Chị đưa anh cuốn sách với lời đề tặng “Tặng thằng em lang thang.” Anh hỏi “Cái gì mà lang thang?” Chị không trả lời, nhưng cuốn sách tiếp theo chị cũng viết y nguyên lời đề tặng ấy. Chỉ khác là lần này chị gặp anh ở một thành phố khác cách đó chừng mười nghìn cây số, khoảng mười lăm giờ bay. Anh nói “Thôi toàn viết truyện sến, không đọc đâu.” Chị thủng thẳng “Đọc hay không là chuyện của mày.”
Cái thành phố nơi anh ở cũng có nhiều người lang thang. Mỗi buổi sáng khi đi làm, anh vẫn vẫy tay chào ông già râu ria xồm xoàm ngồi trước thềm nhà hát lớn. Ông già có bộ mặt đỏ gay vì hay uống rượu, cứ cào mấy ngón tay đen đúa vào mớ tóc bù xù cáu bẩn, thỉnh thoảng quát to một tiếng để dọa cho mấy con chim bồ câu đang kiếm ăn gần đó giật mình bay mất, rồi lại trở mu bàn tay quệt nước dãi chảy bên khóe miệng và cười hềnh hệch. Mùa đông lạnh, tuyết bay đầy trời, bồ câu không đến nữa, ông quấn quanh mình tấm chăn rách nát mà nằm ngủ, tuyết phủ đầy mặt cũng không hay biết. Anh đi ngang qua mấy lần định đưa tay vẫy, nhưng thấy ông ngủ rồi nên lại thôi.
Trong một tờ tạp chí ngày xưa anh vẫn đọc, người ta có giải thích câu Lang bạt kì hồ. Người ta bảo dân gian đã liên hệ “lang” với “lang thang,” “bạt” với “phiêu bạt,” rồi “hồ” với “giang hồ,” mà tạo ra cái nghĩa “sống lang thang rày đây mai đó,” chứ lang bạt kì hồ vốn dĩ không có nghĩa ấy. Người ta bảo lang bạt kì hồ, tái chí kì vĩ nguyên thủy là mấy câu trong Kinh Thi, tả một con sói giẫm lên cái yếm của nó rồi vấp phải cái đuôi, cứ lúng ta lúng túng không biết làm sao. Lúc ấy anh đã nghĩ, thật ra nếu vì lúng ta lúng túng không biết làm sao mà cứ phải sống rày đây mai đó thì cũng hợp lí thôi. Kiểu như mùa đông sắp hết thì nên làm gì, mùa xuân đã đến thì đi đâu nữa. Như một người lưu lạc tha phương uống rượu một mình, không biết rót về đâu cho phải: Dư trường trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan / Dư trường trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương – “Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn / Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan.” Anh nghĩ, con chó sói giẫm lên cái yếm rồi vấp phải cái đuôi của nó, hay con chim én trời rét bay về phương nam, trời ấm lại bay về phương bắc, chung quy lại thì cũng vậy thôi, có gì đâu mà phải bàn nhiều.