Chú Luyện ơi, thế là chú bị tó rồi đấy nhỉ?
Anh thương chú biết bao nhiêu. Nhớ tuổi thơ anh với chú, chúng ta suốt ngày bắt gà đá dế ngoài nội, anh còn thò lò mũi xanh và chú còn cởi truồng lòi chim xanh mông xanh. Chú nức tiếng xinh giai ngay từ nhỏ, với lông mi đen và tóc cũng đen, trong khi da trắng răng trắng và cái đờ đến ngay cả lòng trắng mắt chú nó cũng trắng nốt. Anh nhớ ngày ấy đi chơi với chú toàn nghe người ta khen “ối giời con cái nhà ai mà xinh thế, ô kia nó chớp mắt kìa, ô xem nó mút ngón tay kìa, ô nó bĩnh trong quần kìa đẹp thế nhẩy”, còn anh thì mặc cảm xấu xí chỉ biết dùng tay áo quẹt nước mũi ngang mặt, tối về lấy tăm nhang xăm lên cổ tay hai chữ Hận Đời. Lớn lên một chút anh với chú cùng đi học, trong lúc anh bắt chước Thi Sách thắp ngọn đèn dầu tập tọe làm thơ tán gái đến vàng cả mắt thì chú hai tay bốn em cứ dập dìu hết bụi chuối đến bụi môn như Lục Vân Tiên mò Kiều Nguyệt Nga. Thế mà chú nay bị tó rồi sao?
Chú bị tó rồi sao Luyện? Anh bàng hoàng nghe bảo chú chém người xong vượt biên qua đất bạn hòng đào thoát, xong lại nghe tiếng gọi của gia đình mà lò dò men hẻm núi quay về, ngu ngu cái mặt quái nào lại lọt ngay vào rọ. Cái đời xảo trá quá chú nhỉ, thế mà chúng mồm to cứ bô lô rằng gia đình là mái ấm, rằng hãy hồi cư, rằng ta về ta tắm ao ta dù trong dù đục vẫn là cái ao. Anh không biết chú thế nào, chứ nếu là anh thì kiếp sau anh nguyện làm quả trứng vịt lộn, không cần cửa cần nhà chi chi cả mà lại giúp ích cho đời gấp vạn lần hơn.
Chú Luyện thân mến, ở trong ấy chú có đài có ti vi để nghe thời sự gì chăng? Chú có được cập nhật tin tức không? Chắc là không đâu nhỉ, đến ngoài này khối người còn mắt lác tai ù huống gì là chú. Thế cho nên anh kể sơ qua cho chú nắm nhé. Trời lúc này đang vào thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng anh đang nao nức những kỉ niệm nôn nao của buổi tựu trường. Nếu chú có được nhét vào xe bít bùng mà giải đi trên phố, nhớ ném viên sỏi kêu “cộp” đánh lạc hướng các anh rồi len lén nhìn qua cái lỗ thông hơi mà xem cảnh các em bé nô nức cùng bố mẹ lao đến trường như đang hăng hái dự giải Marathon có trò ném lao và bắn dĩa, trong khi các em lớn hơn thì tô son trát phấn, xõa tóc qua một bên vai trái và một bên mắt phải, ngồi ủ rủ như con gà rù trên xí xổm, nhưng lại ngước lên trời chu mõm làm vài cú hình chụp “hốt bôi trường Bưởi, nữ sinh Ngô Quyền”. Chú hãy nhìn cho kĩ gương mặt ngây thơ trong sáng của các em, anh có thể lấy cả đầu và đít ra bảo đảm với chú rằng với cái nền giáo dục cải cách triệt để hiện nay, mỗi năm mỗi đổi thay toàn diện, mỗi năm mỗi sách mới vở mới bài phát biểu cũ lá thư cũ, ngày mai trong đống xuân xanh ấy thế nào cũng có kẻ theo gương chú mà trở thành Song Phớ Giang Hồ Thủ, sẽ được cùng với chú sóng đôi thành như đôi bạn trong kì đại hạn Dê Trắng Bê Vàng.
Chú Luyện, chú thấy những em học sinh nô nức như thế vậy chú có buồn không? Có nhớ những ngày xưa thân ái không? Nếu có thì đừng chú ạ, vì cho dù xa mặt nhưng không cách lòng, bên ngoài này chúng nó không giây phút nào nguôi nghĩ đến chú. Chúng nó lập những hội thề Lũng Nhai, quy tụ các thể loại đến vài ngàn quần hùng để nửa đêm cùng đốt đuốc bàn xem chú có ai cùng song kiếm hợp bích hay không, vì một mình chú khó thể nào có công lực hùng hậu như thế vậy. Thỉnh thoảng chúng nó lại đồng thanh gào to lên “GIẾT! GIẾT!” khí thế hừng hực không thua kém các bô lão trong hội nghị Diên Hồng, các cụ có sống lại cũng ngay lập tức lạnh giò mà rụng tiệt cả râu. Chúng nó lại mời cả thầy Quỷ Cốc Tử vẫn ngụ am Bụi Tre Lồ Ô làng bên về để bàn nhân tướng học cho chú, rằng môi chú mỏng mắt chú lạnh rõ là tướng sát thủ hai mảnh, nay không chém người thì mai cũng làm nghề phóng lưới bắt chó để dân người ta bắt đốt, làm cho anh từ bấy đến nay ra đường buồn mấy thì buồn cứ phải tít mắt lên kẻo người ta hiểu nhầm. Chúng nó lại thuê luật sư Bùi Như Đếch ngồi phán Như Biết Rồi về chuyện hiến pháp, rằng phải thả chú về quê làm lại giấy khai sanh cho chú già đi vài tuổi đặng chích thuốc vào mông chú cho nó danh chánh ngôn thuận. Chúng nó lại miêu tả đến căm đến lốp cái xe cam nhông đưa chú đi vãn cảnh phố phường, rằng cái xe vốn là xe chở gạo được chế biến lại, gắn súng AK lên nóc để đối đầu với tàu sân bay Trung Quốc, nhưng vì chú mà phải chuyển mục đích quân sự, chúng nó bảo tên xe đâu như là Cái Búa hay Cái Sự Hú gì đó, mà vì không phải là chuyên gia khí tài học nên anh không dám phán to. Chúng nó lại viết thiên diễm tình “Đời cô Luyện”, liên khúc “Nàng Luyện lỡ bước”, bài thơ “Luyện ơi còn không” và đặc biệt là trò chơi trực tuyến liên tỉnh “Luyện đào vàng” đang được dùng để tranh cúp Đường Vào Đại Học. Chúng nó lại phỏng vấn họ hàng hang hốc nhà chú, từ ông dượng đến ông cậu, cô chú thím bác, đến hàng xóm của cháu dâu mợ hai của anh cột chèo, đến cả các mụ y tá đã may vết thương cho chú bằng kim may bao, sẵn đà chúng lại phỏng vấn thêm đàn lợn nhà chú và rút ra kết luận rất là một sự am hiểu rằng do xem thiến lợn nhiều mà chú đã có tâm hồn rất lợn, thế còn tất nhiên việc chúng nó cứ chiều chiều tạt lên Nhật Tân làm vài cái lá mơ củ riềng thì chúng nó ém nhẹm tiệt đi vì nhạy cảm.
Chú Luyện, đang là một giai tơ van em giữ nguyên quê mùa bỗng chốc trở thành nhân vật của năm, phủ hết mặt báo mặt chí, biến anh Nghĩa thành cái bóng mờ, Ngọc Trinh thành cái quần xịp, Elly Trần thành chiếc bánh bao, Trung Thu thành đêm mưa trăng lá lúa, chuyện kinh tế lạm phát đảo điên thành lông ngỗng, chuyện biểu tình hải đảo thành cái hắt hơi, tòa tháp đôi sụp đổ chết người thành hai ụ mối, lại đem đến công ăn việc làm cho biết bao người, những người mà nếu không có chú thì giờ này hẳn phải đang ngồi móc cứt mũi búng tường kêu tanh tách, chú có tự hào không? Tự hào không hả Luyện? Anh thì anh tự hào về chú lắm. Đến độ, anh mong cho chú được sống, cho dù là sống đời tù. Vì anh tin ở chú hôm nay, anh tin ở chú tương lai, rằng một lúc nào đó sơn hà xã tắc lâm nguy, Tổ quốc sẽ cần đến chú. Lúc ấy chỉ cần mở cửa tù một tiếng “cạch” là chú sẽ xông ra ngay với tiếng hét rung cầu Tràng Bảng của Trương Phi, chú sẽ cử đôi phớ như Quan Vân Trường múa Thanh Long Đao, chú cưỡi con bò đỏ Xích Thố của Lữ Bố, chú lao ra trận như Hắc Toàn Phong Lý Quỳ lao vào pháp trường cứu Cập Thời Vũ Tống Giang, chú tả đột hữu xung như Triệu Tử mà vận nước là A Đẩu, bên cạnh chú sẽ là anh Nghĩa, anh Quân, chú Mận, anh Tài, các anh các chú lập thành Ngũ Hổ Tướng phò tá phen này.
Với tất cả niềm tin, tình thương và tình nhân ái của con người như thế, anh cầu cho chú mọi bằng an, vững vàng trước khó khăn gian khổ, đừng thấy sóng cả mà ngã bổ chửng. Tình thương của anh theo cơn gió mùa đông bắc bà lo đàn gà toi của nữ sĩ Xuân Quỳnh, bay vào trại giam cùng ánh cầu vồng khuyết ở cùng chú đêm nay.
Ngày ấy tháng đó lăm lọ.
Anh của chú:
Lê Văn Điêu.