Vậy là năm cuối cấp 1 trôi qua trong thanh thản. Năm đó, nói như dân Ăng lê, mười một tuổi già.

 

Chui ra thành phố. Đà Nẵng đối với một thằng cu khu vực một miền núi chưa có điện là cả một thế giới sáng chói lóa. Ấn tượng Đà Nẵng: đèn khắp nơi, tám tấc, một thước, thước hai, thước rưỡi, đèn tròn vàng, đèn quả ớt, đèn nê ông, đèn hột vịt lộn, đèn đuôi máy bay Việt Nam Airlines thời còn logo con cò. Đường sá trải nhựa, sạch sẽ, không có cứt trâu, ít cứt chó. Quán cà phê nơi nơi. Quán bi da khắp khắp. Người Đà Nẵng không nói tiếng Quỏang Nôm, nghe nó dịu dàng. Kem Đà Nẵng ngon, không phải là thứ kem đá trộn bằng chân ghẻ và đông lạnh cạnh chuồng heo. Trường Đà Nẵng to, trước sân đặt tượng anh hùng thay vì để mấy con bò vô gặm cỏ.

Quyết định thi vào lớp chọn của một cái trường không có bò gặm cỏ như thế. Năm lớp 6, chễm chệ và may mắn lọt vào lớp 6/1, trường Lí Thường Kiệt. Lí do: nhà gần, đi bộ 2 phút tới nơi. Bắt đầu chiến dịch càn quét và để lại hình ảnh một Icarus, vỗ cánh sáp ong bay phành phạch về hướng mặt giời đặng rớt tõm xuống Biển Đen.

 

Lớp 6. Lớp nửa ghét nửa thích, tất cả xếp sau. Nhờ những cú phát ngôn sặc mùi hôi hám, được thầy Dũng dạy toán đặc sủng dặn dò quanh năm suốt tháng: con nên nhìn cuộc đời với cặp kính màu hồng (Ơ hờ, cũng được, nhưng kính màu hồng đắt tiền lắm, không tin ra Saigon Optic Phạm Ngọc Thạch hỏi giá thì biết).

Lớp 7. Không đeo kính hồng nhưng vẫn có chân trong đội tuyển bồi dưỡng Toán lẫn Văn. Rất tiếc quy định thành phố không cho phép một học sinh được giỏi cả hai môn, cho nên xảy ra một cuộc nội chiến giữa thầy Dũng và bà cô dạy Tiếng Việt. Kết quả cũng na ná như Jean d’ Arc trong cuộc chiến Anh Pháp: đàn bà phải thắng, thế là thằng cu lên giàn hỏa làm một bước ngoặc văn chương. Bắt đầu tư tưởng chống đối cấp trên. Thi năm đó hình như đứng giải an ủi.

Lớp 8. Cô Châu dạy Hóa nhảy vào và bò lê ra khỏi vòng chiến Waterloo. Tiếp tục đi học bồi dưỡng Văn đặng mang lại vinh quang cho người nhớn. Những buổi học Văn trải qua giống như ở Hỏa Lò. Thái độ chống đối thể hiện ra cả hành động lẫn lời nói.

 

Đề văn về nhà:

– Các bạn của em đang tranh luận về mùa xuân và mùa hè. Hãy cho biết ý kiến của em. Hãy bảo vệ ý kiến của em. (Cái khỉ mốc gì cũng của em cả).

Bài làm đọc trước lớp:

“Sáng hôm nay trời đẹp. Em đang bước vào lớp, miệng huýt sáo bài Đội ca, bỗng nghe tiếng bạn Đông nhỏ nhẹ “Mày là con chó”, rồi giọng bạn Thu thì thầm “Mày là con heo”, sau đó là tiếng đấm đá huỵch thụi tùm lum um sùm. Em chạy vào thì thấy con heo đang bặm miệng cắn tai con chó, còn con chó đang ra sức vả mõm con heo. Thấy tình hình quá căng thẳng, biết mình sức yếu không can thiệp được, em liền đi rót một li nước lọc, ngồi bắt chân chữ ngũ ngắm nhìn cuộc đấu đầy tinh thần thượng võ, thầm cổ vũ cả hai đội. Một hồi lâu chừng tàn cây nhang, con heo nằm ngửa, con chó nằm nghiêng, em mới lẹ làng bước đến ân cần hỏi han cho ra nhẽ, thì thành ra là hai bạn đang tranh luận nhau xem mùa nào là mùa đẹp nhất trong năm. Bạn Thu có bố tên là Hạ nên ra sức ca ngợi mùa hè. Bạn Đông lại có mẹ tên là Xuân nên dốc toàn tâm toàn lực bảo vệ mùa xuân…”

Lời cô phê: Thái độ không nghiêm túc, coi thường lối viết văn. Tôi không cho em An học giờ văn của Tôi (“Tôi” viết hoa, gạch đít).

Không cho thế quái nào được? Trong một cái trường toàn mù thế kia, không cho thì lấy ai đi thi? Thế nên mấy hôm sau lại ngậm ngùi đành cho vậy. Không viết hoa, không gạch đít nữa.

 

Một khi đã có một bên nhượng bộ thì bên kia hiển nhiên sẽ lấn tới. Bộ binh Napoléon lùi lại thì pháo binh Wellington tiến lên.

Đề văn về nhà:

– Em hãy bình luận câu tục ngữ “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”.

Bài làm đọc trước lớp:

“…Vì sao ăn cỗ lại phải đi trước? Phải nói ra cho tỏ tường kẻo những thằng kém hiểu biết nó không chịu biết hiểu cho. Vì rằng ngày xưa nước ta còn nghèo chưa nhập khẩu được xe Cub bên Tàu về, xe đạp thì lại là xa xỉ phẩm, cho nên các cụ cứ phải lết bộ suốt tháng quanh năm. Đường sá lại kém quy hoạch, hành trình đã dài lại càng dài thêm. Mà ăn thì như hạm. Mỗi khi có giỗ, chủ nhà nâng đôi đũa lên hô “MỜI”, mới đặt cây đũa xuống chưa kịp gắp miếng lòng heo, nhìn lại đã sạch nhoáng cả mâm rồi. Cho nên gì thì gì, cứ đi trước hưởng lợi. Mời 12 giờ trưa thì phải đi từ gà gáy sáng. Mời 10 giờ thì lồm cồm bò dậy lúc nửa đêm. Còn nếu mời 8 giờ thì phải gói ghém cơm xôi đi từ tối hôm qua mới mong được bữa.

Lội nước thì ngược lại. Đường sá ngày xưa đâu có giống bây giờ. Ngày xưa, trời nắng thì bụi mù như sương Đà Lạt, trời mưa thì bì bõm tựa đầm lầy U Minh. Mỗi khi mưa xuống nước ngập đen thui, phân trâu phân ngựa lềnh bềnh, lại có cả hố hầm, mẻ chai, miểng chén. Bác nào bất cẩn trước hết ăn một cắt giữa gan bàn chân tóe máu, sau đó lại giẫm bôi cứt bò vào, ngâm nước bùn mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng đi chữa chỗ lang băm, cưa chân có chắc. Cho nên khi lội nước chớ dại làm Marco Polo hay Columbus mà mang họa. Tốt nhất cứ lò dò đi theo hai ngài, thấy Marco Polo sụt hố chỗ A thì nhảy tõm qua chỗ B, thấy Columbus tắm bùn đường C thì chuyển hướng qua đường D, ấy mới chắc ăn, ấy mới cách cư xử của kẻ thức thời…”

Lời cô phê: Có tài mà không có đức là người vô dụng.

 

Lại phải đi thi Văn thành phố. Đề ra: Phân tích bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư. Bài này viết về mẹ. Chà. Múa bút. Chế ra cơ man nào là danh ngôn. Mẹ là chuối sau cau trước, là xôi gà, là mía Cuba. Mẹ là người đặt tỏi vào hộp cơm con mang theo đi học. Mẹ = mc
2. Mẹ = µŊ+[∂*∑⅓]<℮ℓ℅[±]‗♀♂[♣♥♦♠]. Mẹ là α và Ω, là đầu và là cuối… Chế luôn cả tên các nhà tư tưởng lớn: Socraté, Arsitoté, Horacé, Rachel Bolan, Timo Tolkki, Koltipelto, Andy Deris… Giám khảo hoa cả mắt, chẳng biết đúng sai, chấm cho đứng nhất. Ngày biết kết quả thi, cười xém vỡ bụng.

(Còn tiếp)

Cười đùa đàn địch xôn xao

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.