(Bài viết cho Lifestyle Magazine tháng 11)
Người xưa cho rằng mỗi con người khi sinh ra trên đời này đều mang cốt cách của một giống vật, tùy theo khí độ của mỗi người mà giống vật đó cao cả hay hèn mọn. Tiết Nhơn Quý chẳng hạn, chính là một con cọp trắng, khi ổng ngủ quên thì tướng tinh bạch hổ thoát ra ngoài đi chơi lông nhông, rủi thay gặp con giai yêu dấu là Tiết Đinh San giương cung bắn cho một phát lủng sọ, lăn ra chết tốt, thật là bi kịch gia đình. Hán Cao Tổ Lưu Bang chẳng hạn, ổng vốn là cốt rồng, mỗi khi uống rượu say nằm lăn quay ra thì trên người lại có hình con rồng nằm thu lu cuộn mình, ai nấy đều kinh sợ nên cho ổng uống chịu không lấy tiền, còn nói “hi hi sau này thành triệu phú đô la đi xe Lamborghini đừng quên thằng anh mày nhé.” Thời Tam Quốc cũng có hai nhân vật là Gia Cát Lượng, lấy hiệu Ngọa Long, cũng tự nhận mình là con rồng, và Bàng Thống, hiệu Phụng Sồ, nhận là con chim phượng; người ta đồn rằng rồng xúi phượng đi đường hẻm để phượng bị ghim đạn .50 BMG vào đầu, không biết thật giả ra sao. Mười mấy năm trước, nhà giáo Võ Hồng, trong tác phẩm Nửa chữ cũng Thầy, cũng có viết “Tôi muốn chữ “sư” (thầy) có bộ Khuyển một bên… “Lão sư” là con sư tử già, chớ không phải là người thầy giáo già. Thầy giáo phải có cốt cách của sư tử, không được có cốt cách của loài cáo, loài chồn.” Xem vậy để biết rằng đối với mỗi con người, cái cốt cách nó quan trọng lắm.
Trong thời đại rối ren hiện nay, chúng ta chứng kiến giá xăng tăng nhiều lần quá nên đâm ra nghi kị lẫn nhau, nhìn đâu cũng ra phường lừa đảo, nhưng thật ra cái cốt cách con người vẫn còn đó chứ không mất. Một cô lòe loẹt phấn son, quần là áo lượt, đầu óc thiển cận, nói những lời ngớ ngẩn, suốt ngày đứng một chỗ nhe hàm răng bàn cuốc ra chụp hình, chưa bao giờ bước đến nửa bước khỏi cái chuồng của mình, chúng ta gọi là ngựa. Một anh sâu dân mọt nước, thấy người yếu thì vung dùi cui đánh, gặp người mạnh thì vẫy đuôi liếm giày, chúng ta gọi là chó.
Nhưng phải nói rằng xã hội ta đang tồn tại một lớp người quái lạ. Những người này cũng học hành đến nơi đến chốn, cũng tốt nghiệp phổ thông trung học rồi đại học như ai, nhưng cái sự học họ giấu đâu kĩ quá nên lắm lúc tưởng chừng vô học. Họ mặt mày lấm lét lăm le, chỉ đợi người tay bung nút áo hoặc quên cài khuy quần để chui vào ăn đớp bất kể thơm thối. Họ canh lúc con nít ba tuổi tắm truồng để chụp ảnh và tung hê lên rằng “sao nhí chụp nuy ướt lướt thướt gợi dục mê hồn.” Đêm đêm họ chui bờ núp bụi như phường kẻ cắp, rình mò trai gái yêu nhau, để sáng mai đồn “mẫu Tây dẫn trai già về nhà, trai già phân bua rằng trai già là bố của mẫu Tây nhưng chúng tôi không tin, bố gì mà lại già như trái cà thế được, chúng tôi sẽ tiếp tục núp lùm để đưa tin cho bạn đọc về sự việc động trời này.” Khi có người chém nhau, họ dù đang ở phương trời nào cũng ngay lập tức có mặt, như cơn gió trên dòng kênh Nhiêu Lộc, họ sẽ điều nghiên về vấn đề gia phả hung thủ ba đời làm nghề thiến lợn, xong mớm lời hàng xóm theo kiểu “Có đúng là khi hắn đau mắt đỏ chị thấy mắt hắn vằn vện tia máu không?” xong họ lại lén lút đứng cạnh phòng giam đợi lúc hung thủ nằm mê nói mớ, chép lại theo phong cách bảy chữ xuống dòng, rồi bắt loa kêu làng rằng “Tên Lê Văn Điêu thật lòng lang dạ sói, đã giết người không ghê tay lại còn nửa đêm chong đèn làm thơ tân hình thức.” Thế còn những chuyện quan hệ của xã hội như chuyện thuế má, chuyện đất cát, chuyện kinh tế, chuyện xăng cộ, chuyện thủy điện, chuyện chủ quyền, thì họ lại im thin thít, họ chui vào trong xó, tay chân run lẩy bẩy, họ cụp tai lại thều thào bảo “Việc ấy… việc ấy đã có trên l… l… lo.”
Những người này, không biết nên đoán định là mang cốt cách gì cho phải? Ta gọi họ là báo, nhưng họ có ra báo ra hùm gì đâu. Nếu ta căn cứ vào những thức họ ăn mà bảo là họ mang cốt cách của linh cẩu, của giòi bọ, thì chắc con linh cẩu với con giòi cũng oán hận ta lắm.
Thôi đành gọi họ là cái giống báo đời, cái nòi báo hại vậy.