Vậy là Trần Vàng Sao đã mất.
Năm 2011, khi viết cuốn sách đầu tiên, tôi gọi điện cho Trần Vàng Sao để xin phép trích dẫn mấy câu trong Bài thơ của một người yêu nước mình. Tôi không còn nhớ mình tìm được số điện thoại bàn của ông từ đâu hay đã xin phép thế nào, chỉ nhớ tôi mới rụt rè nói được vài tiếng thì ông đã vội vã ngắt lời bằng một giọng rặt Huế “Không, không phải xin phép chi chi cả! Một bài thơ đã viết ra giấy thì không còn là của tác giả nữa, mà là của người đọc, của quần chúng rồi. Nhà thơ không còn cái quyền chi hết. Có chi mô mà xin phép, em cứ lấy mà dùng đi!” Thế là tôi vừa ngạc nhiên vừa sung sướng cảm ơn và chọn hai câu thơ trong Bài thơ của một người yêu nước mình:
“tôi yêu đất nước này lầm than
mẹ đốn củi trên rừng và cha làm cá ngoài biển”
Rồi tôi tự nhủ khi nào có dịp sẽ ra Huế thăm ông.
Năm 2012, một buổi tối tôi ngồi ké trong một quán ăn bên vệ đường Nguyễn Trung Trực với nhà thơ Đỗ Trung Quân và một số người khác. Câu chuyện thế nào lại nhắc đến Trần Vàng Sao và quãng đời của ông ở Huế từ những năm 1970 trở về sau này, khi ông bị kết tội “làm thơ chống chế độ, chống Đảng, nói xấu lãnh tụ, phản động có tổ chức,” bị bắt, bị tra hỏi và giam lỏng. Đỗ Trung Quân kể có lần anh ra Huế, mời Trần Vàng Sao ra một quán cà phê anh em gặp mặt. Đợi một lúc lâu thì Trần Vàng Sao đạp chiếc xe tả tơi đến, run lẩy bẩy, gầy teo, tóc muối tiêu bù xù rũ rượi, mặt mũi bơ phờ. Khi Trần Vàng Sao về, Đỗ Trung Quân lộn túi trái túi phải, móc được mấy chục ngàn, dúi hết vào túi ông. Ông mừng ra mặt, chắp tay bái “Nam mô Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn” rồi vội vội vàng vàng trèo lên xe đạp ra chợ, dáng người xiêu vẹo còng lưng trên cầu tưởng chừng chỉ cần gió sông thổi mạnh một chút là bay mất. Tôi nhớ khi kể đến đây, Đỗ Trung Quân im lặng một lát rồi thốt lên “Chúng nó đày đọa một con người đến như vậy!”
Lúc đó tôi tự nhủ, khi nào có dịp sẽ ra Huế thăm ông.
Cùng năm đó, nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành trường ca Gọi tìm xác đồng đội của Trần Vàng Sao. Tập thơ chỉ có đâu chừng ba mươi trang, một nửa đánh máy, một nửa viết tay, trong có những đoạn đọc mà lạnh ngắt:
“Phú ơi
thằng Phác về rồi
nó có cho mẹ tiền
nó nói con không chết
mười năm mẹ chờ con không thấy
con chết chôn ở đâu
có còn đủ chân tay không con
buổi chiều ở Vỹ Dạ không có một tiếng chim
mẹ bắc ghế ra ngoài sân chờ con đi đánh căn về kêu đói bụng đòi ăn cơm
mùi rơm thơm quá
thôi mẹ vào nhà thắp hương cho ba cầu cho con chết toàn thây”
“một cô gái tuổi khoảng 18 – 19
nằm chết trần truồng vắt trên bờ ruộng
hai núm vú bị cắt chưa đứt hẳn
phía dưới bụng là máu me
và một lưỡi lê cắm đứng
lúc kéo xác đi chôn hai trái lựu đạn cài sẵn dưới lưng nổ xé tan cô gái
chỉ có cái kẹp tóc hình con bướm màu lục còn nguyên
và một mảnh giấy giắt nơi kẹp có ghi:
tối tới nhà cho mạ nhờ một chút
đừng giận chuyện nớ nữa
không ai biết cô gái ở đâu tên gì con ai
chắc là du kích Công Lương”
Rồi tôi đọc Văn bia. Rồi tôi đọc Nhân dân và tôi. Rồi tôi đọc Tau chưởi, Bây giờ tôi trông mỗi ngày có gạo ăn, Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình. Những bài thơ đau đớn ấy, tôi đăng hết lên trang thơ của mình. Xong tôi lại tự nhủ, khi nào có dịp sẽ ra Huế thăm ông.
Nhưng bẵng đi một thời gian tôi không còn nhớ đến Trần Vàng Sao nữa. Tôi có những việc riêng của tôi, dự án của tôi, bạn bè của tôi, niềm vui của tôi niềm hạnh phúc của tôi. Tôi quên bẵng đi lời tự hứa sẽ gặp ông, cũng không nghĩ gì đến Bài thơ của một người yêu nước mình.
Thì hôm nay, ông mất.
Vậy là Trần Vàng Sao đã mất. Con người đã dạy tôi biết yêu đất nước này áo rách, yêu cây cỏ trong vườn, yêu căn nhà dột phên, yêu cha yêu mẹ, nay đã mất. Con người đã dạy tôi biết xót thương những người chết “nằm sấp cách đường xe lửa năm mét / mặt bị đánh giập không có mắt mũi chân tay,” “uống thuốc tự tử ở trong bếp / bên cạnh có mấy củ khoai cả hà còn nóng để trong cái rá không có vành / trong giấy để lại có viết / cực quá sống không nổi” nay đã mất. Con người đã dạy tôi biết căm thù bọn “sâu độc thiểm phước, thủ đoạn gian manh, lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét, lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm,” nay đã mất. Khi ông mất đi, trên mảnh đất này lòng người vẫn còn chật, bên này vẫn gọi bên kia là người miền Bắc, bên kia vẫn gọi bên này là người miền Nam. Bọn giết người không gươm không dao vẫn còn đó, những người chết đường chết chợ vẫn còn đó. Đã bao nhiêu năm tháng rồi, mà vẫn chẳng có gì thay đổi.
Trần Vàng Sao đã mất. Làm như đất nước này đã quá thừa thãi chuyện vui. Làm như cuộc đời tôi chưa đủ chuyện buồn.
Trần Vàng Sao đã mất. Tôi bàng hoàng nhận ra mình rốt cuộc cũng chỉ là một kẻ vô ơn.
Em vừa đọc trọn Gọi tìn xác đồng đội. Đau quá anh!