Cái âm hộ ấy mà, thưa bạn thân mến

Bạn thân mến,

Vốn định tập trung tài lực và trí lực cho cuộc bán thân nơi xứ tư bản độc tài, nhưng – như thầy Tử Lộ chuyên ngành đội gạo có nói – mộc dục tịnh nhi phong bất đình, tức cây muốn lặng mà gió chẳng chịu dừng cho, mấy bữa nay tôi liên tiếp nhận được – cả chủ động và thụ động – những tin tức vô cùng ngứa ngáy từ quê nhà vượt đại dương bay đến. Đầu tiên là chuyện người ta khuân cục đá trang trí đường diềm vào đền thờ các vua Hùng, mà như chúng ta đều biết, các vua Hùng ấy đã có công dựng nước, Bác cháu ta ngày nay không giữ nước được thì thôi, thà là khóc lên oe oe oe ba tiếng để các vị trên Giời ngậm ngùi mà thăng đi, chứ sao lại trấn yểm các vị như vậy, thật là con cháu mất dạy. Thế xong rồi lại có chuyện ở Duy Xuyên có bọn thầy quyền nào tung một cái máy xúc vào xúc lấy xúc để trong thánh địa Mỹ Sơn, rồi xây những cầu những hầm những kè bê tông, lấy cớ rằng để tránh lũ, rằng mùa lũ sắp đến rồi, lũ từ miền Nam qua Tây Nguyên lũ đến Sài Gòn; mà cái sự hiển nhiên rằng lũ đâu không thấy soi gương chỉ thấy lũ ngu, thì chúng nó có vẻ như không màng đến.

Hai chuyện ấy, đối với tôi đã là hai cái tát như giời giáng vào hai bên má, má tôi đã hóp nay lại hóp hơn, mặt từ lưỡi cày sang thành lưỡi mác, vẻ đẹp giai từ mười điểm chỉ còn chín bảy lăm, tưởng không còn gì tệ lậu bằng. Nhưng nào có phải đếu. Hình như cái xứ ta nó không ngu nó chịu không được hay sao. Cho nên hôm nay tôi lại đọc được một tin khác, lần này không phải từ bọn thầy quyền – vì bọn ấy ngu đã đành – mà đường đường chính chính từ những nhà tri thức. Ấy thế mới vi diệu. Chuyện rằng bữa nọ bạn thân mến của tôi đi đường đọc đâu trên cột đèn chó đái được lời thánh dạy “người quân tử ba ngày không xem sách thì mặt mũi đáng ghét ngu độn, nói chuyện muốn đạp vào mồm,” bạn thấy lạnh từ xương cùng lạnh lên đến ót, đít nổi nhọt đầu mọc u vì sự đồng cảm, bèn bấm đốt ngón tay thấy rằng ba năm nay không được hột chữ đui nào. Bạn liền hấp tấp tạt vào vệ đường, lục lọi dăm ba quyển sách lậu giấy lởm gáy cùi bắp, giữa những thối hoắc như Lê Hoàng và Lê Thị Liên Hoan (Hoàng với Hoan tuy hai mà một, thực vậy, thêm một nỗi đau đời nữa mà tôi tạm gác sang một bên), vơ được một cuốn nhìn bìa mầu loang lổ khá ưng ý, ghi chữ kiểu đạn bắn cao bồi rằng:

TIM O’BRIEN
NHỮNG THỨ HỌ MANG

Bạn thân mến bèn khuân những thứ họ mang về, và đọc kiểu bói Kiều, tức là nhắm mắt gập sách mở sách mở mắt đọc câu đầu tiên bắt gặp. Xui thay, câu ấy như sau:

Chuột gửi thư đi. Hắn chờ hai tháng. Con mặt lồn ngu đéo bao giờ trả lời.

Thế là bạn thân mến nảy sinh một sự hô hoán. Một trí thức hô theo. Rồi mười trí thức, một trăm trí thức, một ngàn trí thức. Khốn thay cho chúng ta, Việt Nam khoai lang xắt lát thì thiếu chứ trí thức luôn luôn thừa. Các bạn mới tung hê lên báo chí và mọi nhẽ, rằng thật là tục tĩu vậy! Thật là mất bản sắc dân tộc vậy! Thật là đi ngược truyền thống yêu Đội yêu Đoàn vậy! Bạn nhà văn góp lời vào. Bạn nhà thơ góp lời vào. Bạn nhà báo góp lời vào. Bạn nhà chính trị tất cả mọi lề cũng góp lời vào. Ai muốn ra cái điều ta đây biết chữ cũng góp lộn cái lời vào. Láo nháo cả lên, như ruồi giành nhau khẩu phần với giòi bất kể quan hệ huyết thống trong bếp ăn mậu dịch.

Như thế, ấy là cái tát thứ ba, và vì hai cái tát kia đã nhằm vào hai bên má rồi, nên cái này nhắm vào tôi từ dưới lên, sử dụng đường trung tuyến.

Phải nói là thốn, thưa bạn thân mến.

Trong một bài phỏng vấn tôi từng nói mình đại khái là người hoài cổ, sách đọc hay nhạc nghe cũng toàn những thứ cổ cổ. Nhạc trong máy, nếu là nhạc Việt thì tuyền những Tuấn Ngọc Khánh Ly hay Vũ Khanh hay Duy Khánh Nhật Trường, nếu nhạc ngoại, nhẹ thì những Backstreet Boys 911, nặng hơn chút thì Skid Row Firehouse Mötley Crüe Queen các thứ, chứ tuyệt nhiên không có bóng dáng của Justin Bieber hay mụ gì mông bự quên rồi. Sách trên kệ thì toàn sách nay đã thuộc sở hữu công cộng, tức là tác giả đã ngoẻo từ hơn trăm năm trước, như các vị ở Nga, ở Phú Lang Tây, ở Đại Đường chẳng hạn, gần đây chủ yếu lại toàn ca dao tục ngữ. Năm thì mười hoạ tôi mới rớ tới cái gì đó mới mới. Một trong những thứ ấy là cái cuốn Những thứ họ mang này đây. Tôi đọc hồi năm kia, thấy thích, vì bản chất tôi thích mấy cuốn viết về chiến tranh là một, và cuốn này dịch tốt (rất hiếm có) là hai, nên tôi đọc đi đọc lại cũng vài ba lần. Nhưng rồi tôi cũng xếp lại một xó, rồi cũng quên bẵng đi, mãi đến hôm nay mới giựt mình thấy bạn thân mến lôi ra bàn cãi ỏm tỏi. Read more