Bạn thân mến,
Như vậy là nước chúng ta lại có thêm một vụ trọng án (tức vụ án khí nặng, trong trường hợp bạn đếch biết đấy là đâu và đang toan mở Đại Tự Điển Hán Việt Bất Khả Đỡ của nhà giáo sư ưu tú Nguyễn Lân). Nếu hai ngày nay bạn vẫn hồi hợp theo dõi qua màn hình ti vi giống như các nhà báo mẫn cán trong cái nền báo chí tự do tót vời rất đáng cho bọn New York Times ganh tị của ta, thì giờ này hẳn bạn đã biết rằng có một ông sắp bị bắn hoặc tiêm thuốc hoặc tự treo cổ tùy điều kiện tài chính và địa điểm phòng giam, một ông mười tám năm tù – mà cứ xét theo số lượng chân chim hiện có trên mặt ổng thì cũng tương đương với chung thân, một ông mười năm, một ông tám, một ông bảy, một ông sáu, hai ông năm và một ông anh. Về ông anh này, do tầm quan trọng tuyệt đối của bí mật quốc gia, tôi không thể tiết lộ với bạn chuyện ổng tên Ngọ, hay chuyện ổng là thượng tướng, hay chuyện ổng làm thứ trưởng bộ công an, cũng như không thể biết được cái việc người ta cầm nửa triệu đô đứng từ xa sút cầu vồng vào nhà ổng là thiệt hay chơi, và việc ổng gọi cho người ta bảo rằng số máy tao đang gọi đây liệu hồn không liên lạc được là sai hay đúng. Với tôi cũng không hứng thú gì những vấn đề ấy, nói thật với bạn. Cuộc đời nhìn dài rộng thế chứ có bao nhiêu đâu, nói chuyện người dông dài chưa hết, bàn chuyện ngựa làm gì.
Cho nên tôi sẽ không nói chuyện một ông anh với bạn. Tôi sẽ nói chuyện một ông em, thay thế.
Phải nói ngay đây không phải là một ông em bình thường. Tôi không có em, nhưng cũng xin đoán rằng thằng em của bạn ấy, đúng lúc tôi đang cặm cụi viết và các bạn cặm cụi đọc những dòng chữ từ máu và nước mắt này đây thì nó đang ngồi trên khán đài quay tay, và mẹ bạn vẫn hằng ngày đánh mắng bạn vì nó đi ỉa không dội cầu, và nó chính là thằng đã đục lỗ dưới đít con heo đất của bạn hồi năm ngoái để móc tiền đi mua cà lem, và bạn đã chửi nó rằng “đm mày” và bố bạn rằng “mày ngon bước qua xác tao trước đã.” Không, ông em này tuyệt nhiên không phải loại em tầm thường như vậy. Hoàn toàn ngược lại thưa bạn. Đây là một ông em nghĩa hiệp hiếm có, theo lời báo chí nói thì là tài sắc vẹn toàn. Nghe đồn ông biết làm thơ và sửa bóng đèn rất giỏi, nhưng lại không thành nhà thơ mạt rệp hoặc công nhân nhà đèn chỉ biết đợi đến cuối năm để lĩnh lương tháng mười ba mà lại rất chủ động đi làm công an. Tất nhiên anh ông trước đây là một người đầy mình quyền lực, nhưng tôi nghĩ chúng ta đều nhất trí quan điểm rằng với sự cần kiệm liêm chính chí công vô tư mang tính truyền thống của gia đình và ban ngành, anh ông đã không giúp đỡ gì ông, và cái việc ông được thăng đến hàm đại tá, lãnh chức cục phó một cục rất lớn, tất tật chỉ nhờ vào tài sửa bóng đèn bảy mươi lăm oát của ông mà thôi.
Bây giờ tôi muốn hỏi bạn, nếu bạn có một ông anh vô tình như thế, thì bạn sẽ ứng xử ra sao? Thôi hỏi người chẳng bằng hỏi mình, để tôi nói tôi trước. Tôi không có ông em, nhưng tôi cũng có một ông anh. Ông anh tôi hơn tôi gần hai chục tuổi đại để, và ổng không giàu, ổng hay đội loại mũ bảo hiểm hai mươi ngàn một cái bán dọc quốc lộ 1A, và sáng sáng ổng lên công ty cạo giấy, lương tháng đâu bốn triệu đồng. Cũng may là lương ổng có bốn triệu đồng, chứ nếu ổng kiếm được bốn tỷ đồng mỗi tháng như những ông anh chính quy khác chúng ta đang có dịp nhắc đến ở đây thì liệu mà cưa đôi với tôi, không thời tôi báo lên ủy ban, ân đoạn nghĩa tuyệt. Còn bạn thì sao? Khỏi ra vẻ nghĩ suy, bạn cũng thế thôi, tôi lại chả biết tỏng, xã hội ta nó thế, đồng tiền bánh xe to tình nghĩa chỉ cứt bò.
Ấy thế mà ông em bóng đèn đây, ông vẫn một lòng yêu kính anh mình thưa bạn. Khi anh ông gặp nạn, ông đã gác nghĩa chung mà liệu tình riêng, tính đường cho anh bụi bờ chui nhủi. Một tay ông đã liên hệ với các bạn của ông – rất tình cờ lại là cô hồn các đảng – hết mua vé phà lại trả phí đường, lo cho anh ông trốn đến nơi đến chốn, từ Bắc vào Nam, từ trung tâm thành phố ra cửa khẩu Mộc Bài, từ cửa khẩu Mộc Bài qua Cam-bốt, từ Cam-bốt dông tận Singapore, và nếu như bọn tư bản thối nát không ki bo bần tiện mà bác đơn xin trợ cấp visa tị nạn thì có lẽ anh của ông còn chu du đến mãi Huê Kỳ. Hãy suy nghĩ. Tôi van bạn, hãy suy nghĩ. Bao nhiêu tiền đã đổ ra cho cuộc trốn chạy kì công ấy? Bao nhiêu mồ hôi và nước mắt? Bao nhiêu bài thơ, vâng bao nhiêu lời ca? Cho dù việc cuối cùng không thành vì bọn Interpol mũi nhô thích chõ mõm vào công việc nội bộ của ta, và anh của ông bị bắt nhân một bữa dừng chân mua thuốc lá, liệu có xóa nhòa đi chút nào cái tình cái nghĩa cao dày nơi ông? Liệu có giảm được chút nào sự kính phục và trọng vọng ở những thằng người phàm tục chúng ta? Liệu có làm chúng ta bớt xấu hổ khi nhìn vào ông như nhìn một tấm gương sáng chói hay chí ít là một cái đầu bóng hói, và soi lại tấm thân hèn hạ ti tiện của mình?
Trên báo chí tôi đọc thấy người ta viết rằng: “Giá ông sống vô tình hơn.” Tôi đọc, và tôi đã rơi nước mắt. Vâng đúng là như thế, chỉ năm chữ ấy thôi: Giá ông sống vô tình hơn. Giá ông cứng nhắc hơn. Giá như ông cũng là người vô ơn bạc nghĩa như tất cả mọi người. Giá như pháp luật gác qua một bên lỗi lầm nho nhỏ của hai anh em ông. Giá như bạn và tôi quên đi số tiền rất nhỏ người ta ăn cướp của chúng ta, của cha mẹ chúng ta, của anh chị chúng ta, của con cháu chúng ta. Giá như chúng ta bớt ích kỉ hơn và vui lòng gánh chịu khoản nợ vu vơ trên trời rơi xuống ấy, để các ông được an lòng mua nhà tậu xe cho bồ nhí và bồ nhí của bồ nhí ấy. Ôi, giá như. Giá như ông em tự trọng này cũng mất tự trọng như thằng em vô dụng của bạn và tôi, và thay vì ra sức đùm bọc che giấu cho ông anh thì ông cứ hết sức điềm nhiên bình tĩnh quay tay và đi ỉa không dội cầu…
Nhưng cuộc đời này đâu có chữ “giá như” đâu thưa bạn. Có một câu ngạn ngữ rằng, nếu có “giá như” thì người ta có thể bỏ Paris vào cái chai và non sông ta có thể sánh vai cùng thế giới. Nên thôi, nói nhiều làm gì nữa. Tòa đã tuyên, các ông lần lượt nối đuôi nhau vào tù, mà chúng ta chẳng làm gì được cho ông. Chỉ xin nói một lời rằng, dù có ra sao thì ông vẫn là một ông em tốt, có thể làm tất cả các ông anh khác xuýt xoa tự hào trừ một ông anh đang gan ruột như bào. Cho nên, còn chờ gì nữa, chúng ta hãy cùng ngã lăn quay ra vỗ tay rào rào mà khóc lóc đi nào.
Viết rất hay.Cho hỏi lâu nay Phan An bận điều hành dự án công ty hay sao mà trang lá cải bỏ hoang cả năm nay , lá cải trên mạng viết tràn lan , mình sốt ruột lắm rồi ,đề nghị bạn dành thời gian cho trang web này.Thân chúc sức khỏe.