Yahoo! 360º đã ngỏm

Một bài viết ngắn cho Hoàng Sa

Khi tôi còn nhỏ, chừng bảy hay tám tuổi gì đó, tôi đã nghe cha tôi nói chuyện Hoàng Sa. Lúc đó tôi chẳng hiểu gì, tôi hỏi “Cha có yêu Bác Hồ không,” tôi đi đại hội toàn huyện, đọc “Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh – Liên đội tiểu học Đại Thạnh.” Lớn lên, xuống thành phố, tôi đạp xe đi học, ngang qua trụ sở ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa suốt ngày cửa đóng im ỉm, tôi vẫn không để tâm cho lắm. Sách vở tôi học đâu có nhắc gì đến Hoàng Sa. Sách vở tôi học chỉ nói chuyện sản lượng than ở Quảng Ninh, chuyện Mỹ giàu to nhờ chiến tranh, chuyện nông nô chịu bao tầng áp bức bóc lột, những Robespierre ở Pháp và Cromwell ở Anh, về hòn gạch mùa đông, Phạm Tuân bắn rơi B52, và những trận đánh oai hùng. Tôi có chút hoa tay, vẽ bản đồ Việt Nam được chín điểm, được khen trước lớp, bản đồ tôi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc đó tôi đâu có biết toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 1974. Tôi làm sao biết trong trận đánh ngắn ngủi ấy, đã có bảy mươi tư người lính Việt Nam Cộng hòa bị Trung Cộng giết, và từ đó đến nay thân xác họ đã tan thành nước. Không ai cho tôi biết họ, dù ở bên kia chiến tuyến, cũng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, cũng biết hi sinh, và đã hi sinh. Người ta dạy tôi hát những bài hát về những người mẹ anh hùng, những người vợ anh hùng, mà không cho tôi hay bảy mươi tư người lính ấy cũng có vợ, có mẹ, và mẹ họ, và vợ con họ vẫn đang mòn mỏi chờ đợi họ ở một nơi nào đó. Người ta dạy tôi căm hận bọn ngụy quân ngụy quyền uống máu không tanh, thế là tôi căm hận bọn ngụy quân ngụy quyền uống máu không tanh, mà quên bẵng đi rằng cha tôi, và chú tôi, và bác tôi, những người yêu thương tôi, đều là ngụy quân ngụy quyền tất cả. Người ta dạy tôi ghê tởm từ chữ “ngụy” trở đi, thế là lần đầu tiên đọc được cái tên Ngụy Văn Thà, tôi đã nhăn mặt lại – tôi đâu có biết ông là thiếu tá chỉ huy tàu Nhật Tảo, khi tàu hư hại nặng đã ra lệnh cho thủy thủ rút lui bằng bè, còn mình và một số pháo thủ thì ở lại chiến đấu cho đến khi tàu chìm vào lòng biển. Bạn ạ, cả tuổi thơ tôi trôi qua mà không có một ai dạy tôi phải biết nhớ ơn những người đã chết cho Tổ quốc mình.

Hôm nay việc nhiều. Tôi hơi nhức mắt, chỉ muốn về sớm và ngủ sớm. Tàu đi từ công ty về đến gần nhà chỉ khoảng bốn phút, tôi tạt vào quán bên đường gọi đồ ăn, như mọi ngày. Khi tôi đang ăn thì bạn nhắn tin cho tôi, hỏi “Làm thế nào để ra Hoàng Sa?” Tôi nghĩ bạn đùa. Nhưng hóa ra bạn không đùa, bạn tưởng ta và Trung Quốc đang giành nhau Hoàng Sa thật. Và bạn muốn ra đảo Hoàng Sa, chắc lại để làm một dự án gì đó với những người bạn nước ngoài, những người sống rất xã hội, nói líu lo, thích chụp ảnh về thế giới đang vận động và phát triển.

Tôi nghe nói người Do Thái mất nước, mỗi khi gặp nhau, lúc từ biệt thì nói “L’shana haba’ah b’Yerushalayim!” “Sang năm gặp nhau ở Jerusalem,” người ta hẹn nhau như vậy. Gần đây, tôi đọc đây đó, cũng thấy chúng ta hẹn nhau “Sang năm tới Hoàng Sa.” Nghe cũng hay. Tôi cũng muốn sang năm tới Hoàng Sa. Nhưng làm thế nào để sang năm tới Hoàng Sa? Chúng ta đã làm được gì và đã có gì để tới được Hoàng Sa? Một đất nước nghèo khó, lạc hậu, thua kém về mọi mặt ư? Một đàn sâu mọt ăn của dân không chừa một thứ gì ư? Một lũ vĩ cuồng tự xưng là nhà dân chủ, hay gào thét vô học và đòi chấn hưng đất nước sau vài tháng ư? Chúng ta sẽ mang gì đến Hoàng Sa? Một đám công nhân và bảo vệ mang tiếng đồng bào đang đánh nhau đến chết vì một nắm xôi ư? Một bọn gái điếm không còn liêm sỉ, sẵn sàng cởi đến miếng vải cuối cùng để kiếm tiền ư? Hay một mớ trí thức như bạn và tôi, mang tiếng là công dân toàn cầu, đọc thông viết thạo bao nhiêu ngoại ngữ, mà đến tận bây giờ vẫn không biết rằng Hoàng Sa đã mất? Rồi khi đến được Hoàng Sa, chúng ta biết làm gì để tạ tội với hương hồn những người đã khuất, vì đã bốn mươi năm không một nén nhang nào được thắp lên, không một lời nguyện cầu nào được cất lên, và trên hết, vì những khổ đau người ta đã đem lại cho đất nước này? Tôi sẽ giải thích ra sao với thiếu tá Ngụy Văn Thà về chuyện một thời tôi đã khinh bỉ những người lính như ông, về chuyện tôi hùa theo người khác mà chửi thằng Ngô con đĩ, hay chuyện có một lần, điên tiết vì những thông tin bêu riếu và lăng mạ, tôi đã vào một trang web có cờ ba sọc gửi tin nhắn rằng “Ha ha bọn chó phản quốc im đi đừng sủa nữa”? Ai sẽ tha thứ cho tôi, khi giờ này bao nhiêu tháng năm đã trôi qua, đồng bào tôi đã chết đi trong quên lãng cả rồi?

Bạn ạ, nhận được tin nhắn của bạn, đang ngồi ăn một mình cái xứ sở xa lạ này, tôi đã phải dừng lại, và tôi đã khóc.

Exit mobile version