Vậy là Trần Vàng Sao đã mất.
Năm 2011, khi viết cuốn sách đầu tiên, tôi gọi điện cho Trần Vàng Sao để xin phép trích dẫn mấy câu trong Bài thơ của một người yêu nước mình. Tôi không còn nhớ mình tìm được số điện thoại bàn của ông từ đâu hay đã xin phép thế nào, chỉ nhớ tôi mới rụt rè nói được vài tiếng thì ông đã vội vã ngắt lời bằng một giọng rặt Huế “Không, không phải xin phép chi chi cả! Một bài thơ đã viết ra giấy thì không còn là của tác giả nữa, mà là của người đọc, của quần chúng rồi. Nhà thơ không còn cái quyền chi hết. Có chi mô mà xin phép, em cứ lấy mà dùng đi!” Thế là tôi vừa ngạc nhiên vừa sung sướng cảm ơn và chọn hai câu thơ trong Bài thơ của một người yêu nước mình:
“tôi yêu đất nước này lầm than
mẹ đốn củi trên rừng và cha làm cá ngoài biển”
Rồi tôi tự nhủ khi nào có dịp sẽ ra Huế thăm ông.
Năm 2012, một buổi tối tôi ngồi ké trong một quán ăn bên vệ đường Nguyễn Trung Trực với nhà thơ Đỗ Trung Quân và một số người khác. Câu chuyện thế nào lại nhắc đến Trần Vàng Sao và quãng đời của ông ở Huế từ những năm 1970 trở về sau này, khi ông bị kết tội “làm thơ chống chế độ, chống Đảng, nói xấu lãnh tụ, phản động có tổ chức,” bị bắt, bị tra hỏi và giam lỏng. Đỗ Trung Quân kể có lần anh ra Huế, mời Trần Vàng Sao ra một quán cà phê anh em gặp mặt. Đợi một lúc lâu thì Trần Vàng Sao đạp chiếc xe tả tơi đến, run lẩy bẩy, gầy teo, tóc muối tiêu bù xù rũ rượi, mặt mũi bơ phờ. Khi Trần Vàng Sao về, Đỗ Trung Quân lộn túi trái túi phải, móc được mấy chục ngàn, dúi hết vào túi ông. Ông mừng ra mặt, chắp tay bái “Nam mô Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn” rồi vội vội vàng vàng trèo lên xe đạp ra chợ, dáng người xiêu vẹo còng lưng trên cầu tưởng chừng chỉ cần gió sông thổi mạnh một chút là bay mất. Tôi nhớ khi kể đến đây, Đỗ Trung Quân im lặng một lát rồi thốt lên “Chúng nó đày đọa một con người đến như vậy!”
Lúc đó tôi tự nhủ, khi nào có dịp sẽ ra Huế thăm ông.