Ờ, ông nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc được giải Nobel văn học. Cái news feed trên Facebook của tôi mọi bữa vắng vẻ đìu hiu bỗng hôm nay tấp nập hơn thường lệ. Các bạn tôi bàn về văn chương nhiều hơn thường lệ. Họ nói rằng họ đã đoán ra từ trước. Họ nói rằng Murakami xứng đáng hơn. Họ lại nói rằng đây là một trò chính trị bẩn thỉu, có liên quan đến quần đảo Điếu Ngư, nhà máy Foxconn và con tàu sân bay đang chạy thử. Khi tôi ngạc nhiên mà hỏi rằng tại sao các bạn lại quan tâm đến giải Nobel đến vậy, thì họ cũng tỏ ra ngạc nhiên không kém mà hỏi ngược lại rằng tại sao tôi lại quan tâm đến những người quan tâm đến giải Nobel như vậy, và liệu có điềm đạo đức giả gì ở đây chăng?
Tôi sẽ trả lời: Vì đó là bạn bè tôi. Tôi vươn tay ra là chạm được vào họ. Họ ảnh hưởng được đến tôi, và tôi (hi vọng) cũng ảnh hưởng được họ. Không phải như một cái giải thưởng trao cho những người tôi không biết đấy là đâu, chẳng có ích lợi gì khả dĩ cho tôi và các bạn của tôi. Ngắn gọn thì là như vậy.
Nhưng tôi cũng muốn nhân cái cớ này để nói thêm về những cái cao cả vê lều là giải Nobel và văn chương, những thứ mà bình thường tôi rất ngại động đến vì mặc cảm mình lùn thước sáu, những thứ có khả năng sẽ phủ định hoàn toàn điều tôi vừa nói ở trên.
Thế này, con nít đều biết rằng giải Nobel là giải thưởng danh giá nhất thế giới. Con nít cũng biết rằng những người được giải Nobel là những người kiệt xuất. Và tôi mạo muội suy đoán luôn, chắc con nít cũng biết thêm rằng những người trong hội đồng giám khảo của giải này đều những người thông kim bác cổ, tuệ nhãn phi thường, nói không ngoa thì giỏi triệu người bốc một. Cho nên khi các bạn tôi tâng Murakami lên trời xanh và ra sức dìm cái ông Mạc Ngôn kia xuống giếng, tôi thật cảm thấy nực cười thay. Các bạn có tư cách ư? Các bạn giỏi đến đâu? Những công trình nghiên cứu văn học của các bạn hùng vĩ như thế nào? Ngoài nĩ-hảo và a-ri-ga-tô các bạn còn đọc thông viết thạo bao nhiêu ngôn ngữ, đủ để hiểu được tường tận văn chương ngoại quốc thay vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào những bản dịch thiếu trách nhiệm, lắm chỗ còn ngô nghê ngớ ngẩn theo kiểu “Trong chiến tranh anh ấy đến Việt Nam như là một người lính, và điều ấy quá khó khăn cho anh ấy để vượt qua?” Hay là các bạn chỉ đang chằm chằm bênh ông Murakami gì đó vì văn của ổng ám ảnh quá, các bạn đồng cảm quá, các bạn cũng thuộc vào một loại thế hệ đi lạc, thế hệ đánh mất giống như những nhân vật trong Rừng Na Uy, giống như các bạn vẫn thích tự gán cho mình cái mác nổi loạn như Holden Caufield, mạnh mẽ cương nghị như Howard Roark, cũng giống như hồi nhỏ các bạn trong sáng dễ thương như Hoàng Tử Bé?
Nếu bạn hỏi, thì tôi cũng từng đọc Murakami, mặc dù tôi không yêu văn ông. Rõ ràng ông viết hay. Rõ ràng ông là một người phi thường. Nhưng cái đồng cảm về sự bế tắc, cô độc, lạc lõng trong tiểu thuyết của ông, mà các bạn tôi vẫn suốt ngày đem ra như một nỗi buồn sang trọng, tôi không tìm thấy. Biết làm sao? Tôi không sang trọng được. Xã hội tôi đang sống dơ bẩn và mọi rợ hơn nhiều, những người xung quanh tôi đau đớn khổ sở hơn nhiều, tôi không biết chơi đàn phong cầm, mẹ tôi không khiêu vũ, cha tôi bị bắn nát xương đầu gối khi vừa mới từ trực thăng đổ bộ xuống một chiến trường nào đó ngoài Quy Nhơn. Làm sao tôi có thể buồn cái nỗi buồn mênh mang ấy? Làm sao chị tôi đói xỉu giữa đồng có thể buồn cái nỗi buồn mênh mang ấy? Ôi, lạc lối cái mẹ gì. Đánh mất cái mẹ gì. Tôi thà chịu tiếng một con người thiển cận, nhìn không ra khỏi cái làng quê kệch của mình, cái xứ sở nghèo đói của mình, cái đất nước biến loạn của mình. Nên khi ông Murakami không được giải Nobel, tôi không ngạc nhiên, tôi không sững sờ. Ông Mạc Ngôn cũng vậy, ổng đoạt giải Nobel, tôi chẳng buồn mà cũng chẳng vui.
Lại nói về Mạc Ngôn. Một số người trong các bạn nói rằng ổng là thằng Tàu khựa bẩn thỉu, gian giảo, rằng văn ổng là cái văn bần tiện, rằng Tàu sản dùng mưu sâu kế hiểm để giành giựt cho được cái giải Nobel. Tôi không định bàn đúng sai, cũng chẳng biết đúng sai, chỉ muốn ngửa mặt lên trời mà kêu theo kiểu quân tử Tàu rằng “Hỡi ôi, sao cái định kiến nó hẹp hòi làm vậy!” Cái chuyện ổng là một nhà văn Tàu thì liên quan gì đến cái chuyện các bạn căm ghét xứ Tàu rồi đổ hết lên đầu ổng? Mà e rằng các bạn không ghét Tàu bằng tôi đâu. Tôi từng có một lời thề nghe rất trẻ con rằng không bao giờ đặt chân qua Tàu, không mua đồ Tàu, không ăn món Tàu, bật ti-vi lên không xem phim Tàu. Vừa rồi Cam-bốt đi đêm với Tàu ở hội nghị Asean, tôi thề luôn: Không bao giờ cúng một đồng tiền du lịch Cam-bốt, này là Angkor Vát, này lại là Angkor Thom. Nhưng tôi mê Tam Quốc lắm, chắc cũng năm ăn năm thua với ông Vũ Bằng. Thủy Hử tôi cũng mê, mặc dù tôi giống Lỗ Tấn ở chỗ yêu Trương Phi mà ghét Lý Quỳ. Nhân thể, Lỗ Tấn thì những năm cấp hai, cấp ba tôi coi như ngọn đuốc soi đường, tôi thuộc cả đoạn trong cuốn sách của Trương Chính viết về ổng. Mấy tháng trước tôi còn đọc Huynh đệ của Dư Hoa, và có vỗ đùi mấy lần. Nền văn hóa Tàu, các bạn phỉ nhổ thế nào cũng mặc, nó lại chẳng dày nhất nhì nhân loại, đồ rằng nó còn dày gấp mấy lần mặt các bác lãnh đạo ở ta. Thế thì cái ông Mạc Ngôn ấy, ổng được giải Nobel có gì khả nghi? Sự nghiệp văn chương ổng thua ông Murakami chỗ nào mà các bạn phải nghi? Sao các bạn lại đòi tẩy chay Nobel? Ô, ông Nobel ổng nằm dưới mồ chắc ổng cũng đái ướt cả vải liệm.
Ừ nhưng thôi, dù gì tôi cũng quay lại chuyện bạn bè tôi bữa nay sao tự nhiên nồng nhiệt quan tâm Nobel. Các bạn của tôi (hoặc chẳng còn là bạn bè gì nữa, sau những lời rủa xả mà tôi đã luyện thành kĩ xảo), Nobel ấy không trao cho Nhật thì trao cho Tàu. Tôi có yêu nước Nhật đến bao nhiêu, tôi có thù Tàu cộng đến thế nào, thì giải Nobel không trao Tàu cũng trao cho Nhật. Tôi chẳng mập thêm kí lô nào về việc ấy. Rừng quốc gia Cát Tiên không vì giải Nobel mà khỏi họa trụi lông. Dân miền Trung không nhờ Mạc Ngôn mà thoát kiếp nửa đêm đốt đèn chạy động đất. Ông Sọ Dừa tôi vẫn gặp khi uống cà phê trên đường Lê Thánh Tôn không nhờ Murakami mà tay chân hết què quặt được, người ta hết nhìn ổng với một vẻ ghê tởm được. Chị em miền Tây của ta không vì người Trung Quốc đại lục có giải Nobel mà mặc cảm thân phận mù chữ, bỏ giấc mộng đổi đời nhờ cưới chồng Đài Loan được. Tiếng đàn Norwegian Wood thanh cao tao nhã như thế, cũng chẳng làm tâm hồn thằng cha đánh giày tao nhã thanh cao lên chút nào, hắn vẫn ngày ngày quỳ rạp sát đất mà lạy van ông Tây hỡi ông Tây ơi, hello Mr Tây, cho tôi đánh giày, money vé ri chíp. Cây tỏi nổi giận ư, giận sao bằng ông Đoàn Văn Vươn, giận sao bằng nhà báo Hoàng Khương, giận sao bằng khi chúng ta nghe tự do là con cặc. Các bạn của tôi. Các bạn của tôi. Bây giờ đã hai giờ sáng rồi mà tôi vẫn còn nghe tiếng rao bánh chưng bánh dày, vẫn tiếng rao cách đây hai năm khi tôi ngồi buồn thiu mà viết Quẩn quanh trong tổ. Ông bán bánh chưng bánh dày có biết gì về Nobel đâu. Có ai biết cái đéo gì về Nobel đâu.