Nhớ Pippa

Năm lớp sáu, tôi chuyển xuống thành phố học. Tiếng là ở nhà chị, nhưng thật ra những năm tháng đó tôi gần như ở một mình. Tôi tự lên thời gian biểu. Tôi tự giặt giũ quần áo. Mùa đông trời rét, gió thổi căm căm, tôi lên sân thượng múc nước trong bồn xối tắm thay vì dùng phòng tắm chung dưới nhà. Đến bữa tôi thường đơm một bát cơm, gắp con cá kho, mang lên phòng vừa ăn vừa đọc sách.

Sách không có nhiều, nên tôi lân la mượn bạn, rồi đọc thích quá mà quên trả. Bạn méc với cô giáo, cô giáo báo lại với phụ huynh, tức là chị tôi. Chị tôi thương em nhưng tính tình khắc nghiệt, khi la mắng thường hay nặng lời. Chị tôi gọi tôi là đồ tham lam và ăn cắp. Khi tôi rụt rè xin tiền đi học võ, đâu như là Taekwondo, chị nhiếc tôi bằng nhiều từ rất khó nghe. Bạn đến nhà học nhóm, tôi mang máy cassette dưới phòng khách lên mở mấy bài của 911, bị chị quát là bắt chước bọn nhà giàu làm “ba cái trò tư bản,” bắt tắt đi và đem trả về chỗ cũ cho kì được.

Những năm đó tôi không đến nỗi đói ăn, nhưng ở nhà ngoài chai sữa đậu nành đặt người ta giao mỗi sáng thì chẳng có quà vặt gì, mà cũng không có tiền để mua. Nên khi đến nhà bạn chơi, tôi thích nhất là cái tủ lạnh. Chẳng ai dạy tôi cách cư xử, tôi hay mở tủ lạnh nhà bạn ra nhìn xem có gì ngon không, mặc dù không dám tự tiện lấy ăn. Dần dần bạn tôi không rủ tôi đến nhà chơi nữa, mà tôi chẳng hiểu vì sao.

Vốn tôi cũng không có nhiều bạn lắm. Và vì không có nhiều bạn, nên cũng ít khi tôi được ai mời dự sinh nhật. Thảng hoặc có người mời thì tôi cũng không dám đi, vì không có tiền mua quà cho bạn. Năm thì mười hoạ để dành mua được món gì rẻ tiền làm quà mà đi thì cuối cùng tôi cũng chỉ ngồi nép một góc, ngượng ngập nhìn những món quà đắt tiền khác, những gấu bông xe điện màu mè sặc sỡ mà người khác mang đến. Những buổi tiệc ấy tôi thường về sớm, lấy cớ là nhà đóng cửa trước chín giờ.

Giờ thì tôi nghĩ, chính những năm tháng đó đã tạo cho tôi thói quen ở một mình, hay suy nghĩ lan man, và dễ tủi thân.

Read more

Trong những ngày tháng đó

Trong những ngày tháng đó anh không còn tin bản chất con người là tốt đẹp.

Trong những ngày tháng đó anh không còn tin con người đáng được hưởng những điều tốt đẹp.

Trong những ngày tháng đó anh quên đi những người bất hạnh và nghèo khổ. Xung quanh anh là quần là áo lượt, là lí tưởng và hoài bão, là siêu thị đầy thịt cá và rau quả, là một quán cà phê đông khách ở ngã tư gần trung tâm thành phố.

Trong những ngày tháng đó anh không còn nhớ đến những con người mà anh vẫn nói là còn không biết chữ “hoài bão” viết thế nào cho đúng.

Trong những ngày tháng đó anh không còn viết nữa. Anh nghĩ, hay những điều anh viết thôi đều đã cũ cả rồi.

Trong những ngày tháng đó đôi khi anh đi dạo một mình trong công viên. Nhưng công viên ở đây không có dế kêu, không có cỏ lau sau cơn giông mọc cao quá đầu người, cũng không có cây cầu đá bắc ngang con lạch nhỏ. Read more

Gửi những nhà trí thức

Từ lâu tôi đã không thích khi nghe người ta gọi nhân dân là lừa. Bọn lừa. Giống lừa. Tộc lừa. Xứ Lừa. Theo kiểu nhân dân thì ngu dốt tối tăm, nhân dân xấu xa bẩn thỉu, nhân dân vừa độc ác lại vừa hèn hạ. Kiểu gọi này là của những nhà trí thức, những người có cái may mắn được tiếp cận với tri thức, được sinh ra từ một cái lỗ khác, ngủ dưới một mái nhà khác, ngồi dưới một mái trường khác, đa phần nhờ số phận đẩy đưa chứ không nhờ một cố gắng cá nhân nào đáng kể. Trí thức dạng ấy mỗi ngày một đông, họ xếp thành vòng tròn, bưng bô cho nhau, liếm gót nhau mà phát triển thành phường hội. Bất cứ nơi nào tôi đi qua cũng có một vài trí thức đang ngoạc mồm ra mà gọi: Bọn lừa. Giống lừa. Tộc lừa. Xứ Lừa. Họ gọi Lừa một cách hả hê sung sướng, giống như tất cả những kẻ hả hê sung sướng khi đang chễm chệ cái thân hình lành lặn, cái cổ đầy nọng, cùng cặp mông đít béo tốt trên ghế sô pha khi có một người què cụt đui mùi lết qua.

Phải, thưa các anh, nhân dân thì tăm tối và ngu dốt. Nhân dân thì bẩn thỉu, độc ác và hèn hạ. Cái này tôi không cãi, vì sự thể nó rành rành ra đấy. Ngoài Bắc, sau mấy lần bành trướng diện tích vì những lí do hiểm hóc mà mắt thường không nhìn thấy được, Hà Nội đã vọt lên dẫn đầu cả nước về số lượng người mù chữ. Một số người thủ đô không biết gốc hay không, có lẽ vì sự căm phẫn, đã có thói quen gọi người dân những tỉnh bị sát nhập là bọn Hà Nhì, ví dụ “chúng ló nà cái bọn Hà Nhì” “ô cái bọn Hà Nhì khốn lạn.” Ví dụ trong Nam, hồi xưa chỗ tôi chạy bàn có một ông hành nghề đánh giày, sáng nào trước khi làm việc ổng cũng ngồi dưới gốc cây cột điện mà đọc báo. Cho đến một ngày kia người ta phát hiện ra ổng cầm tờ báo ngược, thì ổng chuyển sang nghe đài BBC. Ngược ra Trung, Quảng Nam quê tôi và các xứ, lân cận là Quảng Ngãi, xa xa hơn tí là Quảng Trị Quảng Bình, thì thuần nổi tiếng vì tệ nạn ông già hiếp dâm con nít, hoặc đốt người ăn trộm chó, hoặc chết vì vướng dây điện rào ruộng dưa, không năm nào là không có. Như thế, nếu bảo rằng nhân dân tăm tối bẩn thỉu hèn hạ, quả tình cũng không oan. Read more

Bao giờ gặp lại

Trong những cuốn sách hồi nhỏ tôi đọc có Hoa ngã Bảy, tác giả là Lưu Nghi. Cuốn này thật ra không xuất sắc gì mấy, nhưng vì nhà không có bao nhiêu sách, cứ phải đọc đi đọc lại hoài mấy quyển cũ mèm, nên tôi nhớ. Trong sách có một cô bé tên là Hoàng, tức là Hoa ngã Bảy, có Phương Nga, bà Hai Liệt, Hùng Đen, Phước Bọ Ngựa, bà Sáu Trầu hay hát mấy bài Lý con cua, Lý con cúm núm “Anh đi đánh rẫy trên bưng, thấy con cúm núm trong lùm bay ra,” lại có một cậu bé gầy gò yếu ớt hay nở nụ cười hiền lành, tên là Hòa. Hòa là nhân vật phụ, không xuất hiện được bao nhiêu, nhưng cứ nhắc tới Hoa ngã Bảy là tôi lại nghĩ ngay đến Hòa, vì một ngày Hòa để lại quyển vở trong viết mấy dòng chữ “Con đi xa, xin lỗi mẹ” rồi bỏ đi mất biệt. Khi Hòa bỏ đi, bà mẹ Hòa đổ bệnh, cứ hỏi đi hỏi lại “Tại sao nó lại bỏ đi, hở Hoàng, hở Phước?” Bệnh ngày càng nặng, đến khi bà mất, vuông khăn trắng phủ lên mặt, bà Sáu Trầu chạy ra cửa gọi “Hòa ơi, mày ở đâu? Mẹ mày chết rồi này, không thấy mặt con!” Mãi cho đến kết thúc truyện vẫn không ai biết tông tích của Hòa – khi điểm lại từng nhân vật, tác giả viết “còn Hòa, cánh chim lạc bầy, vẫn bay xa không biết đến phương trời nào.” Hồi nhỏ mỗi khi đọc đến những đoạn này tôi lại thấy bần thần – trong trí óc non nớt của tôi lúc đó, việc một người bỏ đi không còn bao giờ gặp lại có lẽ là một việc vô cùng buồn tủi. Trong trí óc non nớt của tôi lúc đó thỉnh thoảng vẫn vang lên câu hỏi như nhân vật Hoàng trong truyện vậy: Tại sao Hòa bỏ đi?

Read more

Trần Vàng Sao đã mất

Vậy là Trần Vàng Sao đã mất.

Năm 2011, khi viết cuốn sách đầu tiên, tôi gọi điện cho Trần Vàng Sao để xin phép trích dẫn mấy câu trong Bài thơ của một người yêu nước mình. Tôi không còn nhớ mình tìm được số điện thoại bàn của ông từ đâu hay đã xin phép thế nào, chỉ nhớ tôi mới rụt rè nói được vài tiếng thì ông đã vội vã ngắt lời bằng một giọng rặt Huế “Không, không phải xin phép chi chi cả! Một bài thơ đã viết ra giấy thì không còn là của tác giả nữa, mà là của người đọc, của quần chúng rồi. Nhà thơ không còn cái quyền chi hết. Có chi mô mà xin phép, em cứ lấy mà dùng đi!” Thế là tôi vừa ngạc nhiên vừa sung sướng cảm ơn và chọn hai câu thơ trong Bài thơ của một người yêu nước mình:

“tôi yêu đất  nước này lầm than
mẹ đốn củi trên rừng và cha làm cá ngoài biển”

Rồi tôi tự nhủ khi nào có dịp sẽ ra Huế thăm ông.

Năm 2012, một buổi tối tôi ngồi ké trong một quán ăn bên vệ đường Nguyễn Trung Trực với nhà thơ Đỗ Trung Quân và một số người khác. Câu chuyện thế nào lại nhắc đến Trần Vàng Sao và quãng đời của ông ở Huế từ những năm 1970 trở về sau này, khi ông bị kết tội “làm thơ chống chế độ, chống Đảng, nói xấu lãnh tụ, phản động có tổ chức,” bị bắt, bị tra hỏi và giam lỏng. Đỗ Trung Quân kể có lần anh ra Huế, mời Trần Vàng Sao ra một quán cà phê anh em gặp mặt. Đợi một lúc lâu thì Trần Vàng Sao đạp chiếc xe tả tơi đến, run lẩy bẩy, gầy teo, tóc muối tiêu bù xù rũ rượi, mặt mũi bơ phờ. Khi Trần Vàng Sao về, Đỗ Trung Quân lộn túi trái túi phải, móc được mấy chục ngàn, dúi hết vào túi ông. Ông mừng ra mặt, chắp tay bái “Nam mô Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn” rồi vội vội vàng vàng trèo lên xe đạp ra chợ, dáng người xiêu vẹo còng lưng trên cầu tưởng chừng chỉ cần gió sông thổi mạnh một chút là bay mất. Tôi nhớ khi kể đến đây, Đỗ Trung Quân im lặng một lát rồi thốt lên “Chúng nó đày đọa một con người đến như vậy!”

Lúc đó tôi tự nhủ, khi nào có dịp sẽ ra Huế thăm ông.

Read more