Đi đâu vắng nhà

Trước sân nhà tôi không có cau. Nhà tôi trước giờ không trồng cau. Trước sân nhà tôi có một cây ổi, giống ổi ghém, thân cao mà thẳng. Bên trái nhà có một cây vú sữa, bên phải nhà có cây keo. Lá keo giống như lá me, nhỏ li ti, khi gió thổi thì bay lả tả. Tôi hay đứng dưới gốc cây ngước nhìn lên những chùm trái keo đong đưa, thỉnh thoảng qua kẽ lá lại thấy cái đuôi khói của một chiếc máy bay phản lực – hồi đó con nít tụi tôi không biết nên cứ gọi là B52 – cắt ngang thành hai đường trắng rực trên nền trời. Lúc đó tôi sáu tuổi. Lúc đó tôi bảy tuổi. Lúc đó tôi tám tuổi. Lúc đó tôi không biết mình chỉ còn ở nhà thêm hai năm, cũng không biết sau này mình cũng sẽ ngồi trong một cái B52 bay trên trời. Lúc đó tôi đâu có biết chừng hai mươi năm sau, khi lớn lên, mình lại đi xa đến vậy.

Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ, sau khi tôi đi rồi chắc cũng có người đến tìm tôi ở làng Hanh Đông, nhưng tôi không còn ở làng Hanh Đông, khoảng sân trước nơi tôi ngồi bắn bi người ta đã lấp. Có người đến tìm tôi ở trong hẻm đường Trưng Nữ Vương, nhưng tôi không còn ở đường Trưng Nữ Vương, cái bàn gỗ tôi ngồi học lúc sửa nhà người ta đã khiêng đi mất. Có người vào Sài Gòn tìm tôi, nhưng tôi không còn ở trọ bên Bình Thạnh, cũng không còn nằm nghe Trầm Tử Thiêng trong một căn gác gỗ trên bờ kênh Nhiêu Lộc. Có người qua Singapore gõ cửa phòng tôi, nhưng căn phòng có hoa hồng xanh bên cửa sổ giờ đã có người khác thuê, tôi không còn ở đó để mỗi buổi tối về lại bật tắt ngọn đèn ba bóng nữa. Rồi lại có người sang tận Luân Đôn tìm tôi, nhưng đã hết mùa thu, tôi không còn ở Luân Đôn, buổi chiều không còn tạt vào siêu thị gần nhà mua vội một chai nước cam, buổi sáng không còn đi ngang qua cái công viên nhỏ rụng đầy lá sồi nữa. Tôi như con chuột vắng nhà trong câu ca đã cũ, nếu có ai trèo lên cây cau tìm mà không thấy tôi đâu cả thì xin bỏ lỗi cho tôi. Bỏ lỗi cho tôi, vì thật ra vắng nhà hoài cũng có gì vui đâu, với dù sao từ trước đến nay tôi cũng chỉ vắng nhà có mỗi một mình.

Read more

Về hai cuốn sách không ai buồn tái bản

Như thế này, hai cuốn sách đầu của tôi là Quẩn quanh trong tổTrời hôm ấy không có gì đặc biệt, cũng như Thúy Kiều với Thúy Vân vậy, cùng chịu chung một số phận long đong. Các bạn có thể cãi ngay rằng số phận Thúy Vân thì có gì mà long đong, Thúy Vân mặt tròn như cái bánh bao, mới nhìn đã thấy trù phú rồi, Thúy Kiều mới là long đong chứ lị, tác giả gì mà dốt như hợi thế. Nhưng thử nghĩ mà xem, đang nửa đêm kê gối ngủ khỏe tự nhiên bị bà chị kêu dậy lạy van nhờ cưới chồng giúp, rồi cả đời phải chung chạ với một thằng cha bất tài vô tướng kiểu tỉnh ra lại khóc khóc rồi lại mê, chẳng long đong thì là gì? Đây, đến nỗi đời sau cám cảnh còn có thơ rằng:

Đa đoan Kiều vướng nợ trần
Vân em – cũng bóng mây Tần thế thôi!
Sóng Tiền Đường cuốn chị trôi
Ba trăm năm biết ai người khóc em
—Giọt lệ nàng Vân, Đặng Quốc Khánh

Đời sau nữa lại có thơ rằng:

Thúy Kiều cùng với Thúy Vân
Chị em vén váy ra sân khoe đùi
Thúy Vân đùi trắng hơn Kiều
Thúy Kiều tức quá cắn đùi Thúy Vân
—Đọc nhảm, Trương Thanh Long, bạn chung phòng trọ với tôi hồi học Kiến trúc

Nhưng tất nhiên tôi viết cái này không phải để bàn chuyện Thúy Vân với Thúy Kiều – việc ấy đã có công dân ưu tú thủ đô là giáo sư Vũ Khiêu cáng đáng, tôi chỉ là lứa hậu sinh khả ố, tên tuổi gì mà đòi nhảy vào cùng khiêu vũ. Tôi viết cái này chỉ để thông báo như sau:

Read more

Anh có khỏe không

Có nhiều người nhầm lẫn chuyện xê dịch với chuyện ra đi. Ít ra, tôi cho là vậy. Đối với tôi, leo một quả núi, thăm một dòng sông, ngắm một ngọn đồi không phải là ra đi, mà chỉ là xê dịch. Bạn xê dịch từ nơi này sang nơi khác, từ thành phố này sang thành phố khác, từ cánh rừng này sang hòn đảo khác, mỗi nơi bạn ở một vài ngày một vài tuần một vài tháng, và tất nhiên bạn sẽ thu lượm được nhiều điều hay lạ trên những cung đường xê dịch ấy, nhưng tất cả chỉ có vậy. Nếu trái tim bạn không hề thay đổi, bạn chưa hề ra đi. Nên khi bạn đến gặp tôi và nói với tôi về những chuyến đi, về những trải nghiệm sống khiến cho bạn mạnh mẽ lên, về chuyện thế giới là một cuốn sách và những người không đi tức là mù chữ, thì bạn yên tâm, lúc đó sự tinh quái cố hữu và chút thông minh còn sót lại trong con người tôi sẽ trỗi dậy, và tôi sẽ hỏi bạn có thuộc bài thơ Cuốn sách xếp lầm trang hay không, rằng bạn có biết trong vũ trụ này có bao nhiêu hành tinh khác với cấu tạo lõi và vỏ giống y như trái đất đang chờ bạn đi hay không, và rằng nhân tiện thì hành tinh và hằng tinh chúng nó khác nhau như thế nào. Cùng lúc đó, có lẽ tôi cũng cho bạn biết rằng tôi biết có những người suốt bao nhiêu năm tháng không bước chân ra khỏi thành phố nơi mình ở, những người mỗi buổi sáng lại uống cà phê ở một quán quen thuộc, mỗi buổi tối lại lang thang trên một con đường quen thuộc, lại là người ra đi nhiều hơn nhiều người mạnh mẽ – hay yếu đuối – bình thường.

Read more

Từ biệt

Ở Toa Payoh mấy năm gần đây, trên tầng 29 của một khu chung cư, có một căn phòng luôn luôn khép cửa.

Trong căn phòng ấy, đã có những ngày tôi nghêu ngao hát Ò e Rô-be đánh đu. Đó thường là những buổi chiều tôi đi đâu về, nhìn căn phòng trống trải hai mươi mấy mét vuông, nhận ra mình vẫn chưa hề quen với việc ở một mình như mình vẫn nghĩ, rồi tự nhiên muốn hát lên một câu gì đó. Một câu gì đó, buổi tối thường là Đêm nhớ về Sài Gòn, cái câu thằng Lak hay hát sau khi về Ban Mê, còn ban ngày thì là Ò e Rô-be đánh đu, bài đồng dao mà lần đầu tiên tôi được nghe là ở nhà thầy Châu dạy đàn. Ngày xưa thầy hay cầm cây Fender đã mòn cả phím, nói “Nghe tôi đệm Ò e Rô-be đánh đu nè nha,” rồi bắt đầu vừa hát vừa chạy power chords, trong khi Nguyễn Phi Hùng Nhớ gấp ngàn lần hơn rụt rè nhìn thầy và lọ mọ bấm La thứ. Đã mấy năm nay tôi không đến thăm thầy, mặc dù trong danh sách những việc cần làm mỗi khi về nhà tôi luôn có dòng “Gặp thầy Châu” bên dưới dòng “Chép đĩa nhạc Duy Khánh cho cha.” Tôi cũng không chắc bây giờ còn tìm nhà thầy được không, chỉ nhớ mang máng đâu như cạnh nhà có một quán cà phê, trước cửa quán có một ông kia cởi trần cầm cây quạt giấy phe phẩy. Thỉnh thoảng tôi lại thấy mình như Nobita giấu bài kiểm tra điểm 0, đánh dấu những nơi mình đã đi qua bằng chó hoang, ống bơ và giấy vụn, rồi ngạc nhiên khi mười năm sau cánh rừng thay đổi, mình không tìm thấy cái mình đang định tìm.

Cũng trong căn phòng ấy, đã có những ngày tôi ngồi lặng lẽ nhìn những lời hứa chết đi. A, sự thật thì tôi nghĩ những điều người ta hứa thường chỉ là để hứa mà thôi, rồi cuối cùng không có ai làm, cũng có không ai nhớ để làm. Họa hoằn lắm có một người còn nhớ thì không nỡ nhắc, vì nhắc để mà làm gì khi người kia đã quên? Người ta tự mình đào cho mình những hố sâu, dựng cho mình những tường cao, rồi nhìn lại sau lưng và tặc lưỡi: Ồ không sao đâu, chắc tại hồi đó còn trẻ. Hồi đó còn nhỏ dại. Hồi đó còn khờ khạo còn say sưa, còn chung một chuyến đi chung một đích đến chung một con tàu. Đại để vậy. Tôi tưởng tượng “hồi đó” như một người vừa mù vừa câm, đứng tiều tụy một mình trong bóng tối, bị đổ vấy cho bao nhiêu tội lỗi mà không có cách nào bào chữa được, chỉ biết lùi lại một bước, mở to cặp mắt đục lờ ngơ ngác mà buồn bã. Read more