(Bởi vì mãi em chẳng chịu tin là anh làm thơ rất rất hay, nên hôm nay anh post đây để công chứng cái tài năng chói lói của anh).

Con người ta – tức là những kẻ rảnh rỗi không phận sự, không ăn chặn thuế, không dạy luật xây dựng, không đi thăm Miến Điện, không chấm thi Vietnam Idiots, cũng không lái xe tông vô tàu lửa – rất thường làm thơ. Từ xưa đến nay thiên hạ thơ thẩn rất là nhiều, đếm sao cho xuể. Tây có Púxờkin kia vừa làm thơ vừa đấu súng, có Hêmingquây kia vừa ngâm thơ vừa húi tóc, lại có cả Đanté kia vừa rống Thần khúc lại vừa đan vừa té, tài năng khiếp người. Tàu kia cũng có Tagô vừa làm vườn vừa lãnh Nôben, có Vương Bột kia vừa ca Đằng Vương Các vừa hộc máu, có Lý Bạch mặc áo xanh vừa ngâm thơ vừa vồ trăng như chó vồ xương, lại có Thôi Hiệu lưng giắt cây sáo, cỡi con Xích Thố của Lã Bố phi qua sông Dịch, ca bài “Hoàng hạc nhất khứ hề bất phục hoàn”, đi ám sát Tư Mã Thiên bất thành, anh hùng biết mấy. Cũng thế, Việt Nam ta đâu hề kém cạnh, có Đặng Dung bị trói giật cánh khuỷu vẫn hát lời mài gươm, Nguyễn Khuyến say bét nhè khóc bác Dương “Mới nghe tôi đã múa tay lên trời”, lại có thần đồng Trần Đăng Khoa cho con bướm vàng nhảy ra nhảy vào y chang con cóc, trong khi Nguyễn Bính lại cho con bướm vàng đậu thám hoa vân vân…

Không, thế nhưng (rất đáng tiếc, tuy rất đáng) cái truyền thống viết thơ lãng mạn nhìn xa xăm buồn xa xăm kia không còn nữa. Thời buổi cơm áo gạo tiền, để đất nước giàu mạnh hơn Nguyễn Minh Triết đã cùng Nguyễn Cao Kỳ bắt tay, không còn mưa rơi trên lá và bình minh chim hót nữa. Mùa xuân đình tiền không còn nhất chi mai, mùa hè không còn giỏ xe chở đầy hoa phượng, mùa thu không còn con nai vàng câu cá, mà mùa đông Nôen cũng không còn Chúa hài đồng Phề lít Na ví đà nữa. Ngày nay Nô en người ta viết những vần thơ rất thực tế như sau:

Buổi sáng lễ Noel của anh bắt đầu với con mụ bán cà phê mập như heo mà anh đang thiếu nợ
Anh kí sổ thêm một li đen trái với lệ thường
Ngồi bệt vỉa hè nhìn bà con xuôi ngược trên đường
Rồi nhếch cặp môi khô nở nụ cười đéo damn cố hữu

Buổi tối Noel anh tiếp tục làm không công cho lão An nhà bán phở
Phụ thằng Thái Minh Nguyên kiếm chỗ ngủ qua đêm
Anh quay cuồng giữa khăn lạnh, mía dâu, hủ tiếu bò viên
Dắt cho khách mấy chiếc Attila và ước gì tối nay trời nắng…

Chao ôi, nghệ thuật phải là ánh trăng lừa đảo, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng chửi thề kia, thoát ra từ những kiếp lầm than:

Anh lấy gì để đảm bảo với em
rằng anh sẽ chẳng bao giờ chết đói?
Khi cái xã hội này đầy rẫy những thối tha
Mà anh lại không quen bám đít các bố già
Cũng chẳng ưa vuốt đáy quần anh trẻ
Anh hơi bị khác em – chà, trời sinh ra thế
Anh * vào cái ngày ta tìm thấy lại nhau
Một thằng nhìn đời qua lăng kính hình cục cứt và một thiên tiên mộng ước đầy đầu
Lẽ ra ta nên chém nhau ấy mới là đúng đạo.

Tất nhiên đây là những câu thơ nặng mùi giàu nghèo và phân biệt chủng tộc 3K. Nếu lùi hơn một chút, thơ còn ngây hơn nhiều. Không chửi nặng tay. Rặt một giọng ngợi ca hay là tự sự:

Xin tự giới thiệu, mỗ là Mô Văn T
Vừa đi học nâng cao trở v`
Bằng đỏ bổ túc trung cấp dân lập thể dục
Bằng xanh cấp bổ sung môn d
Mỗ được phân công dạy lớp mười hai hăm hai
Sĩ số băm gái hăm trai
Tất nhiên là mỗ cực khoái
Cho nên mỗ phải ra oai
Dưới quyền của mỗ chúng hắn đừng mong điểm kkkao
Nhất là những kẻ dám dài hơn mỗ
Chúng hắn làm mỗ cứ ngước lên mỏi gần gãy cổ
Mỗ tất phải đè cho biết tay
Đặc biệt có thằng Huỳnh Đức Trâu Cày
Cái thằng cả gan xúc phạm tới mỗ
Mỗ cho hắn đội sổ
Coi thử hắn ngóc cách chi?
Thân mỗ thì vuông
Mỗ lăn nhanh hơn đi
Tướng mỗ thì tốt
Lý Đức cũng đếch hơn gì!
Mỗ kịch liệt bài trừ bóng gỗ
Vì hắn không có ăn ý với chiều kkkao của mỗ
Mỗ chỉ thích đá banh
Làm thủ môn mỗ chắn hết khung thành
Đường đi trước mặt mỗ còn dài
Dài như khoảng cách từ đầu mỗ đến trời
Mỗ còn phải nỗ lực hết sức
Học trò mỗ phải khởi động cật lực
Một hai một hai
Một hai một hai… bái bai!

Đôi khi thơ ngày nay cũng còn chút hơi tàn hồn nhiên ngày xưa khi Trần Đăng Khoa còn buổi sáng thả diều trên đê Yên Phụ, buổi chiều nấu cơm chờ mẹ về mắng “Con chưa ngoan, damn you”, buổi tối bảo bà “Tao đã đi ngủ đâu mà bà mày đã ngủ”. Đó là những câu thơ tứ tuyệt bất hủ:

Mưa rơi tí tách
Rơi trên cặp sách
Thầy đi ì ạch
Bỗng té cái ‘bạch’.

Là những khúc ngũ ngôn bất tử:

Nhắm chừng gần hết tiết
Thầy vọt lên Viva
Chuông vừa reo tan học
Thầy vù ngay về nhà.

Nhà thầy thực là tuyệt
Có cây có cả hoa
Thầy ngồi kèm con học
Hai cộng hai bằng ba.

Con thầy nay lên bốn
Đã học tới lớp năm
Vì thầy dạy môn toán
Nên con thầy được nâng.

Và những dòng tự do phổ nhạc bất lực:

Sống… trên đời này
Người giàu sang cũng như người giàu có…

Vầng… Phải thừa nhận rằng thơ nghệ thuật vị mưu sinh đã quá nhiều. Đời nay rặt những giọng thơ khó hiểu viết nhanh như chớp nháy, dùng để in thành tập 500 bản, đem bán giá mười mấy ngàn đồng một cuốn. Đó là những bài thơ khiến con người ta vừa uống cà phê vừa cười ói:

Hãy uống cạn ly cà phê sáng nay
của anh đi! Trong ly cà phê của
tôi có giọt nước mắt. Trong ly của
anh có giọt máu hồng và cho tôi

nói nhỏ điều này. Hãy cho tôi đi
bằng đôi chân của anh vì chân tôi
không còn nữa. Cho tôi sờ cuộc đời
bằng đôi tay của anh vì tay tôi

không còn nữa. Cho tôi nhìn cuộc đời
bằng đôi mắt của anh vì mắt tôi
không còn nữa. Cho tôi nói tiếng người
bằng thanh quản anh vì cổ họng tôi

không còn nữa… Hãy uống nốt những giọt
cà phê còn lại của anh, những giọt
cà phê vui sướng, những giọt cà phê
muộn phiền, những giọt cà phê trung tính,

tôi nói nhỏ điều này: Hãy cho tôi…

Hoặc có sức mạnh nhuận trường như sóng thần:

1.Vừa
xem TV thấy trận động đất và
sóng thần tàn phá ghê gớm. Tôi tắt
TV cho lòng bớt xao động, ngồi yên
một lúc, buồn buồn tôi lại vặn radio
theo quán tính vì không biết làm gì,
rà bắt được tần số của một đài
phát thanh Việt ngữ. Thế là tôi lại

nghe một dài phát thanh Việt Nam. Thường
thì tôi rất ít thời giờ rảnh để
nghe đài phát thanh đêm. Thường thì tôi phải làm việc. Thường thì tôi viết hay
đọc sách hoặc xem TV, thế mà đêm
nay tôi đã nghe một đài phát thanh

2. Việt Nam. Tôi không nghe tin tức, tôi
cũng không nghe âm nhạc, tôi cũng chẳng
chú ý một chương trình nào cho ra hồn.
Thế mà tôi lại chú ý đến một
chương trình quyên góp cho American Red Cross
của đài Việt TX radio. Tôi đã lắng
tai nghe xướng ngôn viên một cách kính
cẩn trang nghiêm như thời nhỏ lần hạt
đọc kinh trong tu viện. Tôi đã nghe

3. rõ từng tên. Tôi đã nghe thật chăm chú
từng số tiền của mỗi người đóng góp.
Có ông thương gia, ông bà Bác sĩ,
(dĩ nhiên ông thương gia hay ông bà
BS thì họ đóng góp khá nhiều tiền)
có người sửa xe, có anh hay chị
công nhân, người làm chợ. Có những em
nhỏ gọi lên đóng góp số tiền để
dành. Có cụ bà đã trên 80
đóng góp 50 dollars, bà cụ nghẹn
ngào nói: “Xin đừng gửi cái check của tôi đi
ngay cho American Red Cross vì trong
chương mục ngân hàng của tôi đã hết
nhẵn tiền, xin hãy chờ vài bữa nữa
để tiền già của tôi cập bến vào chương
mục rồi hãy gửi đi.” Thật là một
tấm lòng vàng. Bà cụ nghẹn ngào trong

4. tiếng nấc run run. Ôi! con người, còn
có những con người cao quí thay! Cuộc
đời này vẫn còn rất đẹp và rất
đáng sống. Tsunami dù là có thêm
Tsunami nào nữa. Dù là có những
cơn thiên tai khủng khiếp nào nữa. Sóng
thần hay chiến tranh cũng chỉ tiêu diệt
được thứ vật chất phù du vô nghĩa,
mà nó không thể tiêu diệt được tâm
hồn cao quí đẹp đẽ của con người.

Riêng gã thi sĩ bệnh hoạn hèn mọn
này cũng gọi vào Việt Texas Radio
đóng góp 20 dollars cho American Red Cross, thật
là một số tiền hết sức nhỏ nhoi
đáng xấu hổ, nó chưa mua nổi một
chai Whisky hạng xoàng để thỉnh thoảng
nốc vào rồi làm thơ cho nó âm ấm
cuộc đời trần ai khoai củ này. Thôi
thì của ít lòng nhiều vậy.

Cũng đừng quên liệt ra đây những vần thơ khiến Chúa cũng phải nhỏ lệ mà rằng “Ta bảo thật, cho ta cùng cầu nguyện với”:

Những hình ảnh và những con số
về trận sóng thần, động biển vừa
xảy ra ở Nam Á vừa qua,
hình ảnh nào, con số nào cũng

thật là khủng khiếp, khủng khiếp đến
mức người ta phải nghĩ rằng phải
chăng đấy chính là điềm Chúa đến,
và, ôi, khéo mà đúng thế thật,

kinh thánh chẳng đã viết về những
ngày ấy: động đất, chiến tranh, đói
kém, bệnh dịch sẽ xảy ra ở
khắp nơi thì chiến tranh đói kém

bệnh dịch đã xảy ra ở khắp
nơi rồi, ai cũng biết điều đó,
chỉ còn động đất nữa thì bây
giờ cũng đã có động đất và

cả trái đất đều được chứng kiến…
vậy thì ngày Chúa đến chắc chẳng
còn xa nữa, ôi! Con người, chúng
mình, loài người mình trần mắt thịt,

chúng mình không thể biết dù chỉ
một phần rất nhỏ ý chỉ công
việc của Chúa, chúng mình chỉ biết
cầu nguyện, chúng mình xin Chúa cho

chúng mình làm được những gì mà
chúng mình có thể, chẳng hạn, chúng
mình không tàn phá thiên nhiên, không
chặn biển ngăn sông lấp hồ lấp

đầm, chúng mình không chặt phá rừng
bừa bãi, không xả khí độc vào
bầu khí quyển, chúng mình không tiếp
tục gây chiến tranh, chúng mình bớt

chút của người giầu cho người nghèo,
chúng mình sống tốt với chúng mình
hơn tí nữa, chúa sẽ đến và
sẽ đến đột ngột như kẻ trộm,

ngoài điều đó chúng mình chẳng còn
biết gì hơn, chúng mình chỉ còn
có biết mỗi việc là cầu nguyện.

Hiển nhiên, đàn bà và con nít:

nơi phố biển Phuket, Thái Lan và
bây giờ sau khi sóng thần tràn vào
bây giờ thì tôi biết rằng em bán
rong ngồi góc phố và chị bán dâm

Thơ tân hình thức như thế không kể
nào cho xuể. Để kết thúc, trở
lại với thơ cựu:

…Anh tự phụ tài năng và IQ trăm rưỡi
Đứng giữa bồn binh Hàng Xanh mà vỗ ngực xưng tên
Mỗ là Phan An
mình dây, mắt thô lố, tóc đen
Quần ka ki, áo sơ mi, không đồng hồ, chẳng kính
Thế giới đợi ngày lết lên tới đỉnh
Dòm xuống biển ruồi với con mắt nửa phần hai
Việc làm hôm nay cứ để ngày mai
Việc làm ngày mai chảy dài đến Tết
Câu nói cửa mồm là chẳng không đéo đếch
Vì anh là Phan An
Nhưng hôm nay
Hôm nay thì anh nhớ em
Thế đấy
(Shit).

Cười đùa đàn địch xôn xao

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.