Tôi ở đây không hay có thư. Hòm thư của tôi thường rỗng không, bám đầy bụi, lâu lâu mới có một thư thông báo đóng tiền phí radio, thư xin lỗi vì sau nhà có công trình đang xây dựng ồn ào, hay thư ngân hàng đòi đóng bảo hiểm, đòi đăng kí mã số thuế. Thuế nơi này cao chót vót, có đến đâu chừng ba mươi loại, từ loại cơ bản như thuế thu nhập cá nhân cho đến những loại kì quặc như thuế chó, thuế mại dâm, thuế nhà thờ. Phí radio là một loại phí vô lí, ai ai cũng phải đóng, nhà có nghe radio có xem truyền hình hay không cũng mặc. Đồng nghiệp tôi bảo, ngày trước khi loại phí này chưa được phổ cập, nhân viên sở thuế còn trèo tường dòm vào nhà người ta như khỉ đu cột điện vậy, nếu thấy trong nhà có ti-vi cát-sét gì thì lập tức gửi giấy đòi tiền. Tôi bảo đất nước mày sao giống như có truyền thống trèo tường thế, xong đồng nghiệp tôi cười hề hề, nói một câu gì đó bằng tiếng Đức có cả đông tây nam bắc, và eins, zwei, và polizei.
Khi còn nhỏ tôi không thích viết thư – tôi vốn dị ứng với những gì mà tôi cho là sến súa, tôi chỉ hay đọc cho cha mẹ nghe những lá thư mà anh chị tôi gửi về từ Hà Nội, những lá thư lúc nào cũng kết thúc bằng dòng chữ bất di bất dịch “Cuối thư không có gì hơn con xin kính chúc cha mẹ mạnh khỏe, cầu cho gia đình mình được bình an, đừng lo cho con, con ở đây mọi thứ vẫn thường.” Lên cấp hai tôi bất quá cũng chỉ viết lèo tèo mấy lá thư quốc tế UPU gửi các chú bộ đội chắc tay súng canh giữ ngoài biên cương hải đảo, gửi những bạn Cu-ba bạn Miến Điện bạn Lào, những người tôi hoặc tưởng tượng ra hoặc chẳng hề biết đấy là đâu. Phải đến khi lên đại học tôi mới hay viết thư. Tôi chuyển từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, buổi trưa khi mọi người ngủ thì tôi vào hoạ thất, hí hoáy kể cho bạn nghe chuyện số nhà bên Bình Thạnh, chuyện quả chò nâu rơi dọc đường Điện Biên Phủ, chuyện cây đinh cắm trên hồ Con Rùa, chuyện con đường nước ngập tới gối khi trời mưa, chuyện những cây cầu sắt bắc qua sông, chuyện nhà ga xe lửa có đầu tàu gỉ sét. Bạn tôi cũng viết thư trả lời, kể chuyện đi chơi, chuyện họp lớp, bạn tôi viết “tau thấy cái trò thư từ ni thiệt là cũ kĩ lạc hậu” xong lại viết “mi đừng lo, tụi tau ai cũng nhớ mi, cái mặt mi câng câng.” Mỗi tuần tôi gửi một lá thư, nhận một lá thư. Có tuần tôi gửi hai ba lá thư, rồi nhận hai ba lá thư. Dần dà tôi có cả một chồng thư. Chồng thư ấy tôi vẫn để trên kệ sách. Sau này bạn bè li tán, tôi không viết nữa, cũng không chờ thư nữa. Nói cho đúng ra, tôi không còn nghĩ đến thư từ gì nữa. Cho đến khi tôi đi châu Âu, nơi mà trước cửa mỗi nhà đều có một hòm thư.
Hòm thư trống, nhưng mỗi ngày đi làm về tôi vẫn mở. Chủ nhật người ta không đưa thư, tôi cứ mở. Thứ bảy tôi mở đến hai lần – một lần vào buổi trưa, một lần vào buổi tối khi tôi đi uống cà phê đọc sách về, hay từ thư viện về. Đó gần như là một thói quen. Tôi có đến hai chiếc chìa khóa của hai hòm thư khác nhau, một chiếc của phòng tạm khi mới đến, một chiếc sau khi chuyển sang phòng thuê dài ngày. Chùm chìa khóa của tôi vì vậy nặng hơn một chút, có chìa khóa cổng chính, chìa khóa phòng, chìa khóa hòm thư cũ, chìa khóa hòm thư mới, dạo gần đây lại móc lủng lẳng thêm tượng Phật. Tượng Phật nhỏ bằng lóng tay cái, làm bằng nhựa trong suốt, mẹ tôi dúi cho tôi hôm sau Tết tôi lại bay sang đây. Mẹ tôi mấy năm nay hay đi chùa cầu cho tôi đi xa có ông bà phù hộ, xin Trời Phật cho mình sống thêm mấy năm để còn được thấy tôi có vợ có con, có cửa có nhà. Nhà tôi ở Sài Gòn mấy năm nay hay có tiếng đọc kinh đều đều, trước sân nhà có cây mận nở hoa, thỉnh thoảng ngước nhìn lên còn thấy mây bay trắng xóa.
Đợt trước tôi kí hợp đồng thuê nhà, kí làm hai bản, giữ một bản, bỏ một bản vào hòm thư, rồi nhắn tin cho chủ nhà. Nhưng chủ nhà chắc cũng lười như tôi, hoặc cũng hay quên như tôi, hoặc cả hai, nên chẳng bao giờ đến lấy. Thành thử mỗi ngày đi làm về mở hòm thư ra, nhìn thấy tờ hợp đồng, tôi lại tưởng có thư ai, lại hí hửng mừng một chút – mặc dù tôi vẫn biết tôi ở đây một mình, cũng chẳng mấy ai biết địa chỉ để mà gửi thư. Chừng vài tháng, không nỡ mừng hụt hoài, tôi mang tờ hợp đồng thẳng đến văn phòng cho thuê nhà, nhét vào khe cửa. Từ đó hòm thư của tôi lại rỗng không. Có lần chẳng biết làm gì, tôi cứ đứng tần ngần nhìn hòm thư rỗng, làm như cứ đợi đủ lâu thì sẽ có một lá thư nào đó hiện ra đâu đó từ không khí vậy. Một lúc sau, chợt nhận ra rằng không khí không tạo ra thư mà cũng không biết viết thư, tôi mới nhún vai bỏ lên phòng.
Nhân tiện, hình như đã có lần tôi viết bâng quơ ở đâu đó rằng cuối cùng thì cũng chỉ có căn phòng là ở lại. Tôi đi Hamburg về, hay đi Paris về, hay đi Florence về, căn phòng vẫn thế. Cho dù tôi có lang thang những đâu, cho dù cuộc đời tôi có biến động thế nào, căn phòng vẫn còn nguyên như thế – nồi cơm điện, chồng sách cũ, chiếc khăn len màu xám vắt trên lưng ghế, cái ban công đẫm nước mỗi khi mùa hè có mưa đá hoặc mùa xuân tuyết tan, và ô cửa sổ mà trước khi đi ngủ tôi thường đứng trong bóng tối, nghĩ mông lung những điều nọ điều kia, và nhìn sang những căn nhà đối diện có người thức khuya vẫn sáng đèn.
Rồi có còn ai nhớ đến ai không? Rồi có còn ai viết thư cho ai không? Tôi cũng không biết nữa. Tôi như tảng đá, như gốc cây, như đám ruộng ngang mồ côi Gò Tiễn, ở một mình đã quen. Những người bạn từng viết thư cho tôi giờ đã có vợ có chồng, người thì mở công ty, quán xá, người thì mua nhà, bán đất, người vẫn còn lao đao lận đận, cùng lắm cũng chỉ thi thoảng đăng lên Facebook mà xuýt xoa những lá thư của Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh, của Vũ và Quỳnh gửi cho nhau. “Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người.” Cái trò thư từ qua lại giữa bọn trẻ con chúng tôi từ hai mươi năm trước đã là cũ kĩ lạc hậu lắm rồi, còn nói gì đến hai mươi năm sau, rồi hai mươi năm sau nữa. Người ta lại bảo xa mặt thì cách lòng. Nhưng mỗi lần về Sài Gòn, chạy xe trên đường Điện Biên Phủ, tôi vẫn nhớ lá thư khoe bạn lần đầu tiên thấy quả chò nâu, đi ngang hồ Con Rùa nhớ một đoạn dài ba hoa những thuyết phong thủy thời Việt Nam Cộng hòa, đi ngang Lý Chính Thắng lại nhớ cái lần bốc phét chuyện trong này băng đĩa nhạc kiểu gì cũng có. Tôi cũng nhớ bạn tôi, nhớ chuyện bạn tôi bảo cái mặt tôi câng câng, và câu bạn tôi nói buồn cười “mi đừng lo, tụi tau ai cũng nhớ mi.” Thật ra tôi có lo lắng gì lắm đâu. Tôi nghĩ, cuối cùng thì nhớ thì tốt mà không nhớ cũng không sao, viết thư thì tốt mà không viết cũng không sao, làm chuyện gì to tát thì tốt mà chỉ nghĩ những điều đơn giản cũng không sao. Không sao cả, miễn bình an là được. Còn như tôi ở đây – tôi ở đây mọi thứ vẫn thường.