Để đừng đạp trên mặt người ngủ yên

Cuộc chiến tranh ấy đã kết thúc ba mươi tám năm rồi. Từ cái ngày lão xe ôm anh vô tình gặp ở ga Sài Gòn được lệnh buông súng đầu hàng, cứ đi giữa đường mà khóc, đến nay đã ba mươi tám năm. Hơn ba mươi tám năm. Bên này và bên kia đại dương, đã bao nhiêu lớp người sinh ra và lớn lên, trong đó có anh và em, có những người bạn của anh hằng ngày vẫn ngồi cà phê góc đường Lê Anh Xuân, có những người bạn của em hằng năm tổ chức những chuyến đi dọc theo chiều dài đất nước, và những người khác nữa thuộc thế hệ mà người ta gọi bằng cái tên sang trọng là thất lạc. Đã nhiều năm nay – đúng hơn là vài năm nay, nhưng biết làm sao, cuộc đời vốn dĩ là ngắn ngủi – anh muốn viết một điều gì đó. Một chút gì đó về bom đạn. Về  nước mắt. Về máu xương. Về chết chóc và hận thù. Nhưng anh lần lữa mãi. Vì suy cho cùng, anh có là gì đâu. Anh có biết gì đâu, ngoài những chuyện kể của bên này và bên kia, theo đó cái chết của hàng vạn con người chỉ là những con số khô khan trong bài lịch sử – hai ngàn ngụy quân bị tiêu diệt, quân ta bắn cháy mười sáu xe tăng – và những lúc vô tình đi lạc vào một trang web có logo là một lá cờ ba sọc bay bay, phía dưới là những lời lẽ hằn học chửi bới cộng quân, cộng sản. Nên hết lần này đến lần khác, anh lại hẹn anh. Ồ, ngày mai. Ngày mai sẽ khác, ngày mai anh sẽ giỏi hơn, anh sẽ sáng suốt hơn, và anh sẽ viết. Ngày mai thôi. Chỉ ngày mai thôi.

Nhưng em ơi, hóa ra ngày mai chẳng có gì khác hơn hôm nay. Chẳng có gì đảm bảo được rằng ngày mai anh và em sẽ hiểu biết nhiều hơn hôm nay. Ngày mai chỉ làm cho ngày hôm qua lùi xa hơn, rồi đến một lúc nào đó chẳng còn ai nhớ gì đó nữa. Những nắm xương vùi trong lòng đất, mỗi ngày trôi qua lại vùi sâu hơn. Những thế hệ sinh ra và lớn lên bên này và bên kia đại dương, mỗi ngày trôi qua lại cách xa hơn với nguồn cội của mình, với những người đã nằm xuống dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Rồi ngày mai của ngày mai nữa, còn đọng lại chắc chỉ là sự dửng dưng, giống như chưa có gì xảy ra trên mảnh đất này. Giống như trên mảnh đất này chưa từng có hàng triệu người chết, chưa từng có hàng nghìn máy bay và thiết giáp, chưa từng có hàng triệu tấn bom đạn xuất xứ từ Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ và từ những đâu đâu khác nữa. Giống như chưa từng có những người mẹ mong chờ dáng con trên tháng năm mòn mỏi. Giống như chưa từng có những người trẻ như anh, như em, cứ trông đất nước mình thống nhất. Giống như chưa từng có những người phải lênh đênh trên biển khơi, lạc loài xa xứ, hằng đêm nghe tiếng gió thoảng qua mà tưởng mùi hương nơi vườn cũ còn bay theo mình. Để đến hôm nay, tất cả những gì em quan tâm là mỗi năm vào một ngày cuối tháng tư rực nắng, em lại có thêm một ngày nghỉ để đáp máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, từ Sài Gòn ra Huế, từ Huế ra Quảng Trị, chân em giẫm lên lớp cỏ thành xanh non, không biết rằng nơi đây từng có một mùa hè đỏ lửa, đò em xuôi trên dòng Thạch Hãn, không hay dưới từng lớp sóng là những anh linh đang yên nằm.

Đất nước mình buồn lắm. Có thể em mỗi ngày lại chọn được cho mình một bông hoa, một nụ cười, nhưng cuốn sách sử bốn nghìn năm anh lật mãi không tìm được trang nào vui. Trên đường anh đi anh không thấy gì vui. Có đất nước nào buồn hơn thế? Từng gốc cây, từng mảnh vườn, từng cánh đồng, từng con phố, từng ngã ba đường, nơi đâu cũng từng có dây thép gai, có boong-ke chiến lược, có những người anh em của một ngày xưa thân ái rút súng bắn vào nhau mà không một nhíu mày. Đến nay chiến tranh qua đã ba mươi tám năm rồi, nhưng anh và em vẫn người Nam kẻ Bắc, còn miệt thị nhau từ giọng nói dáng đi cho đến lề ăn lối ở, còn mạt sát nhau khi nghe một ca sĩ từ nước ngoài ngày trở về hát một bài ca Hà Nội. Những từ “hòa giải,” “hòa hợp” nghe thật hay, ông chủ tịch nước diễn thuyết nhìn thật ngộ, người ta vỗ tay và ca tụng, nhưng nơi người đi qua tượng đài đục bỏ, nơi người nằm xuống không có được nén hương. Anh đi sang bên kia sông đi về bên này sông, có những người mẹ của ngụy quân và những người mẹ anh hùng, ngày xưa từng nhường nhau từng manh áo miếng cơm những mùa cơ cực, ngày nay lại dìu dắt nhau mỗi tinh mơ địu mớ rau con cá lần mò ra chợ bán. Những đêm về khuya một mình, anh để máy tính chạy chế độ ngẫu nhiên, chỉ nghe những tiếng thở than về một thành phố mất tên, về một người lặng nghe đá dâng lên quanh mình, và nghe câu hỏi ngơ ngác khắc khoải rằng ôi quê hương, đã lầm than sao còn chiến tranh, để đàn con mãi đi hoang phận này.

Em hỏi anh tại sao em phải biết những chuyện đó ư? Ừ, tại sao? Kiếp người không phải là đã đủ buồn tủi rồi sao? Em không đón kịp chuyến xe, em không mua được vé tàu, một người bạn đi xa, một người yêu đi qua, em đứng lại một mình, cuộc đời em toàn là những chuyện buồn thảm. Có khác gì đâu, có ích gì đâu, chuyện biết hay không biết những việc đã xảy ra từ xa lơ xa lắc, khi em còn chưa ra đời?

Anh trả lời, thì đâu có khác gì đâu. Chỉ là, nếu được chút nào đó, thì đỡ tủi vong linh người đã khuất.

Cái âm hộ ấy mà, thưa bạn thân mến

Bạn thân mến,

Vốn định tập trung tài lực và trí lực cho cuộc bán thân nơi xứ tư bản độc tài, nhưng – như thầy Tử Lộ chuyên ngành đội gạo có nói – mộc dục tịnh nhi phong bất đình, tức cây muốn lặng mà gió chẳng chịu dừng cho, mấy bữa nay tôi liên tiếp nhận được – cả chủ động và thụ động – những tin tức vô cùng ngứa ngáy từ quê nhà vượt đại dương bay đến. Đầu tiên là chuyện người ta khuân cục đá trang trí đường diềm vào đền thờ các vua Hùng, mà như chúng ta đều biết, các vua Hùng ấy đã có công dựng nước, Bác cháu ta ngày nay không giữ nước được thì thôi, thà là khóc lên oe oe oe ba tiếng để các vị trên Giời ngậm ngùi mà thăng đi, chứ sao lại trấn yểm các vị như vậy, thật là con cháu mất dạy. Thế xong rồi lại có chuyện ở Duy Xuyên có bọn thầy quyền nào tung một cái máy xúc vào xúc lấy xúc để trong thánh địa Mỹ Sơn, rồi xây những cầu những hầm những kè bê tông, lấy cớ rằng để tránh lũ, rằng mùa lũ sắp đến rồi, lũ từ miền Nam qua Tây Nguyên lũ đến Sài Gòn; mà cái sự hiển nhiên rằng lũ đâu không thấy soi gương chỉ thấy lũ ngu, thì chúng nó có vẻ như không màng đến.

Hai chuyện ấy, đối với tôi đã là hai cái tát như giời giáng vào hai bên má, má tôi đã hóp nay lại hóp hơn, mặt từ lưỡi cày sang thành lưỡi mác, vẻ đẹp giai từ mười điểm chỉ còn chín bảy lăm, tưởng không còn gì tệ lậu bằng. Nhưng nào có phải đếu. Hình như cái xứ ta nó không ngu nó chịu không được hay sao. Cho nên hôm nay tôi lại đọc được một tin khác, lần này không phải từ bọn thầy quyền – vì bọn ấy ngu đã đành – mà đường đường chính chính từ những nhà tri thức. Ấy thế mới vi diệu. Chuyện rằng bữa nọ bạn thân mến của tôi đi đường đọc đâu trên cột đèn chó đái được lời thánh dạy “người quân tử ba ngày không xem sách thì mặt mũi đáng ghét ngu độn, nói chuyện muốn đạp vào mồm,” bạn thấy lạnh từ xương cùng lạnh lên đến ót, đít nổi nhọt đầu mọc u vì sự đồng cảm, bèn bấm đốt ngón tay thấy rằng ba năm nay không được hột chữ đui nào. Bạn liền hấp tấp tạt vào vệ đường, lục lọi dăm ba quyển sách lậu giấy lởm gáy cùi bắp, giữa những thối hoắc như Lê Hoàng và Lê Thị Liên Hoan (Hoàng với Hoan tuy hai mà một, thực vậy, thêm một nỗi đau đời nữa mà tôi tạm gác sang một bên), vơ được một cuốn nhìn bìa mầu loang lổ khá ưng ý, ghi chữ kiểu đạn bắn cao bồi rằng:

TIM O’BRIEN
NHỮNG THỨ HỌ MANG

Bạn thân mến bèn khuân những thứ họ mang về, và đọc kiểu bói Kiều, tức là nhắm mắt gập sách mở sách mở mắt đọc câu đầu tiên bắt gặp. Xui thay, câu ấy như sau:

Chuột gửi thư đi. Hắn chờ hai tháng. Con mặt lồn ngu đéo bao giờ trả lời.

Thế là bạn thân mến nảy sinh một sự hô hoán. Một trí thức hô theo. Rồi mười trí thức, một trăm trí thức, một ngàn trí thức. Khốn thay cho chúng ta, Việt Nam khoai lang xắt lát thì thiếu chứ trí thức luôn luôn thừa. Các bạn mới tung hê lên báo chí và mọi nhẽ, rằng thật là tục tĩu vậy! Thật là mất bản sắc dân tộc vậy! Thật là đi ngược truyền thống yêu Đội yêu Đoàn vậy! Bạn nhà văn góp lời vào. Bạn nhà thơ góp lời vào. Bạn nhà báo góp lời vào. Bạn nhà chính trị tất cả mọi lề cũng góp lời vào. Ai muốn ra cái điều ta đây biết chữ cũng góp lộn cái lời vào. Láo nháo cả lên, như ruồi giành nhau khẩu phần với giòi bất kể quan hệ huyết thống trong bếp ăn mậu dịch.

Như thế, ấy là cái tát thứ ba, và vì hai cái tát kia đã nhằm vào hai bên má rồi, nên cái này nhắm vào tôi từ dưới lên, sử dụng đường trung tuyến.

Phải nói là thốn, thưa bạn thân mến.

Trong một bài phỏng vấn tôi từng nói mình đại khái là người hoài cổ, sách đọc hay nhạc nghe cũng toàn những thứ cổ cổ. Nhạc trong máy, nếu là nhạc Việt thì tuyền những Tuấn Ngọc Khánh Ly hay Vũ Khanh hay Duy Khánh Nhật Trường, nếu nhạc ngoại, nhẹ thì những Backstreet Boys 911, nặng hơn chút thì Skid Row Firehouse Mötley Crüe Queen các thứ, chứ tuyệt nhiên không có bóng dáng của Justin Bieber hay mụ gì mông bự quên rồi. Sách trên kệ thì toàn sách nay đã thuộc sở hữu công cộng, tức là tác giả đã ngoẻo từ hơn trăm năm trước, như các vị ở Nga, ở Phú Lang Tây, ở Đại Đường chẳng hạn, gần đây chủ yếu lại toàn ca dao tục ngữ. Năm thì mười hoạ tôi mới rớ tới cái gì đó mới mới. Một trong những thứ ấy là cái cuốn Những thứ họ mang này đây. Tôi đọc hồi năm kia, thấy thích, vì bản chất tôi thích mấy cuốn viết về chiến tranh là một, và cuốn này dịch tốt (rất hiếm có) là hai, nên tôi đọc đi đọc lại cũng vài ba lần. Nhưng rồi tôi cũng xếp lại một xó, rồi cũng quên bẵng đi, mãi đến hôm nay mới giựt mình thấy bạn thân mến lôi ra bàn cãi ỏm tỏi. Read more

2013

Khoảng mười năm về trước, lần đầu tiên tôi bắt gặp cụm từ “dân chủ – tự do” ở một nơi không phải là trên tờ đơn xin phép “Độc lập tự do hạnh phúc kính gửi giáo viên chủ nhiệm em xin nghỉ buổi hôm nay vì lí do nhà nghèo phải đi chăn bò thay cho mẹ trồng đay cho bố đi cày.” Không biết Tố Hữu được quả mặt trời chân lí chiếu xuyên chim thế nào, chứ với tôi lúc đó thì quả là một khoảng trời rộng mở. A ha ha ha! Thì ra trên đời có dân chủ và tự do thật! Tôi yêu dân chủ! Tôi mê tự do! Tôi nguyện dành trọn cuộc đời chiến đấu cho lẽ phải! Cho công lý! Cho Xuân Bắc! Đêm nào tôi cũng thức khuya lơ khuya lắc tôi đọc về dân chủ tự do. Gặp ai tôi cũng ráng lèo lái câu chuyện cho nó chạy về dân chủ tự do, theo kiểu “Bố mày bị nấm kẽ chân à, nào chúng ta hãy nói chuyện tự do đi, bà già mày viêm phế quản ư, còn gì là dân chủ nữa.” Tôi bắt đầu đả kích lũ độc tài, tôi nhìn chúng nó đâu đâu cũng ra giống lợn, tôi đọc Trại Súc Vật, tôi đổi Political View của tài khoản cá nhân trên tất cả các bờ lốc thành “Democracy” và sửa chữ kí diễn đàn thành “Viva la Freedom.” Những người chiến đấu vì dân chủ đối với tôi là anh hùng. Sao họ dũng cảm thế? Sao họ tài giỏi thế? Tôi cũng muốn như họ. Tôi muốn thành một người trẻ tuổi sục sôi nhiệt huyết, như Che Guevara, chỉ thiếu ánh mắt nhìn xa xa và trên môi không có điếu xì gà.

Thế rồi ngày ấy năm nọ, duyên trời run rủi, tôi được bước vào căn phòng kia trong một ngôi nhà đó. Đó là một ngôi nhà bình thường. Căn phòng cũng là một căn phòng bình thường, có bàn ghế, tủ sách và rèm cửa sổ. Nhưng những người trong căn phòng ấy không hề tầm thường. Họ là những người có tiếng tăm. Tôi biết tiếng họ từ lâu, trên những trang mạng và diễn đàn mà tôi vẫn đọc. Những nhà nghiên cứu. Những nhà sử học. Những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền. Những học giả có kiến thức sâu rộng. Những anh hùng. Một thằng nhóc như tôi bước vào đó, như thằng Bờm được mời cỗ nhà quan, hồi hộp bao nhiêu, khấp khởi bao nhiêu. Tôi vẽ trong đầu bao nhiêu là lời hay ý đẹp. Tôi sẽ hầu chuyện họ, sẽ hỏi han họ. Họ sẽ chỉ bảo tôi bao nhiêu là điều. Hoặc chả cần, tôi chỉ mong nghe họ tranh biện cùng nhau, phun ngọc nhả châu, tôi ngồi nép một bên nghe thừa ngửi cặn, cũng là diễm phước rồi. Read more

Bài này nói về Starbucks

Vì tất nhiên là vậy rồi. Xung quanh ai ai cũng đang bàn về Starbucks, bao gồm cả những giai thanh gái lịch, những ông sang trọng, những bà giàu có, những nường đẹp trai, những chàng đẹp gái, và những nhà cầm bút chân chính. Trong suốt mấy tháng trở lại đây, đi đâu tôi cũng nghe người ta hô vang “Starbucks vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!” “Chỉ biết còn Starbucks còn mình!” “Starbucks như ánh mặt trời, lòng dân như hoa hướng dương!” “Đồng chí Starbucks nói gì cũng đúng!” Nhà báo cong đuôi lên phỏng vấn từ ông chủ tịch cà phê đầu hói cho đến bà ba béo bán cà phê bên bờ biển bị bộ binh bắn bể bụng bầu bà bèn bứt bông bụp bả bán. Du học sinh quay clip nói rằng nevermind Starbucks bên này đầy, để tháng sau nhà gửi tiền qua tao mua uống liền hai phát cho mà xem. Người mẫu huê hậu nhờ người lên Facebook gõ giùm (vì đại để không biết chữ, không biết mổ cò, không biết trèo tường lửa, hoặc do lo xa, nếu có gì biến động thì đổ ngay lên đầu anh đánh máy) rằng mong ước một đời của các cô là được cầm li Starbucks đi ngoài đường, như Angelina Jolie, mà không sợ bị cướp chặt tay các loại.  Thế rồi hôm ấy năm nọ, Starbucks quả thật đã xuất hiện, sáng ngời chánh nghĩa, rồi người ta chen chân xếp hàng mua cà phê dưới cái nắng chánh nghĩa sáng ngời ấy, và những nhà cầm bút chân chính được dịp sáng tác ngay bài thơ não nùng, như sau:

Starbucks tay trái này
Tay phải cầm máy quay
Chúng mình quay nhau nhé
Không thời mình quay tay

Cho nên tóm lại là bài này nói về Starbucks. Cho dù thật ra thì tôi chẳng biết gì về Starbucks. Thì đã sao. Nói cho cùng thì tôi chẳng biết gì về cà phê. Hồi còn nhỏ, cỡ lớp một lớp hai, tôi có một bà chị – thật ra hiện giờ tôi vẫn có bà chị này. Chị tôi không biết có xinh xắn gì không, nhưng cũng có vài anh giai làng theo đuổi. Nói là anh là theo tương quan tuổi tác khi ấy, chứ tuổi các chú chắc ít hơn tuổi tôi bây giờ. Các chú chạy từ dưới huyện lên trên xã tôi bằng con xe Cub lùn năm mươi phân khối, vượt bao nhiêu đồi núi, bao con đê, đi bao nhiêu lần đò, chui qua bao nhiêu ruộng dâu mới đến được nhà chở chị tôi đi ăn chè trên chợ, và tất nhiên là phải nghiến răng đèo tôi đi theo. Trong khi chị tôi và tôi, mỗi người một li chè tổ bố, thì các chú mặc cái quần ống loe, bắt chân chữ ngũ, miệng rít thuốc phì phèo nhìn như Chánh Tín, phía trước là một cái phin cà phê đang nhỏ giọt, nói chung là nhìn rất là một nhẽ tán gái. Có điều cà phê chưa nhỏ được nửa phần thì gái đã ăn xong li chè và đòi về, thế là mười lần như một, các chú phải bỏ li cà phê lại, lại chui qua ruộng dâu, vác xe qua đò, phóng lên đê, trèo đồi trèo núi, về trả xe cho hàng xóm đặng nghe chửi rằng tổ cha mi đi mô mà xe đầy bùn gướm ghiếc như ri.

Thế xong rồi tôi đi học đại học. Tôi nhắc lại là tôi đi học đại học. Tôi nhắc lại lần nữa là tôi có đi học đại học. Kinh kinh lắm. Trường đại học nổi tiếng toàn thành phố vì cái văn hóa lót giấy báo ngồi uống cà phê bệt, Tây nào đi xe buýt qua cũng ói từ trên xe ói xuống. Thì đã sao. Tôi viết blog hay viết sách gì gì cũng nhắc đến cái văn hóa ấy, ra cái điều ta đây học đại học. Vì quả là tôi có đi học đại học. Nhưng sự thật là tôi có cà phê cà pháo gì đâu. Bữa đầu tiên vào trường, sau khi làm thủ tục đóng học phí, tôi lần mò ra chỗ vỉa hè, kêu thử món rằng “pạc xỉu,” tức là cái món nhiều sữa ít cà phê. Tôi uống thấy ngon quá xá, ngon còn hơn sữa Ông Thọ là cái loại sữa đóng trong lon, hai bên nắp đục hai cái lỗ một nhỏ một to mà hồi xưa tôi hay len lén kê mồm vào hút cho đỡ thèm. Ờ thế thì tôi thấy sữa Ông Thọ đã ngon rồi, mà pạc xỉu nọ của đất Sài Thành lại còn ngon gấp bội, thật vạn tuế ông nào đã ngồi chế ra món thực phẩm kì diệu ấy. Cho nên tôi uống pạc xỉu như ăn chè, tôi múc bằng muỗng, tôi nhai hết cả đá, rồi tôi gọi thêm một li, rồi tôi gọi thêm li nữa, rồi lại li nữa nữa. Suốt mấy năm học đại học – tôi nhắc lại là tôi có học đại học – gần như ngày nào tôi cũng uống cà phê như thế. Và tôi nói với tụi dân ngơ rằng cà phê ấy à, tao uống mỗi ngày ba cữ, mà không mất ngủ nhé, không mụn mằn gì nhé, hình như cơ địa của tao nó đặc biệt hơn người chúng mày ạ, cà phê không có tác dụng gì với tao cả, phải chăng tao thiên tài, buổi tối muốn thức khuya tỉnh táo học bài mà có được đếu đâu, hoàn cảnh thế đấy cái đuỵt, tụi mày sao thấu hiểu. Nói xong rồi thì tôi bỏ học, vì điểm tổng kết thấp quá, không bỏ thời bị đuổi cũng vậy. Read more

Sách lại ra lò

Phan An (tác giả đứng nằm ngồi sau cái blog này) lại vừa xuất bản một cuốn sách mới, lần này tên là “Trời hôm ấy không có gì đặc biệt.”

Thông tin chi tiết về sách nằm ở trang này.

Mong quý bạn đọc ủng hộ.