm bảo rằng “Có thể cướp và thay thế hắn,” về sau quả thật lật đổ nhà Tần, danh trấn một cõi, thế mà cũng chết giữa trận tiền ở tuổi ba mươi. Kẻ thù không đội trời chung với ông ba mươi này là Lưu Bang, sau trở thành Hán Cao Tổ, thì có sống dai hơn một chút, nhưng cũng không lết nổi qua năm thứ sáu mươi bốn. Tóm lại là ai nấy đều chết sớm, mặc cho cả đời cứ điên cuồng đi tìm linh đan trường sinh bất lão, mặc cho quần thần rã mồm hô “muôn năm muôn năm.”

Read more

Nhân trường hợp giải Nobel

Ờ, ông nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc được giải Nobel văn học. Cái news feed trên Facebook của tôi mọi bữa vắng vẻ đìu hiu bỗng hôm nay tấp nập hơn thường lệ. Các bạn tôi bàn về văn chương nhiều hơn thường lệ. Họ nói rằng họ đã đoán ra từ trước. Họ nói rằng Murakami xứng đáng hơn. Họ lại nói rằng đây là một trò chính trị bẩn thỉu, có liên quan đến quần đảo Điếu Ngư, nhà máy Foxconn và con tàu sân bay đang chạy thử. Khi tôi ngạc nhiên mà hỏi rằng tại sao các bạn lại quan tâm đến giải Nobel đến vậy, thì họ cũng tỏ ra ngạc nhiên không kém mà hỏi ngược lại rằng tại sao tôi lại quan tâm đến những người quan tâm đến giải Nobel như vậy, và liệu có điềm đạo đức giả gì ở đây chăng?

Tôi sẽ trả lời: Vì đó là bạn bè tôi. Tôi vươn tay ra là chạm được vào họ. Họ ảnh hưởng được đến tôi, và tôi (hi vọng) cũng ảnh hưởng được họ. Không phải như một cái giải thưởng trao cho những người tôi không biết đấy là đâu, chẳng có ích lợi gì khả dĩ cho tôi và các bạn của tôi. Ngắn gọn thì là như vậy.

Nhưng tôi cũng muốn nhân cái cớ này để nói thêm về những cái cao cả vê lều là giải Nobel và văn chương, những thứ mà bình thường tôi rất ngại động đến vì mặc cảm mình lùn thước sáu, những thứ có khả năng sẽ phủ định hoàn toàn điều tôi vừa nói ở trên.

Thế này, con nít đều biết rằng giải Nobel là giải thưởng danh giá nhất thế giới. Con nít cũng biết rằng những người được giải Nobel là những người kiệt xuất. Và tôi mạo muội suy đoán luôn, chắc con nít cũng biết thêm rằng những người trong hội đồng giám khảo của giải này đều những người thông kim bác cổ, tuệ nhãn phi thường, nói không ngoa thì giỏi triệu người bốc một. Cho nên khi các bạn tôi tâng Murakami lên trời xanh và ra sức dìm cái ông Mạc Ngôn kia xuống giếng, tôi thật cảm thấy nực cười thay. Các bạn có tư cách ư? Các bạn giỏi đến đâu? Những công trình nghiên cứu văn học của các bạn hùng vĩ như thế nào? Ngoài nĩ-hảo và a-ri-ga-tô các bạn còn đọc thông viết thạo bao nhiêu ngôn ngữ, đủ để hiểu được tường tận văn chương ngoại quốc thay vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào những bản dịch thiếu trách nhiệm, lắm chỗ còn ngô nghê ngớ ngẩn theo kiểu “Trong chiến tranh anh ấy đến Việt Nam như là một người lính, và điều ấy quá khó khăn cho anh ấy để vượt qua?” Hay là các bạn chỉ đang chằm chằm bênh ông Murakami gì đó vì văn của ổng ám ảnh quá, các bạn đồng cảm quá, các bạn cũng thuộc vào một loại thế hệ đi lạcthế hệ đánh mất giống như những nhân vật trong Rừng Na Uy, giống như các bạn vẫn thích tự gán cho mình cái mác nổi loạn như Holden Caufield, mạnh mẽ cương nghị như Howard Roark, cũng giống như hồi nhỏ các bạn trong sáng dễ thương như Hoàng Tử Bé? Read more