Chị đưa anh cuốn sách với lời đề tặng “Tặng thằng em lang thang.” Anh hỏi “Cái gì mà lang thang?” Chị không trả lời, nhưng cuốn sách tiếp theo chị cũng viết y nguyên lời đề tặng ấy. Chỉ khác là lần này chị gặp anh ở một thành phố khác cách đó chừng mười nghìn cây số, khoảng mười lăm giờ bay. Anh nói “Thôi toàn viết truyện sến, không đọc đâu.” Chị thủng thẳng “Đọc hay không là chuyện của mày.”
Cái thành phố nơi anh ở cũng có nhiều người lang thang. Mỗi buổi sáng khi đi làm, anh vẫn vẫy tay chào ông già râu ria xồm xoàm ngồi trước thềm nhà hát lớn. Ông già có bộ mặt đỏ gay vì hay uống rượu, cứ cào mấy ngón tay đen đúa vào mớ tóc bù xù cáu bẩn, thỉnh thoảng quát to một tiếng để dọa cho mấy con chim bồ câu đang kiếm ăn gần đó giật mình bay mất, rồi lại trở mu bàn tay quệt nước dãi chảy bên khóe miệng và cười hềnh hệch. Mùa đông lạnh, tuyết bay đầy trời, bồ câu không đến nữa, ông quấn quanh mình tấm chăn rách nát mà nằm ngủ, tuyết phủ đầy mặt cũng không hay biết. Anh đi ngang qua mấy lần định đưa tay vẫy, nhưng thấy ông ngủ rồi nên lại thôi.
Trong một tờ tạp chí ngày xưa anh vẫn đọc, người ta có giải thích câu Lang bạt kì hồ. Người ta bảo dân gian đã liên hệ “lang” với “lang thang,” “bạt” với “phiêu bạt,” rồi “hồ” với “giang hồ,” mà tạo ra cái nghĩa “sống lang thang rày đây mai đó,” chứ lang bạt kì hồ vốn dĩ không có nghĩa ấy. Người ta bảo lang bạt kì hồ, tái chí kì vĩ nguyên thủy là mấy câu trong Kinh Thi, tả một con sói giẫm lên cái yếm của nó rồi vấp phải cái đuôi, cứ lúng ta lúng túng không biết làm sao. Lúc ấy anh đã nghĩ, thật ra nếu vì lúng ta lúng túng không biết làm sao mà cứ phải sống rày đây mai đó thì cũng hợp lí thôi. Kiểu như mùa đông sắp hết thì nên làm gì, mùa xuân đã đến thì đi đâu nữa. Như một người lưu lạc tha phương uống rượu một mình, không biết rót về đâu cho phải: Dư trường trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan / Dư trường trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương – “Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn / Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan.” Anh nghĩ, con chó sói giẫm lên cái yếm rồi vấp phải cái đuôi của nó, hay con chim én trời rét bay về phương nam, trời ấm lại bay về phương bắc, chung quy lại thì cũng vậy thôi, có gì đâu mà phải bàn nhiều.
Rồi cũng trong cùng tờ tạp chí ấy anh đọc được bài Giấc mộng Gobi. Gobi là một vùng sa mạc rộng lớn ở phía nam Mông Cổ. Giấc mộng Gobi là giấc mộng ngàn năm của những người du mục. Người du mục đi hoài đi mãi trên thảo nguyên mênh mông, lang bạt kì hồ, rày đây mai đó, cả đời chỉ mong được ngủ dưới một mái nhà. Trong Giấc mộng Gobi có nhắc đến một bài ca cổ mà những người chăn cừu vẫn hát mỗi buổi sáng sớm khi mặt trời vừa lên, sương còn chưa tan hết. Bài ca ấy tất nhiên anh không biết giai điệu ra sao, chỉ biết là bắt đầu bằng mấy câu mà đến giờ anh vẫn nhớ:
Mẹ ơi
Con muốn về với mẹ
Bây giờ đang tiết xuân
Ừ, ở đây bây giờ cũng đang là tiết xuân, nhưng khí trời còn lạnh. Mỗi buổi sáng khi mặt trời vừa lên, sương còn chưa tan hết, anh đi ngang qua tiệm bánh mì ở ngã tư đầu phố, nhìn những khoanh brezel bày sau tủ kính mà nhớ những bánh trái mỗi mùa Tết đến mẹ anh vẫn làm, nhớ bánh thuẫn, bánh khô, bánh tổ, nhớ mấy đòn bánh tét dài buộc lá chuối treo trên gác bếp, nhớ cái khuôn bánh in có hình bông hoa, nhớ cả vị mứt gừng mà hồi còn nhỏ anh vẫn ghét cay ghét đắng. Anh mua một quả táo trong siêu thị, lại nhớ trái mãng cầu mẹ chưng trên bàn thờ, trái mãng cầu ta chỉ to bằng nắm tay, màu xanh lục, có nhiều mắt dính lấm tấm bụi tàn nhang. Anh đi tàu xuống thị trấn Tegernsee, phía xa xa ngoài cửa sổ toa tàu là những đỉnh núi của dãy Alps tuyết phủ trắng xóa. Anh nhớ Võ Hồng viết “Núi có nhớ mẹ không? Nhưng hùng vĩ như Hy Mã Lạp Sơn thì mẹ là ai? Tôi đành âm thầm lắc đầu vừa tưởng như nghe ầm ầm những chuyển động tạo sơn quằn quại dựng nên dãy núi. Thành ra núi cô đơn.”
“Ừ,” anh lẩm bẩm, “hùng vĩ như Hy Mã Lạp Sơn thì mẹ là ai?”
Hai cuốn sách chị tặng anh, anh vẫn để trên bàn, bên cạnh mấy quyển Đông Chu Liệt Quốc kể chuyện Bách Lý Hề và Giới Tử Thôi, chuyện những người lang thang từ xứ này qua xứ nọ. Anh nhắn tin bảo anh lại sắp đi. Chị nhắn trả lời: Ừ, tuổi còn trẻ còn chưa vướng bận, cứ đi đi. Như Tanabai nói với theo con ngỗng xám bay đơn độc trên dãy hoành sơn “Bay đi! Bay đi! Đuổi cho kịp đàn, chừng nào cánh còn chưa mỏi.” Chỉ có một điều chị không hỏi tới mà anh cũng không nghĩ tới, là liệu con ngỗng trời đã mỏi cánh hay chưa.
Có lần thức dậy giữa đêm – dạo này anh hay thức dậy lúc nửa đêm – bỗng nhiên anh mơ hồ nhận ra rằng, biết đâu anh cứ lang thang hoài là vì không có ai giữ anh ở lại. Như trong bài hát về người lính đánh thuê anh vẫn thường nghe, cái bài hát buồn thiu ấy, chưa từng có ai bảo anh “đến đây, nằm xuống đây, đừng đi đâu nữa.” Bởi vì biết đâu đấy, nếu có ai đó giữ anh ở lại, biết đâu anh sẽ nằm xuống, biết đâu anh sẽ ngủ, rồi biết đâu anh sẽ nằm mơ thấy mẹ và vườn cải mới lên xanh mướt sau nhà. Như ông già râu ria xồm xoàm vẫn bình thản ngủ trước thềm nhà hát lớn, mặc kệ quanh mình là tuyết rơi.