Cuộc chiến tranh ấy đã kết thúc ba mươi tám năm rồi. Từ cái ngày lão xe ôm anh vô tình gặp ở ga Sài Gòn được lệnh buông súng đầu hàng, cứ đi giữa đường mà khóc, đến nay đã ba mươi tám năm. Hơn ba mươi tám năm. Bên này và bên kia đại dương, đã bao nhiêu lớp người sinh ra và lớn lên, trong đó có anh và em, có những người bạn của anh hằng ngày vẫn ngồi cà phê góc đường Lê Anh Xuân, có những người bạn của em hằng năm tổ chức những chuyến đi dọc theo chiều dài đất nước, và những người khác nữa thuộc thế hệ mà người ta gọi bằng cái tên sang trọng là thất lạc. Đã nhiều năm nay – đúng hơn là vài năm nay, nhưng biết làm sao, cuộc đời vốn dĩ là ngắn ngủi – anh muốn viết một điều gì đó. Một chút gì đó về bom đạn. Về nước mắt. Về máu xương. Về chết chóc và hận thù. Nhưng anh lần lữa mãi. Vì suy cho cùng, anh có là gì đâu. Anh có biết gì đâu, ngoài những chuyện kể của bên này và bên kia, theo đó cái chết của hàng vạn con người chỉ là những con số khô khan trong bài lịch sử – hai ngàn ngụy quân bị tiêu diệt, quân ta bắn cháy mười sáu xe tăng – và những lúc vô tình đi lạc vào một trang web có logo là một lá cờ ba sọc bay bay, phía dưới là những lời lẽ hằn học chửi bới cộng quân, cộng sản. Nên hết lần này đến lần khác, anh lại hẹn anh. Ồ, ngày mai. Ngày mai sẽ khác, ngày mai anh sẽ giỏi hơn, anh sẽ sáng suốt hơn, và anh sẽ viết. Ngày mai thôi. Chỉ ngày mai thôi.
Nhưng em ơi, hóa ra ngày mai chẳng có gì khác hơn hôm nay. Chẳng có gì đảm bảo được rằng ngày mai anh và em sẽ hiểu biết nhiều hơn hôm nay. Ngày mai chỉ làm cho ngày hôm qua lùi xa hơn, rồi đến một lúc nào đó chẳng còn ai nhớ gì đó nữa. Những nắm xương vùi trong lòng đất, mỗi ngày trôi qua lại vùi sâu hơn. Những thế hệ sinh ra và lớn lên bên này và bên kia đại dương, mỗi ngày trôi qua lại cách xa hơn với nguồn cội của mình, với những người đã nằm xuống dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Rồi ngày mai của ngày mai nữa, còn đọng lại chắc chỉ là sự dửng dưng, giống như chưa có gì xảy ra trên mảnh đất này. Giống như trên mảnh đất này chưa từng có hàng triệu người chết, chưa từng có hàng nghìn máy bay và thiết giáp, chưa từng có hàng triệu tấn bom đạn xuất xứ từ Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ và từ những đâu đâu khác nữa. Giống như chưa từng có những người mẹ mong chờ dáng con trên tháng năm mòn mỏi. Giống như chưa từng có những người trẻ như anh, như em, cứ trông đất nước mình thống nhất. Giống như chưa từng có những người phải lênh đênh trên biển khơi, lạc loài xa xứ, hằng đêm nghe tiếng gió thoảng qua mà tưởng mùi hương nơi vườn cũ còn bay theo mình. Để đến hôm nay, tất cả những gì em quan tâm là mỗi năm vào một ngày cuối tháng tư rực nắng, em lại có thêm một ngày nghỉ để đáp máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, từ Sài Gòn ra Huế, từ Huế ra Quảng Trị, chân em giẫm lên lớp cỏ thành xanh non, không biết rằng nơi đây từng có một mùa hè đỏ lửa, đò em xuôi trên dòng Thạch Hãn, không hay dưới từng lớp sóng là những anh linh đang yên nằm.
Đất nước mình buồn lắm. Có thể em mỗi ngày lại chọn được cho mình một bông hoa, một nụ cười, nhưng cuốn sách sử bốn nghìn năm anh lật mãi không tìm được trang nào vui. Trên đường anh đi anh không thấy gì vui. Có đất nước nào buồn hơn thế? Từng gốc cây, từng mảnh vườn, từng cánh đồng, từng con phố, từng ngã ba đường, nơi đâu cũng từng có dây thép gai, có boong-ke chiến lược, có những người anh em của một ngày xưa thân ái rút súng bắn vào nhau mà không một nhíu mày. Đến nay chiến tranh qua đã ba mươi tám năm rồi, nhưng anh và em vẫn người Nam kẻ Bắc, còn miệt thị nhau từ giọng nói dáng đi cho đến lề ăn lối ở, còn mạt sát nhau khi nghe một ca sĩ từ nước ngoài ngày trở về hát một bài ca Hà Nội. Những từ “hòa giải,” “hòa hợp” nghe thật hay, ông chủ tịch nước diễn thuyết nhìn thật ngộ, người ta vỗ tay và ca tụng, nhưng nơi người đi qua tượng đài đục bỏ, nơi người nằm xuống không có được nén hương. Anh đi sang bên kia sông đi về bên này sông, có những người mẹ của ngụy quân và những người mẹ anh hùng, ngày xưa từng nhường nhau từng manh áo miếng cơm những mùa cơ cực, ngày nay lại dìu dắt nhau mỗi tinh mơ địu mớ rau con cá lần mò ra chợ bán. Những đêm về khuya một mình, anh để máy tính chạy chế độ ngẫu nhiên, chỉ nghe những tiếng thở than về một thành phố mất tên, về một người lặng nghe đá dâng lên quanh mình, và nghe câu hỏi ngơ ngác khắc khoải rằng ôi quê hương, đã lầm than sao còn chiến tranh, để đàn con mãi đi hoang phận này.
Em hỏi anh tại sao em phải biết những chuyện đó ư? Ừ, tại sao? Kiếp người không phải là đã đủ buồn tủi rồi sao? Em không đón kịp chuyến xe, em không mua được vé tàu, một người bạn đi xa, một người yêu đi qua, em đứng lại một mình, cuộc đời em toàn là những chuyện buồn thảm. Có khác gì đâu, có ích gì đâu, chuyện biết hay không biết những việc đã xảy ra từ xa lơ xa lắc, khi em còn chưa ra đời?
Anh trả lời, thì đâu có khác gì đâu. Chỉ là, nếu được chút nào đó, thì đỡ tủi vong linh người đã khuất.
Có một chi tiết tác giả nói không chính xác. Góc đường Lê Anh Xuân(trước là Nguyễn Phi, cho đến 1993) với ngã ba nào? hoặc ngã tư nào? Chỉ có ngã ba Lê Anh Xuân-Lý Tự Trọng, ngã tư Lê Anh Xuân-Lê Thánh Tôn và ngã ba Lê Anh Xuân- Phạm Hồng Thái. Vậy ngã ba nào?
^^ Dong cam.
buồn quá. chiến tranh xấu xí và cho dù đứng từ phía nào cũng không tìm nổi ra một cái cớ.