Gởi mặt giăng

Người dơi: thức khuya ngủ ngày. Chỉ thiếu sóng siêu âm vỗ vật cản phèng phẹt.

 

Hôm nay trung thu – nghe người ta đồn thế. Trời mưa, đếch thấy trăng sao đâu cả. Một trung thu yên tĩnh hiếm có. Tuyệt.

Nhớn rồi, trung thu chẳng còn gì thú vị nữa. Lân nhảy mới nhìn giống trâu, nhìn lâu giống heo nọc, muốn lấy que gắp phân bò chọc mông đít cho đỡ ngứa tay cay mắt. Ông địa cười nhăn cười nhở, má môi loe loét như thằng ku lở mồm long móng thấy phát gớm, bụng phễnh phệ, áo cụt quần rách đáy, dép râu Biti’s, lăm le hù các bé em tuổi còn vị thành niên. Trong khi đó các bác người lớn rích bố cu lại cực tàn, cứ hăm hở hí hửng treo hai chục ngàn đồng chỗ cao tít tắp gần bệ thờ cụ tổ, báo hại lân trèo toát mồ hôi sôi nước mắt, lắm khi té lật càng chổng gọng, tay chân cha sinh mẹ đẻ có được bao nhiêu khớp xương đều trật ráo hết cả.

Ngày xưa bác Trần Đăng Khoa bảo trăng tròn như cái đĩa, trăng khuyết như con thuyền, thật quả thần đồng nhiều tưởng tượng. Chẳng qua trăng là một cục thiên thạch to to, quay xung quanh một cục đất có thấm nước, cục đất này vốn dĩ đã quay cuồng chung quanh một cục lửa nhiều hê-li lắm cạc-bôn đi-ô-xít, cục lửa này lại quay mòng mòng trên cái trục của chính hắn và từ từ thẳng tiến về một cục khác xa xa có tên zé là Alpha… Đấy trăng là như thế. Làm qué gì có chị Hằng Nga nào ngồi ị bô trong cung Quảng Hàn mà viết thư tình Gmail cho Hậu Nghệ cung hay tiễn tốt bắn chim chèo bẻo? Làm qué gì có Thỏ Ngọc cầm que hút bồn cầu giã cối cắc cùm cum cắc cum cùm cụp? Làm qué gì có chú Cuội cắt trộm lúa cho trâu ăn đặng ngồi gốc đa hóng mát ngắm cảnh country-side lãng mạn nên thơ? Làm qué gì có Tuxêđô mắt lé chuyên nghề phóng bông hồng hỗ trợ mấy mụ thủy thủ nạ dòng và hằm hè tiêu diệt kì hết những thằng Tuxêđô mắt không lé?

Nhớn cả rồi, lừa nhau mà làm gì…

Dù sao cũng chúc mừng trung thu.

Đồ án muôn năm!

Như vậy là sau bao nhiêu đêm thiếu ăn ngày mất ngủ, bài đồ án đầu tiên chào năm học mới đã ra lò. Viết ngay một cái entry ăn mừng sự kiện vĩ đại mang tầm vóc thế kỉ.

Một bài đồ án kể ra cũng không phải là cái gì quan trọng, chẳng qua là thêm một cột mốc đánh dấu cho quá trình phát triển của cái sự lầy. Nhẽ ra phải binh bài chủ nhật, bồi bảng thứ hai, lên chì thứ ba, lên kim thứ năm, lên màu thứ sáu, thì đằng này lại ngủ chủ nhật, ngủ thứ hai, ngủ thứ ba, ngủ thứ năm, đến thứ sáu vác tờ giấy A0 trắng tinh khiết Omomatic lên cư xá Thanh Đa cho Thái Minh Nguyên xử lí. Thằng Nguyên lại huy động đàn em thân tín là Thái Minh Toàn vào phụ trợ. Đồng thời lại có bác Huy gầy A3 nhảy vào giúp đỡ. Ba kẻ xúm nhau bồi bảng vào, binh khối lên, giựt cấp xoèn xoẹt, Rotring xỉa ác liệt, Marker đưa khí thế, Leningrad quét tưng bừng, màu sắc chói lọi các kiểu, kết quả là xong tuốt mọi chuyện chỉ trong hai ngày. (Cũng phải nói thêm là trong suốt hai ngày đó thì Phan An ngồi ôm đàn gào thét các bản tình ca bất hủ vượt thời gian như Em hiền như ma xó, Tình khúc đội thiếu niên tiền phong vân vân… nhằm cổ vũ tinh thần các bạn).

Chẳng biết rớt đậu thế nào, nhưng chỉ cần có bài cúng đã là quá dzé.

Ok, vậy bắt chước bác Hai Cù Nèo trên Tuổi Trẻ Cười, tất cả hãy đồng thanh hô to:

– Đồ án muôn năm!
– Đồ án muôn năm!
– Đồ… muôn năm!!!

Darling, Sài Gòn phố

Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em hoa sữa
Tiếng giày gọi đường xưa
Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ…
Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ.
Quay về …

Ta còn em
Quán nhậu cầu Thị Nghè
Thơm ngào ngạt lẩu dê
Ấm áp nồi thịt chó
Ta còn em mấy con gà móng đỏ
Và chai Vốt ka
Dòng kênh xanh hắc ín
Bình Hưng Hòa tha ma…

Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa
Tháng năm dừng lại
Một ngôi nhà
Gã Trương Chi ôm ghi ta
Từng đêm
Hóa đá…
Ta còn em chuyến tàu đêm
Về muộn
Qua cầu
Một người nào lạc giữa sân ga…

Em ơi, Sài Gòn Phố
Ta còn em những hố sâu
Ổ gà, ổ trâu, ổ heo, ổ chó
Ta còn em những trưa trời đứng ngọ
Hai thằng cu té chết giữa bùng binh
Buổi trời mưa
Phóng Honda bất chợt giật mình
Nghe lạnh gáy tiếng còi xe tải
Ta còn em chiếc Best không người lái
Nghe tiếng em thủ thỉ
“Giữ cho em cặp giò”…

Ta còn em giàn thiên lý
Năm xưa
Thơm mùi hò hẹn
Cuộc tình đầu ngọt lịm
Những nụ hôn xanh ngắt trên cành
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt
Nắng chiều vàng ngọn cỏ
Vườn hoang
Ngày cũ vui tàn theo ngày hạ…
Ta còn em tiếng ghi ta
Bập bùng tự sự
Đêm kinh kì một thuở
Xanh lơ…

Ta còn em chiếc đồng hồ quả lắc
mới hỏng hôm qua
Còn em chiếc quần đùi
mới rách hôm nay
Còn em chiếc áo thun
mấy tuần chưa giặt
Còn em chiếc quần Jean
tươm bươm tất bất
Ta còn em
Những buổi tối điếu cày thay thuốc lắc
(Nicotin nguyên chất
thay vì ectasy)
Ngang Hồ Con Rùa chợt hát dấu chim di
Ngang Caraven nhớ đèn hột vịt
Ta còn em khói trời mù mịt
Gió thu thoảng đưa
mùi thịt chín vàng
Một kiếp người
đến chết vẫn thèm ăn…

Ta còn em khuya phố
Mênh mông
Vùng sáng nhỏ
Bàn quán ê a chuyện nàng Kiều
Rượu làng Vân lung linh men ngọt
Mắt cô nàng lúng liếng
Đong đưa
Những chàng trai say suốt cả mùa…

Ta còn em những khúc hát hằng ngày
Mỗi sớm thu em chửi vang đường phố
Chửi mẹ chửi cha, chửi ông tằng cụ tổ
Chửi Chí Phèo, chửi Thị Nở, chửi Nam Cao
Ta còn em
Đêm về khuya gió lạnh một tiếng rao
Ai ăn quịt em chém bay nửa mặt
Ta còn em hôm qua
Chém đinh chặt sắt
Lanh canh, lanh canh!
Ta nợ em hôm nay
Em cho ta nửa ngày…

Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em con đê lộng gió
Dòng sông chảy mang theo hình phố
Cô gái dựa lưng bên gốc me già
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá
Ta còn em một con tàu
Giã biệt bến sông
Mảnh trăng vỡ
Tiễn người bỏ xứ
Dãy phố buồn
Nghìn năm mắt nhớ

Ta còn em
Mắt vàng đèn đỏ
Những chuyến xe xa lộ
Hằng đêm tải bụi về
Ta còn em bờ kè
Những con gà thơ thẩn
Ta còn em Thanh Đa dơ bẩn
Còn Huyền Trân vang bóng một thời
Ta còn em hầm chui
Mưa rơi đầy vũng
Ngày hôm qua đã đi
và ngày mai đã đứng
PMU18,
ta đợi chờ em…

Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thóang mùi sen nở muộn
Gió Nhật Tân
Gợi
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai…

Ta còn em trận mưa rào
hai mươi phút đủ dâng tràn triều cống
Trịnh Công Sơn nhìn mặt đường cảm động
Một chiều buồn đời tưởng Mít xi xi pi
Ta còn em
mắt long lanh hòn bi
cầm vỏ chai đập đầu thằng phá bĩnh
Còn em kim tiêm
đâm lủng mông thằng bất hạnh
Còn em môi hồng đào
và giọng lưỡi hồng kông.

Em ơn Hà Nội phố
Ta còn em một Hàng Đào
không bán đào
Một hàng bạc
không còn thợ bạc
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy
Ta còn em tiếng gọi trong đêm
Người đi xa trở về
Căn nhà không biển số
Ngày đi mỏi mòn nỗi nhớ
Ngày về phố cũ quên tên…

Em ơi Sài Gòn Phố
Ta còn em
Nỗi nhớ lại trào lên
Khi em gọi tên ta sùi bọt mép
Ta còn em
Mỗi chiều về nghẹt bùng binh Xô Viết
mỗi sáng ra chật cứng Mấy Bà Trưng
Ta còn em manh áo miếng cơm
Còn em xe ôm, xích lô, ba gác
Ta còn em nghề thợ giày, thợ bạc
Còn em tha hương Quảng Ngãi, Phú Yên
Ta còn em Bình Định, Quy Nhơn
Còn em Bến Tre trôi dạt về Bến Nghé
Ta còn em mặt mày sứt mẻ
Chẳng có đường nào em chẳng từng qua…

Ta còn em đường lượng mái cong
Ngôi chùa cổ
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương
Ai đó ngồi bên gốc đại
Chợt quên ai kia bên đường đứng đợi
Cuộc đời, có lẽ nào
Là một thoáng
Bâng quơ
Ta còn em những cuộc tình
như một bài thơ
Những nỗi đau gặm mòn phận số
Nhật kí sang trang
Ghi thêm nỗi khổ…

Ta còn em
Trường đua Phú Thọ
Chuyến xe buýt dài
Không thắng chẳng phanh
Những chàng trai ói xuống mửa lên
Những cô gái mặt xanh như tàu lá
Ta còn em
Nét dịu dàng của người soát vé
Vẻ lịch thiệp gen-tờ-lơ-xe…

Ta còn em nóc phố lô xô
Màu ngói cũ
Ngôi nhà còn tiếng khóc oa oa
Con đường đá lát bao niên
kỉ?
Qua sông nhớ mẹ tuổi già…

Em ơi, Sài Gòn Phố
Ta còn em bài thánh ca đêm
Khi Pete gào Release khản cổ
Còn em ngôi trường trăm năm bê tông hóa
Những li cà phê nghiêng ngả vỉa hè
Ta còn em
Bê tông già gia cố cốt tre
Ta còn em một triệu đồng đóng thuế
Ta còn em
Mua giấy can xông mấy ngàn đồng lẻ
Ngậm ngùi buổi chiều một gói mì tôm…

Ta còn em tháng chạp
Những hàng cây óng ả sợi hồng
Tháng chạp
Trên giường trải chiếu hoa
Tháng chạp,
Mùi hương dài theo phố.
Một tháng chạp
Mẹ
Nửa đêm thức
Hóa vàng…

Ta còn em tháng năm
Những ngựa xe thành quách còn đâu nữa
Ta còn em tháng ba
Khi đồng lúa mất mùa chim sẻ đói
Còn em tháng tư
hoa gạo chưa nở đã tàn
Ta còn em
tháng bảy quả dầu rụng gãy thời gian
Tiếng xe rác leng keng đường Điện Biên Phủ
Ta còn em trời mưa tháng sáu
Còn em tháng mười lụt tràn vỡ sông
Ta còn em tháng mười hai ga đông
Người chen lẫn ngợm
Ta còn em
Tháng một bến xe buổi sớm
Gà lợn chen nhau…

Ta còn em những ngõ cụt bất ngờ
Ô cửa ngẩn ngơ
Ngôi nhà không người ở
Khung trời của nỗi buồn
Vô cớ…
Người nghệ sĩ lang thang
hoài,
trên phố
Bỗng thấy mình không nhớ nỗi con đường…

Ta còn em
những giọt sương
Nhòe nhòe nước mắt
Ta còn em
Đứa bé ốm đau ngã tư khóc ngặt
Còn em bà mẹ nghèo ôm con
Áo vá
Quần vá
Chân đất
Đầu trần
Rụt rè trước cổng Đa Khoa

Em ơi! Hà Nội – phố!
Ta còn em cây bàng
Ok, cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố
Ok, nóc phố mồ côi mùa đông
Ta còn em mảnh trăng
Ok, mảnh trăng cũng mồ côi mùa đông…

Em ơi, Sài Gòn phố
Ta còn em con người
How about
con người mồ côi mùa đông…?

Subhuman race (Pt. 3)

Hè lớp 9, cũng giống như các bạn đua đòi khác, lăm le thi vào trường chuyên Lê Quý Đôn, ngôi trường to tát hội tụ nhiều IQ. Rớt tốt: vật lí Không điểm Rưỡi. Đơn giản vì nếu không đi học ôn thì sẽ không giải được đề lớp 10. Ok, tin hay nghi tùy bạn, thi vô cấp 3 bằng đề lớp 10 – cái này cũng na ná như muốn biết đánh vần trước hết phải biết đọc vậy.

 

Lớp 10, học Phan Châu Trinh. Khối có 22 lớp, chui vào lớp thứ 22. 10/22, 11/22, 12/22. Thời gian này không có gì hay ho. Chán phít. Đi học toàn ngủ gục. Chỉ có hai chuyện đáng lưu ý:

1. Quen Hằng.

2. Phát ngôn phản quốc. Đồn rằng trong giờ Địa lí, bà cô hôi nách nhân một phút ngẫu hứng đã hùng hồn tuyên bố: Việt Nam ta sắp xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Ba hoa con chích chòe. Thủng thẳng “Nghèo mà dóc”. Cô trợn trắng mắt ốc nhồi, phán: Mất dạy. Học kì đó được đặc cách xếp hạnh kiểm loại Trung bình. Ok. Nhưng chỉ có điều cho đến hôm nay cái thằng hạnh kiểm trung bình, mất dạy, phản quốc đó vẫn đang ngồi ngóc mỏ đợi xem cái nhà máy nguyên tử nó đặt đít nơi đâu, do PMU nào quản lí.

Thi tốt nghiệp. Vẻ vang chiến thắng với môn lịch sử. Trong khi con dân cắm đầu cong đít học chiến dịch thu đông thì đề lại ra chiến dịch mùa khô. 3,5 điểm Sử, nghiễm nhiên xếp loại trung bình.

 

Đi ôn thi đại học. Học phí: mỗi tháng năm chục nghìn. Thầy Toán dạy Lê Quý Đôn, có cái đầu hói. Mỗi khi thầy đứng gần bóng đèn nê ông, đầu thầy lại tỏa ra hào quang như Đức Thích Ca đi bảy bước nở bảy đóa sen. Đứng gần thầy em luôn thấy mình to ra, cao hơn, và méo mó dị dạng hơn nhiều chút – tất cả là nhờ vào cái huyền diệu của hiệu ứng gương cầu. Nộp tiền trễ mấy ngày, mặt thầy nhăn mày thầy nhó, giọng lưỡi thầy xỏ xiên cay độc, thật không hổ danh viên phấn nhân dân, cái giẻ chùi bảng ưu tú. Học thầy mấy tháng, nghiệm ra một điều: mỗi tháng đem cúng năm chục nghìn cho hàng bi-da xem ra có ích lợi quốc gia hơn. Từ đó đến nay em không còn gặp thầy, thầy cũng chẳng còn cơ hội nói xóc em nữa, đếch biết dạo này thầy sống chết ra làm sao, có còn dạy không hay là đã mất dạy lâu rồi…

 

Thi vào ĐH Kiến trúc. Nhân tiện cũng may mắn lọt vào Ngoại thương. Nhà bảo: Ngoại thương sau này giàu lắm. Khẳng khái: Mỗ thích kiến trúc hơn. Vẫn biết To err is human. Nhưng bỏ Ngoại thương trườn qua Kiến trúc, human này quả là ngu như bò đội nón.

(Còn tiếp)

Subhuman race (Pt. 2)

Vậy là năm cuối cấp 1 trôi qua trong thanh thản. Năm đó, nói như dân Ăng lê, mười một tuổi già.

 

Chui ra thành phố. Đà Nẵng đối với một thằng cu khu vực một miền núi chưa có điện là cả một thế giới sáng chói lóa. Ấn tượng Đà Nẵng: đèn khắp nơi, tám tấc, một thước, thước hai, thước rưỡi, đèn tròn vàng, đèn quả ớt, đèn nê ông, đèn hột vịt lộn, đèn đuôi máy bay Việt Nam Airlines thời còn logo con cò. Đường sá trải nhựa, sạch sẽ, không có cứt trâu, ít cứt chó. Quán cà phê nơi nơi. Quán bi da khắp khắp. Người Đà Nẵng không nói tiếng Quỏang Nôm, nghe nó dịu dàng. Kem Đà Nẵng ngon, không phải là thứ kem đá trộn bằng chân ghẻ và đông lạnh cạnh chuồng heo. Trường Đà Nẵng to, trước sân đặt tượng anh hùng thay vì để mấy con bò vô gặm cỏ.

Quyết định thi vào lớp chọn của một cái trường không có bò gặm cỏ như thế. Năm lớp 6, chễm chệ và may mắn lọt vào lớp 6/1, trường Lí Thường Kiệt. Lí do: nhà gần, đi bộ 2 phút tới nơi. Bắt đầu chiến dịch càn quét và để lại hình ảnh một Icarus, vỗ cánh sáp ong bay phành phạch về hướng mặt giời đặng rớt tõm xuống Biển Đen.

 

Lớp 6. Lớp nửa ghét nửa thích, tất cả xếp sau. Nhờ những cú phát ngôn sặc mùi hôi hám, được thầy Dũng dạy toán đặc sủng dặn dò quanh năm suốt tháng: con nên nhìn cuộc đời với cặp kính màu hồng (Ơ hờ, cũng được, nhưng kính màu hồng đắt tiền lắm, không tin ra Saigon Optic Phạm Ngọc Thạch hỏi giá thì biết).

Lớp 7. Không đeo kính hồng nhưng vẫn có chân trong đội tuyển bồi dưỡng Toán lẫn Văn. Rất tiếc quy định thành phố không cho phép một học sinh được giỏi cả hai môn, cho nên xảy ra một cuộc nội chiến giữa thầy Dũng và bà cô dạy Tiếng Việt. Kết quả cũng na ná như Jean d’ Arc trong cuộc chiến Anh Pháp: đàn bà phải thắng, thế là thằng cu lên giàn hỏa làm một bước ngoặc văn chương. Bắt đầu tư tưởng chống đối cấp trên. Thi năm đó hình như đứng giải an ủi.

Lớp 8. Cô Châu dạy Hóa nhảy vào và bò lê ra khỏi vòng chiến Waterloo. Tiếp tục đi học bồi dưỡng Văn đặng mang lại vinh quang cho người nhớn. Những buổi học Văn trải qua giống như ở Hỏa Lò. Thái độ chống đối thể hiện ra cả hành động lẫn lời nói.

 

Đề văn về nhà:

– Các bạn của em đang tranh luận về mùa xuân và mùa hè. Hãy cho biết ý kiến của em. Hãy bảo vệ ý kiến của em. (Cái khỉ mốc gì cũng của em cả).

Bài làm đọc trước lớp:

“Sáng hôm nay trời đẹp. Em đang bước vào lớp, miệng huýt sáo bài Đội ca, bỗng nghe tiếng bạn Đông nhỏ nhẹ “Mày là con chó”, rồi giọng bạn Thu thì thầm “Mày là con heo”, sau đó là tiếng đấm đá huỵch thụi tùm lum um sùm. Em chạy vào thì thấy con heo đang bặm miệng cắn tai con chó, còn con chó đang ra sức vả mõm con heo. Thấy tình hình quá căng thẳng, biết mình sức yếu không can thiệp được, em liền đi rót một li nước lọc, ngồi bắt chân chữ ngũ ngắm nhìn cuộc đấu đầy tinh thần thượng võ, thầm cổ vũ cả hai đội. Một hồi lâu chừng tàn cây nhang, con heo nằm ngửa, con chó nằm nghiêng, em mới lẹ làng bước đến ân cần hỏi han cho ra nhẽ, thì thành ra là hai bạn đang tranh luận nhau xem mùa nào là mùa đẹp nhất trong năm. Bạn Thu có bố tên là Hạ nên ra sức ca ngợi mùa hè. Bạn Đông lại có mẹ tên là Xuân nên dốc toàn tâm toàn lực bảo vệ mùa xuân…”

Lời cô phê: Thái độ không nghiêm túc, coi thường lối viết văn. Tôi không cho em An học giờ văn của Tôi (“Tôi” viết hoa, gạch đít).

Không cho thế quái nào được? Trong một cái trường toàn mù thế kia, không cho thì lấy ai đi thi? Thế nên mấy hôm sau lại ngậm ngùi đành cho vậy. Không viết hoa, không gạch đít nữa.

 

Một khi đã có một bên nhượng bộ thì bên kia hiển nhiên sẽ lấn tới. Bộ binh Napoléon lùi lại thì pháo binh Wellington tiến lên.

Đề văn về nhà:

– Em hãy bình luận câu tục ngữ “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”.

Bài làm đọc trước lớp:

“…Vì sao ăn cỗ lại phải đi trước? Phải nói ra cho tỏ tường kẻo những thằng kém hiểu biết nó không chịu biết hiểu cho. Vì rằng ngày xưa nước ta còn nghèo chưa nhập khẩu được xe Cub bên Tàu về, xe đạp thì lại là xa xỉ phẩm, cho nên các cụ cứ phải lết bộ suốt tháng quanh năm. Đường sá lại kém quy hoạch, hành trình đã dài lại càng dài thêm. Mà ăn thì như hạm. Mỗi khi có giỗ, chủ nhà nâng đôi đũa lên hô “MỜI”, mới đặt cây đũa xuống chưa kịp gắp miếng lòng heo, nhìn lại đã sạch nhoáng cả mâm rồi. Cho nên gì thì gì, cứ đi trước hưởng lợi. Mời 12 giờ trưa thì phải đi từ gà gáy sáng. Mời 10 giờ thì lồm cồm bò dậy lúc nửa đêm. Còn nếu mời 8 giờ thì phải gói ghém cơm xôi đi từ tối hôm qua mới mong được bữa.

Lội nước thì ngược lại. Đường sá ngày xưa đâu có giống bây giờ. Ngày xưa, trời nắng thì bụi mù như sương Đà Lạt, trời mưa thì bì bõm tựa đầm lầy U Minh. Mỗi khi mưa xuống nước ngập đen thui, phân trâu phân ngựa lềnh bềnh, lại có cả hố hầm, mẻ chai, miểng chén. Bác nào bất cẩn trước hết ăn một cắt giữa gan bàn chân tóe máu, sau đó lại giẫm bôi cứt bò vào, ngâm nước bùn mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng đi chữa chỗ lang băm, cưa chân có chắc. Cho nên khi lội nước chớ dại làm Marco Polo hay Columbus mà mang họa. Tốt nhất cứ lò dò đi theo hai ngài, thấy Marco Polo sụt hố chỗ A thì nhảy tõm qua chỗ B, thấy Columbus tắm bùn đường C thì chuyển hướng qua đường D, ấy mới chắc ăn, ấy mới cách cư xử của kẻ thức thời…”

Lời cô phê: Có tài mà không có đức là người vô dụng.

 

Lại phải đi thi Văn thành phố. Đề ra: Phân tích bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư. Bài này viết về mẹ. Chà. Múa bút. Chế ra cơ man nào là danh ngôn. Mẹ là chuối sau cau trước, là xôi gà, là mía Cuba. Mẹ là người đặt tỏi vào hộp cơm con mang theo đi học. Mẹ = mc
2. Mẹ = µŊ+[∂*∑⅓]<℮ℓ℅[±]‗♀♂[♣♥♦♠]. Mẹ là α và Ω, là đầu và là cuối… Chế luôn cả tên các nhà tư tưởng lớn: Socraté, Arsitoté, Horacé, Rachel Bolan, Timo Tolkki, Koltipelto, Andy Deris… Giám khảo hoa cả mắt, chẳng biết đúng sai, chấm cho đứng nhất. Ngày biết kết quả thi, cười xém vỡ bụng.

(Còn tiếp)