Hôm nay tôi lại đọc về nạn đói.
Nếu em quên, thì gần bảy mươi năm về trước ở miền Bắc nước ta xảy ra một nạn đói, mà sau này sử sách gọi là nạn đói năm Ất Dậu. Có nhiều lí do xảy ra nạn đói này – người ta nói là do Nhật, do Pháp, do Cộng sản và mọi thứ. Nhưng ở đây tôi không định bàn về lí do. Nếu em quên, trên khắp các vùng quê, đâu đâu cũng có những người kéo xe, mót củi, đánh dậm, cấy rẽ, mò cua, lê la vật vờ như những bóng ma trên cánh đồng mọc đầy cỏ dại, trong gió rét căm căm, chân tay co quắp, mót được chút gì cũng vội vội vàng vàng cho vào mồm nhai. Rau rìu, rau má, cây ngô, châu chấu, cào cào, chuột chết, vỏ ốc thối, lá chuối khô. Người chết đầy các ngõ, không ai kịp chôn, mà cũng không ai còn đủ sức để chôn. Gần bảy mươi năm về trước, trong trên dưới nửa năm, dân ta chết khoảng hai triệu người. Nếu em quên, thì gần bảy mươi năm về trước, dân số miền Bắc nước ta vào khoảng sáu triệu rưỡi người. Hai triệu rưỡi người chết đói, và tôi không định bàn về lí do.
Nếu em quên, thì chuyện kể rằng: Một người đàn bà xin được chút gì đó để ăn, bà ta kéo đầu con để chia cho nó. Gọi hồi lâu người mẹ ấy mới biết con mình đã chết tự khi nào. Trong góc chợ lại có một người đàn bà nhe răng, trợn mắt nằm co quắp chết bên hai đứa trẻ.
Chuyện kể rằng: Tháng ba năm Ất Dậu, biết tin có thuyền thóc của Hàn Thùy chở về qua sông Trà Lý, năm, sáu ông là Xiêm, Trật, Đót, Hỷ, Uẩn, Phiên bày mưu cướp thóc. Ông Đót bị bắt trói vào cột ven đường. Tên lính Nhật vung kiếm chẻ vai ông, máu nhuộm đỏ chiếc áo bông rách nát.
Chuyện kể rằng: Ngay đầu chợ, một người đàn bà có vẻ giàu có đi ngang qua, không hiểu bà ta kinh tởm hay ốm đau thế nào mà ôm bụng gập người nôn thốc nôn tháo. Hai ba đứa trẻ vội lao vào tranh nhau bốc bãi nôn, hối hả nhét vào mồm.
Chuyện kể rằng: Làng bên còn có người ăn cả đất. Lại có người ngày nào cũng chạy theo mấy con ngựa của Nhật, Tây để hốt phân của nó về đãi lấy hạt ngô chưa bị tiêu hóa để ăn.
Chuyện kể rằng: Một cụ già tuy đã đói khổ nhiều ngày nhưng nhìn rất quắc thước, đạo mạo, ngồi trên cống Phố Hàn giống mọi người. Nhưng điều rất đặc biệt là cụ không xin ai một câu nào. Ai cho thì nhận. Ánh mắt cụ rất buồn, long lanh chứ không vàng nhợt vô hồn. Cụ ngồi đó mấy ngày rồi không ai thấy nữa.
Tôi có thể chép thêm ra đây hàng chục, hàng trăm câu chuyện như thế, về những người chết đói, trong đó có ông bà tôi, ông bà của bạn tôi, có thể là cả ông bà của em và của bạn em nữa – người ta đi khắp chợ cùng quê, nghiên cứu chuyện này chuyện kia, hỏi thăm người này người nọ, xong rồi viết thành sách bán. Sách khổ lớn, dày bảy trăm trang, giá bìa là một trăm bảy mươi nghìn đồng. Nhưng thôi, chép mà làm gì. Người đói, có gì lạ đâu, vì đất nước ta chưa bao giờ no đủ. Cha ông ta ca ngợi về thời kì Thái Tông, Thái Tổ yên bình thịnh trị, bất quá cũng chỉ là “thóc lúa đầy đồng.” Cái hạnh phúc tầm thường tội nghiệp, mà bao nhiêu năm tháng đã qua rồi vẫn chưa trọn vẹn. Thóc lúa đầy đồng thì sao? Thì cơm độn ít khoai hơn, và có lẽ ngày Tết có thêm một ít sản phẩm cũng của nền văn minh lúa nước là bánh chưng bánh giầy. Thóc lúa đầy đồng thì sao? Bao nhiêu năm nay, mỗi lần được mùa, tôi lại thấy trên ti vi người ta nói “gạo lại rớt giá” và có một bác da dẻ khô đét, mặt mày nhăn nheo, cử chỉ thô kệch, giọng nói quê mùa, ấp úng trả lời phóng viên rằng “Bà con nông dân khổ quá.” Thóc lúa đầy đồng thì đã sao? Nói chuyện với bạn bè, tôi chưa bao giờ tự hào về chuyện nước ta xuất khẩu gạo nhiều nhất nhì thế giới. Vì rằng, xuất khẩu gạo nhiều nhất nhì thế giới là chúng ta, mà đói nghèo nhất nhì thế giới cũng là chúng ta.
Tôi đọc ca dao, đến câu
Mọi nơi đi gặt lúa mùa
La Sơn đi vớt rau dừa về ăn
thì nghe lòng buồn thiu. Em có biết La Sơn ở đâu không? Tôi thấy bảo là ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Nhưng rồi Hà Nam ở đâu? Tôi chịu. Tôi chưa đến Hà Nam bao giờ. Nhưng mà cái cảnh đồng bào tôi đi vớt rau dừa ăn, sao mà buồn thế. Bảy mươi năm về trước, dân số nước ta là mười triệu người. Bảy mươi năm sau, nước ta có chín mươi triệu người. Hôm trước có cuộc diễu hành chào mừng sự kiện nước ta có chín mươi triệu người. Một em bé sinh ra, cha mẹ vui mừng khôn xiết, đất nước ta có chín mươi triệu người. Nhưng trong số chín mươi triệu người ấy, có bao nhiêu người vẫn còn phải đi vớt rau dừa ở La Sơn? Bao nhiêu người phải đi bán hàng rong, bị còng tay, bị đánh đập, bị sỉ nhục bởi chính đồng bào mình? Bao nhiêu em bé khác phải đi bắt bò cạp bán, nuôi nhau bữa no bữa đói? Không ai biết cả. Em có thấy lạ không: Chuyện xảy ra hằng ngày trước mặt chúng ta, trên ti vi, báo chí, ai cũng thấy, nhưng không ai biết. Tôi không biết, em không biết, ta mở mắt rất to, ta thấy, và ta không biết.
Ngày xưa tôi cực đoan đến mức căm ghét những người được ăn ngon mặc đẹp. Một phần vì nhà tôi lúc ấy rất nghèo. Và một phần vì xung quanh tôi còn bao nhiêu người nghèo. Mỗi đêm tôi thức đến hai ba giờ sáng, cặm cụi viết. Tôi trích dẫn Balzac: Đằng sau mỗi tài sản là một tội ác. Tôi trích dẫn Hugo: Một số tiền nhỏ thôi mà! Trong khi ấy thì bao nhiêu người chết đói. Tôi trích dẫn Phùng Quán:
Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn?
Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?
Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một tấc vuông nhà ở?
Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa?
Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?
Nhưng rồi tôi lớn lên, và tôi nghĩ rằng ai cũng có quyền được giàu có và sung sướng. Điều đó đúng. Em và bạn bè em có quyền được giàu có và sung sướng. Điều đó là rất đúng. Không thì những người như bạn bè tôi, anh chị tôi, những người mà tôi yêu quý và kính trọng, họ đang đấu tranh từng ngày vì cái gì? Chỉ có điều, mỗi khi em được ăn một bữa ăn ngon trong một nhà hàng sang trọng, hay khi mua được một chiếc áo em vẫn ao ước từ lâu, cho dù ở đây hay bất cứ nơi nào, mong rằng em đừng quên: Bảy mươi năm trước, hay cả nghìn năm về trước, cho đến tận bây giờ, đất nước mình vẫn còn đói khổ.
Thanks anh, ngoài thấy hứng thú vì lối viết của anh thì e nhận ra anh rất sâu sắc, theo lối rất riêng, hi vọng có dịp gặp nhau để nói chuyện nhiều hơn với anh