Yahoo! 360º đã ngỏm

Tháng ba

Bỏ bê blog chạy theo xô bồ đã được một thời gian, nay vác mặt dày lết lết lê lê về lại. Bởi vì ông bà ta đã dạy mất rằng ta về ta tắm bồn tắm nhà ta. Bởi vì ca dao của những kẻ phàm phu tục tử cũng truyền đời rằng anh đi anh nhớ rau muống mắm tôm cà pháo. Bởi vì cho dù có đi ăn cơm chiên ở Quảng Châu Tô Châu Hàng Châu, ăn phở bò Tràng An, ăn cháo hến Tràng Tiền, ăn hăm bơ gơ ở Hamburg, ăn spaghetti ở Milan, ăn gà tây chiên ở New York, hay ăn trứng đà điểu ở Sydney, hay ăn trùn ở Brunei, hay ăn bọ hung ở Xômali, hay ăn thịt người mé mé Maya Aztec, đến khi buồn ị mắc ói rồi cũng nhớ đến cái toilet lộ thiên quê nhà.

Bước chân ra một bước thấy cái sàng trên đầu mình nó rộng ra thêm một chút, và các loại lỗ cũng nhiều thêm một mớ. Xã hội nó tiến nhanh quá, tốc độ phát triển thật là lác mắt, chỉ ngồi yên nhìn thôi cũng đủ chóng mặt vã mồ hôi trán váng mồ hôi tai. Cho nên thở dài. Không thể nào thích ứng kịp. Không thể. Không thể nào. Không. Nào. Thể. Vô vọng.

Không còn những ngày xưa nữa. Cái gì cũng thế.

Cho dù thời này vẫn cố tỏ ra đạo đức giả đấy, nhưng cái sự thật nó nằm chềnh ềnh như con heo tạ ra thế kia, có mù cũng thấy tơ mơ. Biết bao ông nhạc sĩ viết nhạc về quê hương, tả mẹ già, tả bờ ao nhà mình, tả cái đình nhà mình, tả chuồn chuồn ớt, lại tả bờ tre với con sông tuổi thơ với thả diều đá bóng. Thật là láo. Thật là vô sỉ. Thật là chó chết. Vì rằng cái quê hương của ông ấy, cái quê mà Lê Anh Xuân ngày xưa bảo “Yêu từng bờ ruộng lối mòn, đỏ tươi bông gạo biếc rờn ngàn dâu” ấy, ngày nay nó hoành tráng lắm rồi, chẳng còn gì là “hàng ớt đã ra hoa, đám khoai trổ nụ đám cà trổ bông” nữa. Nhà đúc mọc lên khắp khắp, toàn tầm cỡ ba bốn tấm cả, quán cà phê đèn mờ mọc nơi nơi, xe Suzuki với Yamaha phóng vi vút, lâu lâu lại điểm xuyết thêm vài chú xe hơi bóp còi toe toe làm mấy con bò cái đang cho con bú sợ vãi cả linh hồn, té bổ chỏng ngay giữa lộ. Vì rằng cái “con sông mặt sóng xao” (móa đọc trẹo cả lưỡi) của ông ấy, nay người ta đang khẩn trương tiến hành nạo vét các loại đá cát bán lấy tiền mấy chục ngàn một khối, thành ra đáy sông đầy những hố những hầm, thành ra đầy những người chết đuối, thành ra đầy ma, thành ra đêm đêm sông không còn rì rào ca hát nữa mà chỉ còn bóng trắng là đà trên cồn giữa sông, lâu lâu hú lên mấy tiếng tiếc đời. Vì rằng cái bờ ao nhà mình của ông ấy, để phục vụ cho cái đề án XXX của chính phủ, xe tải xe ben nó về nó lấp mất tiêu rồi còn đâu, dế mèn dế nhũi hết chỗ ở phải chui cả vào nhà tôi đây này.

Ông sẽ bảo nước ta đang giàu lên, vì vậy quê ta phải phát triển, đó là cái nhẽ đương nhiên. Hoặc ông sẽ bảo đó là cái giá phải giả để thế giới mở lỗ chó chui cho ta vào vê kép tê ô. Chắc chắn. Đó là cái giá phải giả chứ còn gì nữa. Nhưng cớ làm sao, tổ tiên động ngứa chỗ nào mà ông lại cứ ca ngợi con sông xanh biếc có thuyền giấy trôi lững lờ mãi thế. Giá giả thì mặc giá, việc gì đạo đức của ông cũng phải giả theo?

Còn nếu ông nhạc sĩ nào không tả quê hương (vì đếch có quê hương chẳng hạn), thì ông sẽ viết về tình yêu. Tình yêu là cái đề tài muôn thuở không bao giờ cũ của nhân loại, vì nghe đồn rằng Ađam là lão già không rún tổ tiên male của chúng ta cũng đã làm một bài tình ca để tán Êvơ là mụ già không rún tổ tiên female của chúng ta. Tình ca thế này:

Hey hey, Eva em yêu
Roses are red, violets are blue
I am bullshit and so are you.

Tất nhiên là Êvơ cảm động xịt xít, và hai người cưới nhau rất đình đám đãi gần năm trăm bàn (thật ra chỉ có hai khách ngồi là Chúa Trời và con rắn), sau đấy đẻ ra Cain là thằng có rún đầu tiên, rồi Cain thiến tươi Abe là thằng có rún thứ hai… E hèm, nhưng cái chuyện lỗ rún đó thuộc về một lĩnh vực khác, tạm gác một bên, nay hãy trở về với các rún của bố nhạc sĩ Việt Nam ta. Nếu ngày xưa Phạm Duy với Trịnh Công Sơn chỉ chăm chăm ngồi ị bô cả ngày mà viết ra những dòng nhạc buồn thiu mà lại rối tung beng khó hiểu dạng như “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” hay “Gặp nhau hãy nép hơi im trong hương mới” rất vớ vẩn nhăng cuội, thì nay nhạc sĩ ta thẳng thắn bộc trực hơn nhiều. Giai thoại kể lại rằng có một đại nhạc sĩ Việt Nam thời nhạc trẻ thành phố lên ngôi đã một hôm bị phúc thống mắc ỉa khẩn cấp, giống như là bị giun kim chui vào ống mật, đã phải ngồi lì trong nhà xí cả ngày. Và, noi gương Bác Hồ vĩ đại ngồi đợi ngày mai, bác nhạc sĩ này cũng tận dụng thời gian ngồi sáng tác nhạc. Hắn đeo cái tai nghe mà các bác sĩ lang băm bệnh viện Từ Dũ vẫn dùng để khám lang ben, mội đầu nhét tai, một đầu áp vào thành bệ xí, lắng nghe từng cục từng cục rơi. Cứ mỗi cục như thế hắn lại kí âm thành một nốt, lúc thì Fa, lúc thì Sol, lúc lại Đô thăng, lúc thành Mi giáng, lúc rặn thì thành quãng lặng, trung tiện thì thành ra đảo phách, lúc chảy tu tu thì thành nốt ngân tự do, cứ thế không cùng. Sau một ngày, hắn cho ra lò các bài rất mạnh mẽ như sau “Bây giờ anh phải làm sao để em chịu tin anh đây” “Tôi đéo còn tin mày nữa đâu chăng”, “Hai thằng bây đều khỏe tao biết chọn trâu nào”, “Em giờ đây giống như đang đái giữa ngã ba đường” bài nào bài nấy nghe thật là hoành tráng mà lại dễ hiểu như định đề Euclide, không tăm tăm mò mò như bác Trịnh ta xưa. Có thằng ngồi nghe nhạc trẻ phê quá đã phán rằng: móa, mấy bài “Làm thân con gái không giống như đàn ông” này quả thật là đúng tới mức ngu xuẩn.

Lúc nãy có nhắc tới thơ Lê Anh Xuân, thôi giờ nhân tiện lạm bàn luôn về nền văn học thời nay. Cũng khác xưa nhiều lắm. Ngày xưa – cũng chưa xưa mấy, chỉ mới cách đây chừng mười mấy năm – người ta làm thơ như sau:

Tháng ba,
Ai ra đồng nghe lúa khát mưa
Ai ra chợ nghe rỗng lòng thúng mủng
Ai qua ngõ nghe tiếng chân nhẹ bổng
Chim sẻ bay nháo nhác đợi mùa.

Mỗi lần đọc những bài thơ như thế lại nghe tóc tai dựng đứng, các loại lông trổ ngược, người toát mồ hôi như bị sốt rét, lâu lâu lại thon thót giật mình. Đọc các bác cổ hủ lạc hậu như Nam Cao, hay Nguyễn Tuân, hay Vũ Trọng Phụng, hay Nguyễn Công Hoan, hay na ná như thế, lắm khi tự nhiên nước nó phòi ra nơi khóe mắt. Mấy quyển nhỏ nhỏ kiểu Lũ chúng tôi với Khoảng trống trong rừng cũng đáng để nhớ. Còn nếu lỡ dại ôm phải những bộ kinh điển như Những người khốn khổ hay Nhà thờ Đức Bà mà nhai thì chỉ có nước vác xô đi hứng đặng phơi nắng lấy muối ăn dần. Đấy ngày xưa thiên hạ toàn viết kiểu ám toán độc giả như thế, chà, tụi nhà văn ngày ấy thật là chó đẻ.

Bây giờ khác rồi, phù, may quá. Văn thơ bây giờ không tốn xu teng nước mắt nào cả. Đơn giản lắm, nước nhà đã WTO, bắt đầu nhận thức được rằng khách hàng là thượng đế, phải làm vừa lòng khách hàng mọi nơi mọi lúc, anh nào làm khách hàng khóc là a lê, xong, cút đi cho khuất mắt, không làm ăn gì được. Chính nhờ cái chủ trương hành động và mục đích sáng tác như thế mà văn thơ lúc này đọc rất khoái chí, có thể vừa đọc vừa thủ dâm được: “Gã đàn ông bắt đầu thò tay vào ngực cô”, “Tôi chiếm đoạt em, chán chường và hung hãn”, “Tôi bắn từng dòng tinh vào mặt em, em liếm kì hết” và đại loại như thế. Có mấy đứa bị rối loạn sinh lí, xem phim Yến Vi mười mấy tiếng một ngày, “bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa” sau mỗi bữa cơm, nay được cất nhắc lên làm đại văn hào, viết ra các tác phẩm để đời dạng như “Bóng đè”, mô tả các cách đè như thế nào cho đúng thế chó, thế vác cày, hay thế 69. Chừng như thấy vẫn còn chưa đủ, bộ Văn hóa thông tin không thông thái còn cho du nhập các loại văn học rất muốn du cơ từ Nhật Bản và Trung Quất, đại để “Rừng Na Uy”, “Đông Mặt Giời”, “Tử Cấm Nữ” rồi tung hê lên “Đây là các best seller trên thế giới” làm bà con đang xem Cô giáo Thảo với Chú Kim giật bắn mình nhận ra mình còn lạc hậu quá, vội đổ xô nhau đi tìm đọc cho kì được.

Bác nào bị liệt dương hay lãnh cảm không viết văn thơ như thế được thì cũng có cách viết khác khốc liệt không kém mẻ nào. Viết những câu văn không có chủ ngữ. Những câu văn. Không có vị ngữ Muốn. Chấm ở. Đâu thì chấm. Muốn phẩy ở, đâu thì phẩ, y. Các! Dấu câu? Đặt : khắp nơi… nơi. Ngữ từ lộn cả xáo hết. Không

Đâu vào đâu cũng tự dưng xuống hàng

.

Thật đáng sợ. Văn ấy mới là văn. Thơ ấy mới là thơ. Tài! Cindy Thái Tài!

(Bonus thêm, ngay chính các quyển văn học nước ngoài hiện nay cũng thế. Các Marc Levy với Dan Brown viết ra cuốn này cuốn nọ, bán chạy như tôm tươi, dựng thành phim đủ kiểu, thật ra cũng cứt bò, giống như mì ăn liền Gấu Đỏ, ăn xong là vứt vỏ vào thùng rác, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện ợ lên ăn lại.)

 

Trưa, đói bụng, đi ăn cơm. Lúc khác tiếp.

PS: Nếu ai có hỏi dạo này bỏ blog chạy theo xô bồ là đi đâu, thì xin giả nhời rằng “xô” là (amen) tiền lương của Gameloft.

Exit mobile version