Vẫn chết mỗi ngày

Vậy mà em đã bơi đi. Liệu em có biết rằng không bao giờ em có thể biến thành cá hay không? Em sẽ không thể bơi tới Ixxưc-kun, không thấy được con tàu trắng, và không thể nói với nó: “Chào ngươi, con tàu trắng, tao đây mà!”

Đó là một đoạn trong cuốn sách mà tôi rất thích. Tôi đọc cuốn sách ấy từ lâu lắm rồi, hồi tôi còn nhỏ tuổi. Cuốn sách ấy có một lão già bô bô, ta gọi là lão Mômun nhanh nhảu, với một con hươu to lớn quái dạng, ta gọi là Mẹ Hươu Sừng, và một con tàu chỉ nhìn thấy được ở phía xa xa nơi chân trời một cách đầy bất lực, ta gọi là Con Tàu Trắng. À và những con người man rợ nữa. Bọn người man rợ này mới chặt đầu con mẹ Hươu Sừng làm thịt ăn, cười hô hố, gào thét, uống rượu say bí tỉ. Còn thằng bé kia thì đau đớn, kinh hãi, tuyệt vọng, phát rồ phát dại, bước ra sông, nhảy tõm xuống, rồi bơi ra biển, ta gọi là chết trôi.

Nhưng tôi không định bàn dông dài về cái chuyện tình rau muống biển đậm chất Nga Xô ấy. Tôi chỉ là một sự liên hệ về những sự kiện gần đây thôi. Rồi nghĩ rằng ồ nếu mà ta viết lại cuốn Con Tàu Trắng ấy thì ta sẽ viết thế nào cho nó hợp thời.

Thế là em cũng ra đi. Người ta nói em tự sát… 

 Nhưng nghĩ cũng lạ, chừng ấy tuổi mà đã biết thắt một sợi dây đúng cách để treo cổ rồi. Cái thời đại chúng ta đang sống đây, cái thời đại mà mọi và người vẫn hay bô bô là hạnh phúc nhất nhì thế giới này, nói về cái chết và tìm đến cái chết sao mà dễ dàng quá thế? Một đứa bé biết uống một lần mười mấy viên thuốc ngủ. Một đứa bé nhảy từ trên sân thượng. Hồi nhỏ tôi làm quái gì biết những thức ấy, tôi mặc quần mà còn quên kéo phẹc mơ tuya hoài hoài, thế còn bữa nào nhớ kéo thì kẹp ngay vào chim và gân cổ chửi thằng cha thợ may không tận tụy với nghề bên Phú Đa. Một đứa bé biết rạch tay… Tôi nhớ lần đầu tiên nghe nói có người bị đánh chết trong trụ sở công an phường, tôi và bạn bè tôi, chúng tôi đã ngơ ngác và căm giận như thế nào. Tôi nhớ lần đầu tiên đọc tin ông lão làm đắm đò, chết mười tám học sinh, bạn tôi đã khóc như thế nào. Nhưng rồi lại thêm một người chết, lại thêm một con đò đắm, một người nữa chết, một chiếc du thuyền đắm, một người nữa lại chết, cái dân tộc ngàn năm ngái ngủ của chúng ta chết nhiều hơn mức cần thiết, nhiều tới mức khiến cho cái chết trở nên một thứ gì đó rất bình thường. Đắm đò thì ăn thua gì, khi bây giờ đến cây cầu treo chuyên dùng để đưa ma cũng đòi sập, và người ta phải chui vào bao bố để qua sông? Cái chết có là gì, khi ngay đến cái sống cũng đã trở thành một sự rất vô lí? Một con người chết đi bây giờ cùng lắm cũng chỉ trở thành chủ đề bàn tán bên li cà phê được một chút, rồi thôi. Chú bé mười hai tuổi biết treo cổ của tôi, nếu có li cà phê ngon ngon thì người ta sẽ nhắc đến em một chút rồi thôi. Em đâu phải ca sĩ hát hay đến nỗi phát chứng tắc ống đái, cũng chẳng phải diễn viên đóng hay đến độ ung thư dái. Em đâu có một thời oai hùng để ria mép đóng phim đánh bạc và đến cuối đời nợ đầm đìa các khoản, ngồi ngoác mõm chửi con cháu vô ơn. Em không đi vòng quanh thế giới với bảy trăm đô và một cái ống đồng đúng thiệt là đồng. Em chưa có râu quai nón, hậu quả nhãn tiền là em kém đẹp trai. Xã hội không lên cơn nứng vì em. Nái xề không lên cơn nứng vì em. Em không phải giải phẫu cho cái mặt giống Lý Hùng, nhưng em cũng chẳng giúp tiệm sex toy Núi Lửa trước nhà tăng doanh số được bịch nào. Em chỉ là một người bình thường như bao nhiêu người khác. Chẳng ai buồn để tâm đến thời khắc em vùng vẫy ọ ọ dưới đầu sợi dây, hay lúc em đau đớn co giật trên giường, hay lúc em loi ngoi ục ục giữa dòng nước, hay lúc đầu em đập mạnh xuống nền đá, vỡ tóe ra bao nhiêu là óc và máu. Có chăng chẳng qua chỉ là một ý nghĩ vu vơ, rằng đúng lúc ấy không biết nó có tiếc nuối gì cuộc sống hay không nhỉ, người chết có linh hồn không nhỉ, bác ơi sống khôn thác thiêng hãy độ trì cho xã hội đi lên bác nhỉ. Tại vì chẳng ai biết trước khi chết người ta nghĩ gì, muốn nghe câu hò Nghệ Tĩnh hay câu hát khựa, nên chi việc ấy kể ra cũng đáng để cho báo Quân Đội Nhân Dân tò mò.  Read more

Một bài viết ngắn cho Hoàng Sa

Khi tôi còn nhỏ, chừng bảy hay tám tuổi gì đó, tôi đã nghe cha tôi nói chuyện Hoàng Sa. Lúc đó tôi chẳng hiểu gì, tôi hỏi “Cha có yêu Bác Hồ không,” tôi đi đại hội toàn huyện, đọc “Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh – Liên đội tiểu học Đại Thạnh.” Lớn lên, xuống thành phố, tôi đạp xe đi học, ngang qua trụ sở ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa suốt ngày cửa đóng im ỉm, tôi vẫn không để tâm cho lắm. Sách vở tôi học đâu có nhắc gì đến Hoàng Sa. Sách vở tôi học chỉ nói chuyện sản lượng than ở Quảng Ninh, chuyện Mỹ giàu to nhờ chiến tranh, chuyện nông nô chịu bao tầng áp bức bóc lột, những Robespierre ở Pháp và Cromwell ở Anh, về hòn gạch mùa đông, Phạm Tuân bắn rơi B52, và những trận đánh oai hùng. Tôi có chút hoa tay, vẽ bản đồ Việt Nam được chín điểm, được khen trước lớp, bản đồ tôi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc đó tôi đâu có biết toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 1974. Tôi làm sao biết trong trận đánh ngắn ngủi ấy, đã có bảy mươi tư người lính Việt Nam Cộng hòa bị Trung Cộng giết, và từ đó đến nay thân xác họ đã tan thành nước. Không ai cho tôi biết họ, dù ở bên kia chiến tuyến, cũng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, cũng biết hi sinh, và đã hi sinh. Người ta dạy tôi hát những bài hát về những người mẹ anh hùng, những người vợ anh hùng, mà không cho tôi hay bảy mươi tư người lính ấy cũng có vợ, có mẹ, và mẹ họ, và vợ con họ vẫn đang mòn mỏi chờ đợi họ ở một nơi nào đó. Người ta dạy tôi căm hận bọn ngụy quân ngụy quyền uống máu không tanh, thế là tôi căm hận bọn ngụy quân ngụy quyền uống máu không tanh, mà quên bẵng đi rằng cha tôi, và chú tôi, và bác tôi, những người yêu thương tôi, đều là ngụy quân ngụy quyền tất cả. Người ta dạy tôi ghê tởm từ chữ “ngụy” trở đi, thế là lần đầu tiên đọc được cái tên Ngụy Văn Thà, tôi đã nhăn mặt lại – tôi đâu có biết ông là thiếu tá chỉ huy tàu Nhật Tảo, khi tàu hư hại nặng đã ra lệnh cho thủy thủ rút lui bằng bè, còn mình và một số pháo thủ thì ở lại chiến đấu cho đến khi tàu chìm vào lòng biển. Bạn ạ, cả tuổi thơ tôi trôi qua mà không có một ai dạy tôi phải biết nhớ ơn những người đã chết cho Tổ quốc mình. Read more

Một ông em

Bạn thân mến,

Như vậy là nước chúng ta lại có thêm một vụ trọng án (tức vụ án khí nặng, trong trường hợp bạn đếch biết đấy là đâu và đang toan mở Đại Tự Điển Hán Việt Bất Khả Đỡ của nhà giáo sư ưu tú Nguyễn Lân). Nếu hai ngày nay bạn vẫn hồi hợp theo dõi qua màn hình ti vi giống như các nhà báo mẫn cán trong cái nền báo chí tự do tót vời rất đáng cho bọn New York Times ganh tị của ta, thì giờ này hẳn bạn đã biết rằng có một ông sắp bị bắn hoặc tiêm thuốc hoặc tự treo cổ tùy điều kiện tài chính và địa điểm phòng giam, một ông mười tám năm tù – mà cứ xét theo số lượng chân chim hiện có trên mặt ổng thì cũng tương đương với chung thân, một ông mười năm, một ông tám, một ông bảy, một ông sáu, hai ông năm và một ông anh. Về ông anh này, do tầm quan trọng tuyệt đối của bí mật quốc gia, tôi không thể tiết lộ với bạn chuyện ổng tên Ngọ, hay chuyện ổng là thượng tướng, hay chuyện ổng làm thứ trưởng bộ công an, cũng như không thể biết được cái việc người ta cầm nửa triệu đô đứng từ xa sút cầu vồng vào nhà ổng là thiệt hay chơi, và việc ổng gọi cho người ta bảo rằng số máy tao đang gọi đây liệu hồn không liên lạc được là sai hay đúng. Với tôi cũng không hứng thú gì những vấn đề ấy, nói thật với bạn. Cuộc đời nhìn dài rộng thế chứ có bao nhiêu đâu, nói chuyện người dông dài chưa hết, bàn chuyện ngựa làm gì.

Cho nên tôi sẽ không nói chuyện một ông anh với bạn. Tôi sẽ nói chuyện một ông em, thay thế.

Phải nói ngay đây không phải là một ông em bình thường. Tôi không có em, nhưng cũng xin đoán rằng thằng em của bạn ấy, đúng lúc tôi đang cặm cụi viết và các bạn cặm cụi đọc những dòng chữ từ máu và nước mắt này đây thì nó đang ngồi trên khán đài quay tay, và mẹ bạn vẫn hằng ngày đánh mắng bạn vì nó đi ỉa không dội cầu, và nó chính là thằng đã đục lỗ dưới đít con heo đất của bạn hồi năm ngoái để móc tiền đi mua cà lem, và bạn đã chửi nó rằng “đm mày” và bố bạn rằng “mày ngon bước qua xác tao trước đã.” Không, ông em này tuyệt nhiên không phải loại em tầm thường như vậy. Hoàn toàn ngược lại thưa bạn. Đây là một ông em nghĩa hiệp hiếm có, theo lời báo chí nói thì là tài sắc vẹn toàn. Nghe đồn ông biết làm thơ và sửa bóng đèn rất giỏi, nhưng lại không thành nhà thơ mạt rệp hoặc công nhân nhà đèn chỉ biết đợi đến cuối năm để lĩnh lương tháng mười ba mà lại rất chủ động đi làm công an. Tất nhiên anh ông trước đây là một người đầy mình quyền lực, nhưng tôi nghĩ chúng ta đều nhất trí quan điểm rằng với sự cần kiệm liêm chính chí công vô tư mang tính truyền thống của gia đình và ban ngành, anh ông đã không giúp đỡ gì ông, và cái việc ông được thăng đến hàm đại tá, lãnh chức cục phó một cục rất lớn, tất tật chỉ nhờ vào tài sửa bóng đèn bảy mươi lăm oát của ông mà thôi.

Bây giờ tôi muốn hỏi bạn, nếu bạn có một ông anh vô tình như thế, thì bạn sẽ ứng xử ra sao? Thôi hỏi người chẳng bằng hỏi mình, để tôi nói tôi trước. Tôi không có ông em, nhưng tôi cũng có một ông anh. Ông anh tôi hơn tôi gần hai chục tuổi đại để, và ổng không giàu, ổng hay đội loại mũ bảo hiểm hai mươi ngàn một cái bán dọc quốc lộ 1A, và sáng sáng ổng lên công ty cạo giấy, lương tháng đâu bốn triệu đồng. Cũng may là lương ổng có bốn triệu đồng, chứ nếu ổng kiếm được bốn tỷ đồng mỗi tháng như những ông anh chính quy khác chúng ta đang có dịp nhắc đến ở đây thì liệu mà cưa đôi với tôi, không thời tôi báo lên ủy ban, ân đoạn nghĩa tuyệt. Còn bạn thì sao? Khỏi ra vẻ nghĩ suy, bạn cũng thế thôi, tôi lại chả biết tỏng, xã hội ta nó thế, đồng tiền bánh xe to tình nghĩa chỉ cứt bò. Read more

1017

Hôm nay tôi lại đọc về nạn đói.

Nếu em quên, thì gần bảy mươi năm về trước ở miền Bắc nước ta xảy ra một nạn đói, mà sau này sử sách gọi là nạn đói năm Ất Dậu. Có nhiều lí do xảy ra nạn đói này – người ta nói là do Nhật, do Pháp, do Cộng sản và mọi thứ. Nhưng ở đây tôi không định bàn về lí do. Nếu em quên, trên khắp các vùng quê, đâu đâu cũng có những người kéo xe, mót củi, đánh dậm, cấy rẽ, mò cua, lê la vật vờ như những bóng ma trên cánh đồng mọc đầy cỏ dại, trong gió rét căm căm, chân tay co quắp, mót được chút gì cũng vội vội vàng vàng cho vào mồm nhai. Rau rìu, rau má, cây ngô, châu chấu, cào cào, chuột chết, vỏ ốc thối, lá chuối khô. Người chết đầy các ngõ, không ai kịp chôn, mà cũng không ai còn đủ sức để chôn. Gần bảy mươi năm về trước, trong trên dưới nửa năm, dân ta chết khoảng hai triệu người. Nếu em quên, thì gần bảy mươi năm về trước, dân số miền Bắc nước ta vào khoảng sáu triệu rưỡi người. Hai triệu rưỡi người chết đói, và tôi không định bàn về lí do.

Nếu em quên, thì chuyện kể rằng: Một người đàn bà xin được chút gì đó để ăn, bà ta kéo đầu con để chia cho nó. Gọi hồi lâu người mẹ ấy mới biết con mình đã chết tự khi nào. Trong góc chợ lại có một người đàn bà nhe răng, trợn mắt nằm co quắp chết bên hai đứa trẻ.

Chuyện kể rằng: Tháng ba năm Ất Dậu, biết tin có thuyền thóc của Hàn Thùy chở về qua sông Trà Lý, năm, sáu ông là Xiêm, Trật, Đót, Hỷ, Uẩn, Phiên bày mưu cướp thóc. Ông Đót bị bắt trói vào cột ven đường. Tên lính Nhật vung kiếm chẻ vai ông, máu nhuộm đỏ chiếc áo bông rách nát.

Chuyện kể rằng: Ngay đầu chợ, một người đàn bà có vẻ giàu có đi ngang qua, không hiểu bà ta kinh tởm hay ốm đau thế nào mà ôm bụng gập người nôn thốc nôn tháo. Hai ba đứa trẻ vội lao vào tranh nhau bốc bãi nôn, hối hả nhét vào mồm.

Chuyện kể rằng: Làng bên còn có người ăn cả đất. Lại có người ngày nào cũng chạy theo mấy con ngựa của Nhật, Tây để hốt phân của nó về đãi lấy hạt ngô chưa bị tiêu hóa để ăn.

Chuyện kể rằng: Một cụ già tuy đã đói khổ nhiều ngày nhưng nhìn rất quắc thước, đạo mạo, ngồi trên cống Phố Hàn giống mọi người. Nhưng điều rất đặc biệt là cụ không xin ai một câu nào. Ai cho thì nhận. Ánh mắt cụ rất buồn, long lanh chứ không vàng nhợt vô hồn. Cụ ngồi đó mấy ngày rồi không ai thấy nữa.

Tôi có thể chép thêm ra đây hàng chục, hàng trăm câu chuyện như thế, về những người chết đói, trong đó có ông bà tôi, ông bà của bạn tôi, có thể là cả ông bà của em và của bạn em nữa – người ta đi khắp chợ cùng quê, nghiên cứu chuyện này chuyện kia, hỏi thăm người này người nọ, xong rồi viết thành sách bán. Sách khổ lớn, dày bảy trăm trang, giá bìa là một trăm bảy mươi nghìn đồng. Nhưng thôi, chép mà làm gì. Người đói, có gì lạ đâu, vì đất nước ta chưa bao giờ no đủ. Cha ông ta ca ngợi về thời kì Thái Tông, Thái Tổ yên bình thịnh trị, bất quá cũng chỉ là “thóc lúa đầy đồng.” Cái hạnh phúc tầm thường tội nghiệp, mà bao nhiêu năm tháng đã qua rồi vẫn chưa trọn vẹn. Thóc lúa đầy đồng thì sao? Thì cơm độn ít khoai hơn, và có lẽ ngày Tết có thêm một ít sản phẩm cũng của nền văn minh lúa nước là bánh chưng bánh giầy. Thóc lúa đầy đồng thì sao? Bao nhiêu năm nay, mỗi lần được mùa, tôi lại thấy trên ti vi người ta nói “gạo lại rớt giá” và có một bác da dẻ khô đét, mặt mày nhăn nheo, cử chỉ thô kệch, giọng nói quê mùa, ấp úng trả lời phóng viên rằng “Bà con nông dân khổ quá.” Thóc lúa đầy đồng thì đã sao? Nói chuyện với bạn bè, tôi chưa bao giờ tự hào về chuyện nước ta xuất khẩu gạo nhiều nhất nhì thế giới. Vì rằng, xuất khẩu gạo nhiều nhất nhì thế giới là chúng ta, mà đói nghèo nhất nhì thế giới cũng là chúng ta. Read more

Còn đợi gì mà không thanh trừng?

Những bài tôi viết gần đây, các bạn kêu buồn. Ờ tôi cũng thấy nó buồn. Và cứ càng thấy nó buồn buồn thì tôi lại càng lo lo: Biết đâu cứ viết lừ đừ thế này, về sau cái kiểu nó lại ám vào người, không khéo lại thành một vị lãng mạn đại nhân mang nét buồn thời đại, nhìn theo gió hiu hiu cười không ít thì nhiều, theo kiểu Nhất Linh và các thứ sến rện vô bổ ngày trước. Mà tôi thì không muốn làm lãng mạn đại nhân – vốn dĩ trước nay tôi chỉ thích viết kiểu tào lao xịt bợp, đâm chỗ này chém chỗ nọ mà thôi, bất kể các bạn cứ lao nhao rằng anh không thay đổi lối viết ư đừng lì lợm quá như thế, đến to béo như Aziz Nesin mà cũng biết thức thời ngày xưa viết châm biếm ngày sau đổi sang viết đả kích nữa là thứ như anh vân vân và vân vân.

Thế nhưng hôm nay thì tôi hết lo. Vâng tôi hết lo. Vì tôi đã vững tin (xác tín, theo kiểu các bạn dốt nát có vốn từ ngữ hoa lá hẹ hay dùng, cùng với những từ khác như tự do, xa ngái, hoang hoải, khải huyền các loại) rằng may mắn quá, tôi viết mấy thứ buồn buồn như thế chẳng qua vì thế sự xung quanh tôi tự nhiên nó vu vơ nó buồn mà thôi, chứ một khi nó đổi sang nó vui, thì tôi lại viết vui được ngay, uyển chuyển chính là như vậy.

Cụ thể là bữa nay tôi đọc báo được cái tin rằng lực lượng công an kia sắp thanh tra, tức thị kiểm tra và thanh trừng, một quán cà phê nọ vì cái tội dám xuyên tạc Lê-nin. Tôi viết Lê-nin là thói quen thôi, thật ra tôi cũng chẳng biết viết tên ổng thế nào cho đúng. Cũng có thể là Lê nin – không có cái gạch ngang. Hoặc Lê Nin, tức là in hoa đầu chữ. Hoặc LÊ NIN, như các tấm biển treo xiên xẹo trên những con đường đầy người chết vì xe tung. Hoặc Lénine, lưu ý vẫn đọc là Lê, không phải Lé. Mấy người ít học quê tôi người ta gọi là ông Sáu Nin, vì thấy ghi tên đầy đủ của ổng có chữ VI – cái này tôi nghĩ có lẽ không đúng, vì nếu ghi thế thì phải đọc là Vi Lê Nin, tương tự như cái cô nhà thơ gì Vi Thùy Nin ấy, hoặc là Sáu La Mã Nin, chứ chỉ đọc Sáu Nin thì chẳng hóa ra là Sáu La Tin Nin. À cái này tôi cũng kể rồi, thằng bạn tôi hồi tiểu học tên là Lê Văn Nin, nó học dốt như bò vì suốt ngày chỉ thích lấy que gai mắt ó chọc đít bò. Tóm lại như thế, công an sắp thanh trừng quán cà phê vì xuyên tạc thằng bạn tôi chọc đít… e hèm, vì xuyên tạc Lê-nin, nay xin nói tắt là anh Nin cho nó máu.

Nhưng bởi vì rất có thể không phải tất cả chúng ta ở đây đều có kiến thức sơ đẳng về anh Nin, tôi xin mạn phép kể lể dài dòng văn tự ra một ít, xong rồi các bạn có thể vỗ tay khen tôi kiến thức sâu rộng. Anh Nin thì nay đã chết rồi, xác ảnh được xức dầu thơm và quàn trên quảng trường Đỏ cho bà con đi ngang qua có rảnh thì vào xem, nhưng hồi còn sống thì ảnh lẫy lừng một cõi chính và nhiều cõi phụ khác, người ta còn có một định luật vật lí rằng đồng chí Nin không bao giờ sai, và tất cả những nhà khoa học thiên thể cố gắng chứng minh định luật ấy sai sau rốt đều phải vừa khóc vừa nói rằng là em sai em sai, định luật không sai, đồng chí Nin không sai, xin đừng bắn. Theo như sách sử do những người viết sử ghi lại thì chú Nin hồi nhỏ học thôi rồi, ba năm không nhìn ra vườn, bạn đem súng bắn chim tới cũng bảo không không nhà tao làm gì có vườn mà bắn, để yên tao học cơ, kệ súng mày, kệ chim mày luôn. Nhờ học siêng như thanh niên nghiêm túc như thế mà lớn lên anh Nin trở thành lãnh tụ của giai cấp công nhân, được coi là học trò vĩ đại nhất của Các Mác, đồng thời cũng là thầy của một số anh khác, rồi đến lượt các anh này lại cũng giành giật nhau xem ai là học trò vĩ đại nhất của thầy Nin. Anh Nin lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản ở Nga đi đến thắng lợi cuối cùng, đảo ngược hoàn toàn cục diện người bóc lột người một cách hết sức vẻ vang. Tượng anh được đặt ở khắp nơi nơi, ở Nga có hằng hà sa số đã đành, lại trùng trùng mông mông ở Trung Quốc và Cuba, và thấy rõ nhất là ở Bắc Triều Tiên vào ban ngày. Ở ta cũng có tượng anh to đùng ở vườn hoa, người ta gọi nhầm là cụ Lý cụ Lê, anh đút tay vào túi, tay kia chỉ ra xa, mắt anh nhìn thẳng, rất cương nghị, không hề chớp, mặc kệ bọn dân ngu khu đen vứt rác và tiêm xì ke tùm lum xung quanh. Thế và ngoài vườn hoa ra thì tượng anh cũng hay được đặt trong những phòng họp, ở đó anh không có tay, anh chỉ thúc thủ mà nhìn thôi, trong lúc những bọn không phải dân ngu khu đen thì ngủ khò khò dưới ánh nhìn của anh. Trong sách giáo khoa người ta cũng viết về anh luôn luôn, giống như người ta sợ chểnh ra một phát là cả thế giới quên anh tút xuỵt, đơn cử như chuyện bắn chim tôi vừa kể phía trên, hoặc bài thơ “Ông Lê-nin ở nước Nga / Đầu ông bị hói rất là Việt Nam” mà ai trong số chúng ta cũng phải thuộc lòng nếu không muốn ở lại lớp, hoặc lại một bài về chú bé Kô-li-a bị lạm dụng sức lao động “Tuổi mười hai đuổi bướm bắt chim / Em ở đây bên bác Lê-nin / Người làm việc. Cần em canh gác.” Tất nhiên khi đã vào thơ ca thì câu chuyện có sai lệch ít nhiều, nhất là khi lại là thơ của nhà thơ Tố Hữu – người mà nếu giữ nguyên tên họ là Nguyễn Kim Thành chứ không chọn bút danh thì hẳn nhà thơ có đôi chút liên quan là Nguyễn Du phải hộc máu chết mấy lần vì sỉ nhục – nhưng đã đến mức độ như thế thì thiết nghĩ chúng ta đều phải nhất trí rằng anh Nin là một người vĩ đại, luận cương của anh làm cho mọi người đều khóc một mình trong phòng cũng như phin Hàn Quốc, những lời anh nói ra đều đáng được coi như sấm truyền, kể cả cái câu “Hỏng bét rồi!” mà bọn thối mồm vẫn đồn là lời anh dặn lúc lâm chung. Những chuyện sau này người ta kéo tượng anh cùng với các bạn đồng chí của anh đổ chỏng gọng, rồi những cái hình chim ỉa lên đầu anh, con nít ngồi lên bụng anh các kiểu trên khắp các nước Đông Âu, tôi ngờ rằng đều là giả trá mà thôi – nếu tinh ý và tỉnh táo thì các bạn sẽ nhận thấy rằng anh em Thomas Knoll và John Knoll tung ra bản Photoshop đầu tiên cho máy Mac vào năm 1990, rồi đúng một năm sau thì chủ nghĩa xã hội Liên Xô sụp đổ và những bức hình ấy bắt đầu được lan truyền, thời chắc chắn phải có gì huyền bí đằng sau chứ không thể nào mà lại trùng hợp nhiệm mầu như thế được.

Read more