Tôi ở đây không hay có thư. Hòm thư của tôi thường rỗng không, bám đầy bụi, lâu lâu mới có một thư thông báo đóng tiền phí radio, thư xin lỗi vì sau nhà có công trình đang xây dựng ồn ào, hay thư ngân hàng đòi đóng bảo hiểm, đòi đăng kí mã số thuế. Thuế nơi này cao chót vót, có đến đâu chừng ba mươi loại, từ loại cơ bản như thuế thu nhập cá nhân cho đến những loại kì quặc như thuế chó, thuế mại dâm, thuế nhà thờ. Phí radio là một loại phí vô lí, ai ai cũng phải đóng, nhà có nghe radio có xem truyền hình hay không cũng mặc. Đồng nghiệp tôi bảo, ngày trước khi loại phí này chưa được phổ cập, nhân viên sở thuế còn trèo tường dòm vào nhà người ta như khỉ đu cột điện vậy, nếu thấy trong nhà có ti-vi cát-sét gì thì lập tức gửi giấy đòi tiền. Tôi bảo đất nước mày sao giống như có truyền thống trèo tường thế, xong đồng nghiệp tôi cười hề hề, nói một câu gì đó bằng tiếng Đức có cả đông tây nam bắc, và eins, zwei, và polizei.
Khi còn nhỏ tôi không thích viết thư – tôi vốn dị ứng với những gì mà tôi cho là sến súa, tôi chỉ hay đọc cho cha mẹ nghe những lá thư mà anh chị tôi gửi về từ Hà Nội, những lá thư lúc nào cũng kết thúc bằng dòng chữ bất di bất dịch “Cuối thư không có gì hơn con xin kính chúc cha mẹ mạnh khỏe, cầu cho gia đình mình được bình an, đừng lo cho con, con ở đây mọi thứ vẫn thường.” Lên cấp hai tôi bất quá cũng chỉ viết lèo tèo mấy lá thư quốc tế UPU gửi các chú bộ đội chắc tay súng canh giữ ngoài biên cương hải đảo, gửi những bạn Cu-ba bạn Miến Điện bạn Lào, những người tôi hoặc tưởng tượng ra hoặc chẳng hề biết đấy là đâu. Phải đến khi lên đại học tôi mới hay viết thư. Tôi chuyển từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, buổi trưa khi mọi người ngủ thì tôi vào hoạ thất, hí hoáy kể cho bạn nghe chuyện số nhà bên Bình Thạnh, chuyện quả chò nâu rơi dọc đường Điện Biên Phủ, chuyện cây đinh cắm trên hồ Con Rùa, chuyện con đường nước ngập tới gối khi trời mưa, chuyện những cây cầu sắt bắc qua sông, chuyện nhà ga xe lửa có đầu tàu gỉ sét. Bạn tôi cũng viết thư trả lời, kể chuyện đi chơi, chuyện họp lớp, bạn tôi viết “tau thấy cái trò thư từ ni thiệt là cũ kĩ lạc hậu” xong lại viết “mi đừng lo, tụi tau ai cũng nhớ mi, cái mặt mi câng câng.” Mỗi tuần tôi gửi một lá thư, nhận một lá thư. Có tuần tôi gửi hai ba lá thư, rồi nhận hai ba lá thư. Dần dà tôi có cả một chồng thư. Chồng thư ấy tôi vẫn để trên kệ sách. Sau này bạn bè li tán, tôi không viết nữa, cũng không chờ thư nữa. Nói cho đúng ra, tôi không còn nghĩ đến thư từ gì nữa. Cho đến khi tôi đi châu Âu, nơi mà trước cửa mỗi nhà đều có một hòm thư.
Read more