Về việc cái bình ấy mà, cái bình, nhớ chưa?

Những ngày này tôi chăm chút cho cái ban công. Phòng tôi ở có cái ban công hướng Tây, không có mái, mỗi khi mùa hè có mưa đá hoặc mùa xuân tuyết tan thì lênh láng nước. Tôi vốn không phải người khéo tay hay làm gì—tôi lười như hủi, những lúc cơn tự phụ nổi lên còn hay tự huyễn hoặc mình rằng con người ta sinh ra ở đời là để làm những điều vĩ đại chứ đâu phải để bứt cỏ trồng cây—nên từ lúc chuyển đến đây, cái ban công nó thế nào thì tôi cứ để nguyên như thế ấy. Lâu dần rêu phủ đầy nền xi-măng, rãnh thoát nước bị bít kín, rồi xuất hiện những vệt ngoằn ngoèo đen kịt trên tường, tôi vẫn kệ. Bạn bè đồng nghiệp, nhất là những đứa yêu cỏ cây đêm đêm nằm mơ hoa hoét, nghe nói tôi sở hữu cái ban công bỏ hoang bỏ phế như một nỗi niềm Trần Quang Lộc, thảy đều đố kị pha lẫn tức tối mà chửi tôi rằng đồ lãng phí, rằng có mà không biết quý, rằng ngu như heo.

Nhưng những ngày này tôi chăm chút cho cái ban công. Một hôm đang ngồi trong phòng nhìn ra, tự nhiên tôi thấy ban công dơ hầy. Thế là tôi vác cái xô, cầm bàn chải, giắt lưng chai nước tẩy bồn cầu, bỏ ra nguyên một buổi sáng hì hục cọ rửa cho đến khi cả sàn lẫn tường đều bóng loáng. Xong được đà hứng khởi, tôi mua thêm cây dù bãi biển rộng hai mét rưỡi cao hai mét mốt về che. Bà chủ nhà ở căn đối diện dòm sang, thấy thằng ôn vật thuê nhà đã ba năm lầy lội nay bỗng dưng thức tỉnh, bèn mừng rỡ tiếp tế ngay một tấm thảm lót ban công, kiểu thảm nhựa màu xanh giả cỏ mà ở ta hình như hay dùng lót sân banh, rồi trong cơn hào phóng lại cung cấp thêm bộ một bàn hai ghế sắt để tôi ngồi uống cà phê sáng sớm. Thế là từ bữa ấy, như một chàng Mỹ Thuật, cứ rảnh ra lúc nào tôi lại vẽ trò trang trí ban công.

Tôi mua một cây chanh, giống chanh Thái, cao chừng hai gang tay, bỏ trong cái chậu sành. Tôi mua một chậu sen đá, một chậu lưỡi cọp, mấy cây xương rồng—một cây có hai cái chỏm tròn tròn tua tủa những gai mà tôi đặt là Hòn Gai, một cây nở bông vàng hình tròn đâm lởm chởm mà tôi gọi là Corona Vàng, lại một cây khác nở bông đỏ hình tròn đâm lởm chởm mà tôi gọi là Corona Đỏ. Tôi lại mua thêm một cây gì bèn bẹt, có cơ man là cánh, giữa lại ken lùng nhùng những tơ như tơ nhện. Tôi rải hạt giống hoa mùa hè như một người Cao Biền rải đậu trên trái đất mùa. Tủ lạnh nhà tôi có mấy cọng hành tép tỏi còn sót lại từ lần đi siêu thị tháng trước, tôi vùi luôn xuống đất, như người ta vẫn chỉ trong chương trình Bạn của nhà nông rằng “bạn đi siêu thị lỡ mua quá nhiều tỏi nhiều hành để đến thối rùm cả tủ lạnh ư, vậy hãy vùi chôn đi còn chờ gì nữa.” Rồi tôi bắt tàu ra Viktualienmarkt mua bình tưới. Bởi vì tôi nay đã trở thành khách ruột, bà bán bình tưới đích thân đứng ra tư vấn miễn phí cho tôi, bà bảo hay là lấy cái màu xanh cho dịu mắt nhé, nhưng tôi nhất quyết bảo không, tôi bảo thảm đã xanh rồi mà lại mua bình xanh nữa thì chả hóa ngu à, tiệp màu nhỡ lạc mất cái bình đái dầm thì sao, đưa bình vàng đây. Bà bán bình tưới gật gù có vẻ đồng tình, bà bán cho tôi cái bình nhựa màu vàng giá bốn đồng rưỡi, tôi lại bắt tàu mang cái bình đái dầm về nhà tưới cây chanh Thái, tưới cây sen đá, tưới cây lưỡi cọp, tưới cây xương rồng, tưới cây tơ nhện, tưới hành tưới tỏi, tưới tới tưới lui tưới cật lực. Xong vì lâu ngày không vận động, tôi mệt quá quăng cái bình sang một bên, ngồi bệt xuống tấm thảm xanh lá cây mà thở phì phò.

Read more

Táo trên cành chín đỏ

Tôi đọc lại Thành trì của Cronin. 

Lần đầu tiên tôi đọc Thành trì là lúc tôi còn ở quê, năm tôi bảy hay tám tuổi. Cuốn sách dịch theo kiểu cũ, phiên âm “Andrew” thành “En-đru,” bìa vẽ hình một người mặc măng-tô trước một dãy nhà màu xám. Andrew mới tốt nghiệp đại học y khoa, đầu đầy những lí tưởng và hoài bão, đến làm bác sĩ tập sự cho một khu mỏ ở Aberalaw, yêu và cưới Christine. Mấy năm sau hai người chuyển đến London, Andrew mở phòng khám riêng, bắt đầu giao du với giới thượng lưu, quên cả hoài bão và lí tưởng, lao vào kiếm tiền một cách điên cuồng. Sau một trong nhiều lần cãi nhau liên miên, Christine lau nước mắt bảo Andrew: “Vâng, em không nói nữa, nhưng rồi có ngày anh sẽ ân hận.” Cuối truyện, Andrew bước đi, “trên bầu trời trước mặt anh lảng bảng một vầng mây mang hình dáng một bức tường thành rạn nứt.”

Lần thứ hai tôi đọc Thành trì là năm tôi lớp mười hai, đi học dưới thành phố. Nói đúng ra thì lần đó tôi không đọc mà chỉ nhìn. Tôi và bạn tôi lang thang khu chợ Cồn, lúc ấy phía trước chợ vẫn còn bày bán sách cũ. Thấy cuốn sách nằm lẫn lộn giữa một đống sách bụi bặm rách nát dạy cắm hoa và chùi sàn gạch, tôi bảo “Đọc đi, cuốn này hay lắm” mà cũng không nhớ cụ thể nó hay ở chỗ nào. Tôi bảo “Cờ-rít cuối cùng lao đầu vào xe buýt tự tử nhé, rất kinh.” Đến tuần sau bạn tôi hỏi “Ủa chạy ra đường mua bánh mì bị xe đụng chứ có tự tử gì đâu?” thì tôi bảo “Thế à, hờ hờ, lâu quá rồi ai nhớ nổi.” 

Bạn tôi sau làm kĩ sư công trình, có dạo về Cần Thơ làm việc, xong hình như qua đến Cam-pu-chia công tác. Đã lâu không gặp, giờ tôi cũng không rõ bạn đang ở đâu. 

Lần đọc Thành trì này, tôi ngồi bên bờ sông Vilnia. Sông Vilnia xanh rì, mảnh như một con suối, vắt ngang qua thành phố Vilnius thủ phủ Lithuania, đổ vào dòng Neris, từ đó hợp lưu với dòng Neman rồi chảy ra Baltic. Bao giờ tôi cũng thích những dòng sông. Tôi ngồi bên bờ sông Vilnia đầy nắng, dưới bóng những cây dương, gần cây cầu sắt quấn chằng chịt ổ khóa, đọc lại câu chuyện của Andrew và Christine, câu chuyện về những thay đổi lớn lao mà người trong cuộc không bao giờ nhận thấy. Rồi, như một lẽ thường, tôi tự hỏi không biết bản thân mình có thay đổi gì không nhận thấy hay không. 

Read more

Không còn ai gửi cho ai

Tôi ở đây không hay có thư. Hòm thư của tôi thường rỗng không, bám đầy bụi, lâu lâu mới có một thư thông báo đóng tiền phí radio, thư xin lỗi vì sau nhà có công trình đang xây dựng ồn ào, hay thư ngân hàng đòi đóng bảo hiểm, đòi đăng kí mã số thuế. Thuế nơi này cao chót vót, có đến đâu chừng ba mươi loại, từ loại cơ bản như thuế thu nhập cá nhân cho đến những loại kì quặc như thuế chó, thuế mại dâm, thuế nhà thờ. Phí radio là một loại phí vô lí, ai ai cũng phải đóng, nhà có nghe radio có xem truyền hình hay không cũng mặc. Đồng nghiệp tôi bảo, ngày trước khi loại phí này chưa được phổ cập, nhân viên sở thuế còn trèo tường dòm vào nhà người ta như khỉ đu cột điện vậy, nếu thấy trong nhà có ti-vi cát-sét gì thì lập tức gửi giấy đòi tiền. Tôi bảo đất nước mày sao giống như có truyền thống trèo tường thế, xong đồng nghiệp tôi cười hề hề, nói một câu gì đó bằng tiếng Đức có cả đông tây nam bắc, và eins, zwei, và polizei.

Khi còn nhỏ tôi không thích viết thư – tôi vốn dị ứng với những gì mà tôi cho là sến súa, tôi chỉ hay đọc cho cha mẹ nghe những lá thư mà anh chị tôi gửi về từ Hà Nội, những lá thư lúc nào cũng kết thúc bằng dòng chữ bất di bất dịch “Cuối thư không có gì hơn con xin kính chúc cha mẹ mạnh khỏe, cầu cho gia đình mình được bình an, đừng lo cho con, con ở đây mọi thứ vẫn thường.” Lên cấp hai tôi bất quá cũng chỉ viết lèo tèo mấy lá thư quốc tế UPU gửi các chú bộ đội chắc tay súng canh giữ ngoài biên cương hải đảo, gửi những bạn Cu-ba bạn Miến Điện bạn Lào, những người tôi hoặc tưởng tượng ra hoặc chẳng hề biết đấy là đâu. Phải đến khi lên đại học tôi mới hay viết thư. Tôi chuyển từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, buổi trưa khi mọi người ngủ thì tôi vào hoạ thất, hí hoáy kể cho bạn nghe chuyện số nhà bên Bình Thạnh, chuyện quả chò nâu rơi dọc đường Điện Biên Phủ, chuyện cây đinh cắm trên hồ Con Rùa, chuyện con đường nước ngập tới gối khi trời mưa, chuyện những cây cầu sắt bắc qua sông, chuyện nhà ga xe lửa có đầu tàu gỉ sét. Bạn tôi cũng viết thư trả lời, kể chuyện đi chơi, chuyện họp lớp, bạn tôi viết “tau thấy cái trò thư từ ni thiệt là cũ kĩ lạc hậu” xong lại viết “mi đừng lo, tụi tau ai cũng nhớ mi, cái mặt mi câng câng.” Mỗi tuần tôi gửi một lá thư, nhận một lá thư. Có tuần tôi gửi hai ba lá thư, rồi nhận hai ba lá thư. Dần dà tôi có cả một chồng thư. Chồng thư ấy tôi vẫn để trên kệ sách. Sau này bạn bè li tán, tôi không viết nữa, cũng không chờ thư nữa. Nói cho đúng ra, tôi không còn nghĩ đến thư từ gì nữa. Cho đến khi tôi đi châu Âu, nơi mà trước cửa mỗi nhà đều có một hòm thư.

Read more

Đã đến đây và đã ra đi

Những ngày cuối năm này, tôi ở Lindau. Lindau là một hòn đảo trên hồ Bodensee, nằm ở phía Nam vùng Bavaria. Khi tôi đến đây thì trời vừa mưa xong, có một chiếc cầu vồng hiện ra trên mặt hồ. Đảo Lindau bé tí, có đâu chừng trăm nóc nhà, một tượng sư tử, một ngọn hải đăng, mấy quán cà phê, một hiệu sách cũ, con đường lát đá, nhánh cây khô, và tiếng lít nhít gọi nhau của bầy vịt nước. Đêm Giáng sinh tôi đứng ở một góc đường đối diện nhà thờ, tay cầm cốc glühwein là thứ vang nóng ở đây người ta vẫn uống vào mùa lạnh, và nghe tiếng đại phong cầm vọng ra từ trong thánh đường, tiếng dương cầm chơi bài Hallelujah và mấy bài nữa mà tôi không biết tên.

Tôi đi trên bờ hồ. Đằng xa xa, dãy Alps chìm trong sương. Bầy vịt nước vẫn gọi nhau lít nhít. Thỉnh thoảng lại có tiếng diệc kêu, làm tôi nhớ đến đồi cọ Con Diệc Xanh và Doña Bárbara, cuốn sách tôi đọc hồi nhỏ, trong có những cách nói ngồ ngộ mà đến giờ thỉnh thoảng tôi vẫn dùng mỗi khi muốn tỏ ra sâu sắc: “Có những người, giữa nghĩ và làm, tóc bạc mọc ra,” “Tôi chỉ mong muốn có một mảnh đất nhỏ nhoi để bao giờ cũng được đứng ở chính giữa nơi thuộc quyền sở hữu của tôi, cho dù tôi đứng ở bất cứ chỗ nào,” “Người có thể nói Pajarote không dám làm việc này hay việc khác chưa sinh ra đời,” và tất nhiên là bài ca mà ông già chột mắt Ambrosio vẫn ca vào các buổi vũ hội trong mùa chia đàn, khi bọn đàn ông ùa về phía các cô gái để mời nhảy:

Em, Chipolita
Anh muốn em phô ra
Cho riêng anh xem núm vú.
Chipolita, em
Anh muốn em cho xem
Trước khi người khác thấy.

Tôi còn nhớ, hồi ấy mỗi khi trốn trong buồng đọc đến đoạn này tôi lại cười hí hí, ở ngoài không ai hiểu vì sao.

Read more

Bây giờ đang tiết xuân

Chị đưa anh cuốn sách với lời đề tặng “Tặng thằng em lang thang.” Anh hỏi “Cái gì mà lang thang?” Chị không trả lời, nhưng cuốn sách tiếp theo chị cũng viết y nguyên lời đề tặng ấy. Chỉ khác là lần này chị gặp anh ở một thành phố khác cách đó chừng mười nghìn cây số, khoảng mười lăm giờ bay. Anh nói “Thôi toàn viết truyện sến, không đọc đâu.” Chị thủng thẳng “Đọc hay không là chuyện của mày.”

Cái thành phố nơi anh ở cũng có nhiều người lang thang. Mỗi buổi sáng khi đi làm, anh vẫn vẫy tay chào ông già râu ria xồm xoàm ngồi trước thềm nhà hát lớn. Ông già có bộ mặt đỏ gay vì hay uống rượu, cứ cào mấy ngón tay đen đúa vào mớ tóc bù xù cáu bẩn, thỉnh thoảng quát to một tiếng để dọa cho mấy con chim bồ câu đang kiếm ăn gần đó giật mình bay mất, rồi lại trở mu bàn tay quệt nước dãi chảy bên khóe miệng và cười hềnh hệch. Mùa đông lạnh, tuyết bay đầy trời, bồ câu không đến nữa, ông quấn quanh mình tấm chăn rách nát mà nằm ngủ, tuyết phủ đầy mặt cũng không hay biết. Anh đi ngang qua mấy lần định đưa tay vẫy, nhưng thấy ông ngủ rồi nên lại thôi.

Trong một tờ tạp chí ngày xưa anh vẫn đọc, người ta có giải thích câu Lang bạt kì hồ. Người ta bảo dân gian đã liên hệ “lang” với “lang thang,” “bạt” với “phiêu bạt,” rồi “hồ” với “giang hồ,” mà tạo ra cái nghĩa “sống lang thang rày đây mai đó,” chứ lang bạt kì hồ vốn dĩ không có nghĩa ấy. Người ta bảo lang bạt kì hồ, tái chí kì vĩ nguyên thủy là mấy câu trong Kinh Thi, tả một con sói giẫm lên cái yếm của nó rồi vấp phải cái đuôi, cứ lúng ta lúng túng không biết làm sao. Lúc ấy anh đã nghĩ, thật ra nếu vì lúng ta lúng túng không biết làm sao mà cứ phải sống rày đây mai đó thì cũng hợp lí thôi. Kiểu như mùa đông sắp hết thì nên làm gì, mùa xuân đã đến thì đi đâu nữa. Như một người lưu lạc tha phương uống rượu một mình, không biết rót về đâu cho phải: Dư trường trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan / Dư trường trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương – “Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn / Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan.” Anh nghĩ, con chó sói giẫm lên cái yếm rồi vấp phải cái đuôi của nó, hay con chim én trời rét bay về phương nam, trời ấm lại bay về phương bắc, chung quy lại thì cũng vậy thôi, có gì đâu mà phải bàn nhiều.

Read more