Có điện thoại từ ĐN. “Thầy Dũng chết rồi” “Vậy hả?”

Không hỏi “Thầy Dũng nào?”.Vì trong suốt mười mấy năm đi học, cả chính khóa lẫn ngoài luồng, có được mấy người đáng gọi là thầy đâu. Ngồi trong trường, trỏ giáo viên giảng viên gọi “lão này, thằng nọ, bà kia, con kỉa,” chịu tiếng vô học, mất dạy. Học xong, rời mông khỏi ghế là quên luôn mắt mũi, ra đường có gặp, nhìn chẳng qua người dưng. Nhưng thầy Dũng thì nhớ. Thầy dạy toán cho lớp chọn trường THCS Lí Thường Kiệt, chuyên phụ trách bồi dưỡng năng khiếu thi thành phố, quốc gia. Người hơi gầy, da hơi ngăm, đeo kính trắng.

Ngày xưa khi mới chân ướt chân ráo lên thành phố, ngồi học cả tháng chẳng ai biết là ai. Tới lần phát bài kiểm tra một tiết Toán, thầy giơ bài lên cho cả lớp xem. Thầy bảo thầy đi dạy đây là lần đầu tiên thấy bài sạch đẹp thế này (đúng là hồi xưa chữ viết sạch đẹp lắm). Rồi thầy hỏi chuyện gia đình. Rồi thầy gọi vào nhóm năng khiếu. Học toán, nhưng mỗi khi viết bài chệch hàng, thầy la. Chữ “Bài làm”, chữ “Giả thiết”, chữ “Điều phải chứng minh” không gạch dưới, thầy trừ điểm. Bút xóa, bút bi, mực đỏ, thầy cấm. Rút giấy đôi làm bài, thầy bắt phải mở bấm tập, không được làm rách giấy. Hồi đó ai cũng cằn nhằn sao thầy kĩ thế, bắt lỗi mấy cái nhỏ nhặt lung tung.

Thầy gọi học trò là con chứ không gọi là em.

Đi học nâng cao toán ở nhà thầy, thầy lại bảo đem mấy bài văn cho thầy đọc. Thầy dặn phải nhìn cuộc sống nhẹ hơn, bởi vì việc gì, người nào cũng có mặt tốt và mặt xấu. Thầy bảo nếu có theo nghiệp văn chương (lạy trời) thì phải cố mà dùng cái tài cho đúng nơi đúng chỗ.

Thầy cũng đàn. Bây giờ không nhớ là thầy đàn hay hay đàn dở, chỉ nhớ là một lần đi học sớm, thấy thầy đang ngồi đàn. Thầy ngoắc vào, đàn cho nghe, rồi bảo “Có thời gian rảnh con nên học đàn.”Hỏi “Chi vậy thầy?” “Không phải lúc nào con cũng có bạn bè bên cạnh con.”

Trong giờ học, thầy kể chuyện Achilles và con rùa. Con rùa bò cách Achilles 6 mét. Achilles chạy nhanh như gió, hỏi sao bao nhiêu lâu thì đuổi kịp con rùa? Rồi trả lời: chẳng bao giờ. Vì để vượt qua 6 mét, trước tiên phải qua 3 mét. Muốn qua 3 mét, phải qua 1,5 mét… Học trò ngơ ngẩn. Thầy bảo: tiệm cận, lên cấp ba, Đại học, các con sẽ biết.

Học hết trung học cơ sở, rời trường đi. Có chân trời mới. Thầy ở lại, dạy tiếp lớp sau. Mỗi lần có lớp mới, thầy lại kể “Ngày xưa lớp trước của các con, có anh An học rất giỏi, mà ngoan, không bao giờ làm phiền lòng thầy.” Không bao giờ? Chắc ý thầy là quá nhiều.

Lên cấp ba, đến Tết vào thăm thầy. Thầy khen càng lớn lên càng đẹp trai. Thầy hỏi chuyện học hành, thi cử. Lên đại học, thầy hỏi có bạn gái chưa.

Nhưng hai cái Tết vừa rồi không vào thăm thầy. Thằng học trò lên Đại học, có bạn gái, có chuyện khác cần phải lo, có nơi khác cần phải đi, hơn là dành chút thời gian vàng ngọc chui vào trong cái hẻm cụt đường Trưng Nữ Vương, đứng trước cổng căn nhà cũ ba gian có cây mận trước sân mà gọi “Thầy ơi.”

Tết này định về thăm thầy, thì thầy mất. Thầy đang dạy thì tự nhiên khó thở. Chở về chưa kịp đến nhà.

 

Thầy cũng mất? Chó mèo thì sống vui, sống khỏe, sống tốt, sống có ích.

Có về chịu tang thầy không? Không. Còn kì thi sắp đến, bài đồ án quy hoạch sắp lên, còn li pạc xỉu buổi sáng đang uống dở, còn đoạn code C# đang viết nửa chừng. Thằng học trò sống tình cảm, biết quan tâm, không bao giờ làm phiền lòng thầy, nay còn nhiều thứ để quan tâm hơn là cái chết của một ông thầy già.

Ừ. Sinh lão bệnh tử là chuyện thường – cứ cho như là thường đi. Bao nhiêu năm rồi không gặp thầy? Từ đây về Đà Nẵng, đi mất bao lâu? Vì muốn đi hết một chặng đường, trước tiên phải đi hết một nửa, rồi một phần tư, rồi một phần tám…

Chẳng bao giờ. Hoặc tiệm cận.

One thought on “Achilles và con rùa

  1. Hay quá, hình như giai đoạn này bác viết mượt mà hơn thì phải, chắc ăn mì tôm nhiều?!

Cười đùa đàn địch xôn xao

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.