Trong những cuốn sách hồi nhỏ tôi đọc có Hoa ngã Bảy, tác giả là Lưu Nghi. Cuốn này thật ra không xuất sắc gì mấy, nhưng vì nhà không có bao nhiêu sách, cứ phải đọc đi đọc lại hoài mấy quyển cũ mèm, nên tôi nhớ. Trong sách có một cô bé tên là Hoàng, tức là Hoa ngã Bảy, có Phương Nga, bà Hai Liệt, Hùng Đen, Phước Bọ Ngựa, bà Sáu Trầu hay hát mấy bài Lý con cua, Lý con cúm núm “Anh đi đánh rẫy trên bưng, thấy con cúm núm trong lùm bay ra,” lại có một cậu bé gầy gò yếu ớt hay nở nụ cười hiền lành, tên là Hòa. Hòa là nhân vật phụ, không xuất hiện được bao nhiêu, nhưng cứ nhắc tới Hoa ngã Bảy là tôi lại nghĩ ngay đến Hòa, vì một ngày Hòa để lại quyển vở trong viết mấy dòng chữ “Con đi xa, xin lỗi mẹ” rồi bỏ đi mất biệt. Khi Hòa bỏ đi, bà mẹ Hòa đổ bệnh, cứ hỏi đi hỏi lại “Tại sao nó lại bỏ đi, hở Hoàng, hở Phước?” Bệnh ngày càng nặng, đến khi bà mất, vuông khăn trắng phủ lên mặt, bà Sáu Trầu chạy ra cửa gọi “Hòa ơi, mày ở đâu? Mẹ mày chết rồi này, không thấy mặt con!” Mãi cho đến kết thúc truyện vẫn không ai biết tông tích của Hòa – khi điểm lại từng nhân vật, tác giả viết “còn Hòa, cánh chim lạc bầy, vẫn bay xa không biết đến phương trời nào.” Hồi nhỏ mỗi khi đọc đến những đoạn này tôi lại thấy bần thần – trong trí óc non nớt của tôi lúc đó, việc một người bỏ đi không còn bao giờ gặp lại có lẽ là một việc vô cùng buồn tủi. Trong trí óc non nớt của tôi lúc đó thỉnh thoảng vẫn vang lên câu hỏi như nhân vật Hoàng trong truyện vậy: Tại sao Hòa bỏ đi?
Hồi đó tôi cũng đọc Sử ký, trong có thiên Thích khách liệt truyện kể những chuyện hành thích “sau đó một trăm sáu mươi bảy năm thì nước Ngô xảy ra việc của Chuyên Chư,” “sau đó hơn bảy mươi năm ở Tấn xảy ra việc của Dự Nhượng,” “sau đó hơn bốn mươi năm ở đất Chỉ có việc của Nhiếp Chính,” rồi “sau đó hơn hai trăm hai mươi năm ở nước Tần có việc của Kinh Kha.” Tôi đọc truyện Kinh Kha người nước Vệ, nhận lời phó thác của thái tử Đan, giắt chủy thủ vào người, vào đất Tần tìm cách giết vua Tần, khi đến bến sông thì ngâm hai câu “Gió hiu hiu chừ sông Dịch lạnh ghê / Tráng sĩ một đi chừ không bao giờ về,” và cũng như nhiều người khác, chỉ đơn giản xem đây là một điển tích anh hùng. Khi Nguyễn Bính viết “Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự / Giày cỏ gươm cùn ta đi đây,” nghĩ đến Kinh Kha tôi cũng nghĩ chỉ nghĩ đến sự hào hùng ấy. Phải đến mãi sau này tình cờ đọc Độc hành ca của Trúc Khanh, trong có hai câu “Ôi Kinh Kha! Hỡi Kinh Kha! / Ngươi đi có trở lại nhà không ngươi?” tôi mới giật mình và bắt đầu thấm thía nỗi buồn trong câu chuyện Kinh Kha, nỗi buồn của người ở lại và người ra đi chẳng biết khi nào trở về.
Mấy năm nay tôi đã trải qua, và chứng kiến, ít nhiều chuyện chia ly. Có chuyện buồn một chốc, có chuyện thầm lặng mà âm ỉ, có chuyện dằn vặt và đau đớn, có chuyện lại nhẹ nhàng như cơn gió thổi qua rặng cây sau nhà. Nhưng sau tất cả những chuyện ấy, tôi vẫn thường tự hỏi “Bao giờ thì gặp lại nhau? Liệu có còn gặp lại nhau không?” Cũng đã có lần tôi viết, có những con người ta chỉ gặp một lần trong đời, rồi thôi. Mà có gặp lại nhau thì có lẽ cũng đã bao nhiêu ngày tháng trôi qua rồi. Bao nhiêu ngày tháng ấy là bấy nhiêu thay đổi. Viên sỏi không còn ngẩn ngơ nằm trên hè phố. Người ta sơn lại băng ghế gỗ trong công viên. Cô chủ quán cà phê đã mất, hình như là bệnh ung thư, giờ thay thế là anh con trai, anh con trai ế vợ hay cởi trần giơ bụng phệ. Rồi ô cửa sổ không còn mở nhìn sang nóc chuông nhà thờ. Rồi giàn hoa giấy đầm đìa nước mưa. Rồi bức tượng đồng hoen rỉ sau hàng rào xanh được dời đi nơi khác. Không còn nghe chung một bài hát cũ, xem chung một bộ phim, đọc chung một cuốn sách, gặp lại nhau chắc đâu có gì nhiều để nói nữa đâu.
Nhưng rồi tôi lại nghĩ, có thật thế không? Có thật là chẳng còn gì để nói với nhau không? Hình như trong đạo Phật người ta nói, kiếp trước năm trăm lần ngoái đầu nhìn lại mới đổi được kiếp này một lần gặp gỡ thoáng qua. A, dù sao đi nữa cũng đã từng cùng đi trên một vỉa hè, từng cùng ngồi trong một quán cà phê, cùng nhìn bầu trời xanh qua ô cửa sổ, lẽ nào không nhớ? Câu hát có hai người tìm nhau, bài thơ về cô gái nghèo ở bến tàu, về bầy ong trong đêm sâu, lẽ nào không nhớ? Tôi không tin Hòa – cánh chim lạc bầy – không có lúc nào nhớ mẹ, không tin Kinh Kha đã qua sông là không còn muốn trở lại nhà. Tôi đọc Bà lão Izergil “Tôi có cái may mắn như vậy đấy: không bao giờ gặp lại những người tôi đã từng yêu – chẳng khác gì gặp lại những người đã chết.” Nhưng nghĩ về cái chết, tôi lại nhớ ra rằng cuộc đời này vốn dĩ đã ngắn ngủi quá rồi, sẽ đến lúc không ai còn trẻ nữa không ai còn vui nữa, nên hay là thôi, khi thấy buồn thì cứ đến chơi, khi mọi thứ còn có thể.
“Anh vẫn ở đây,” tôi vẫn hay nói thế. “A lô?” “Ừ?” “Anh dạo này thế nào?” “Anh vẫn ở đây.” Ừ, tôi vẫn ở đây. Nói như một cô ca sĩ một lần tôi đọc được đâu đó: Tôi vẫn ở đây, ở một nơi nào đó trên trái đất này, bình an và khoẻ mạnh. Đó gần như là một lời hứa vậy. Cho dù thật ra đã là lời hứa thì không phải ai, không phải lúc nào cũng giữ được đâu.