(Bài đăng SGTT tuần trước, chẳng nhớ là số mấy. Bản đăng là bản tự xử còn dưới 800 chữ. Bản đây là bản đầy đủ 1279 chữ)

Tôi là một công dân gương mẫu của thành phố này.

Lúc nhỏ tôi học giỏi, vẫn thường được cử đi thi vở sạch chữ đẹp, thi địa lí, sinh học, lịch sử, lại có lần nhảy bao bố trong hội khỏe Phù Đổng thay cho thằng lớp phó văn thể mĩ đi đêm gió thổi tắt đèn bị lọt cống gãy chân. Lần ấy tôi được huy chương bạc, được tuyên dương dưới cờ, bố mẹ tôi được mời đến dự thính, rất là long trọng.

Lớn lên, đến kì thi đại học, trong khi bạn bè nháo nhào kiếm mấy trường dễ đậu thì tôi đường hoàng đăng kí vào một ngành nọ có điểm chuẩn hai mươi tư. Ba môn thi tôi được hai mươi mốt điểm, cộng thêm ba điểm thành tích nhảy bao bố, thế là tôi từ một thiếu niên điềm nhiên thành sinh viên mắt láo liên.

Tột nghiệp đại học với cái bằng đỏ và thành tích liên tục năm năm là chiến sĩ mùa hè xanh hăng hái, tôi xin vào một công ty nọ. Ngày trước khi đi làm, bố mẹ tôi mở tiệc mừng, mời cả tổ dân phố đến. Cuối bữa tiệc, ông tổ trưởng đứng lên, chân nam đá chân chiêu mà phát biểu như Thào Tháo rằng: con ông bà quả thật đáng sinh. Bố tôi cung tay đáp lễ như Tôn Kiên rằng: cũng nhờ phúc đức khu phố văn hóa.

Đi làm được ít lâu, tôi cưới vợ. Vợ tôi là con nhà gia giáo, tuy chẳng phải sắc nước hương trời gì, lại bị chứng hôi nách kinh niên, nhưng cũng không đến nỗi đầu trâu mặt ngựa. Lúc ngồi trên ghế đá công viên ngắm chó rọ mõm chạy quanh thì mụ thỏ thẻ rằng mụ yêu tôi vì tôi là người chín chắn, dù mặt choắt như mặt chuột nhưng tim là tim chim ưng. Bố mụ bí mật đi coi bói, lão thầy bói lại gieo quẻ rằng tuy người hắn còm nhom nhưng có tướng quới nhân, mũi quắm, hai gò má nhô, nốt ruồi có lông, sau sẽ làm rường cột gia đình.

Năm năm sau cưới, mụ vợ tôi đẻ liền bốn đứa, một trai ba gái. Bố tôi cùng với bố vợ tôi đua nhau chầu giời, thành ra tôi thật sự trở thành rường cột gia đình. Biết rõ giá trị của bản thân, tôi ra sức diệu võ giương oai. Sáng sáng tôi dậy sớm, hét mụ vợ pha một tách cà phê thật đặc, rồi ngồi nhâm nhi cùng với tờ báo và điếu thuốc đầu lọc trông rất trí thức. Tôi đọc to cho mụ nghe những mẩu tin nóng sốt về biểu tình ở bên châu Phi, và hỏi mụ nghĩ thế nào về nền dân chủ mới thành lập ở Tuốc-nuy-di. Khi mụ rụt rè trả lời rằng tuốc-nơ-vít dùng để vặn đinh móc quần, thì tôi vứt tờ báo xuống đất mà nhiếc mụ là đồ gái già ngu ngốc, chẳng biết ất giáp gì về chính trị, rằng cái đầu mụ giá rứt ra làm bánh xe lu thì tốt hơn cho giao thông nước nhà. Mẹ tôi đang uống sữa can-xi dành cho người già cũng vào hùa với tôi, bảo rằng ngoài siêu thị có bán loại móc quần dán tường bằng keo, vừa rẻ vừa tiện, rằng thời nay ai còn dùng tuốc-nơ-vít mà khoan tường làm chi nữa, vừa thủng tường vừa phí sức.

Mụ vợ tôi tất nhiên là tủi thân, nhưng vốn đã quen phục tùng nên đến tối mụ lại lân la đến gần xem tôi đi làm về đang dạy thằng con lớn học. Thằng con tôi học hành không đến nỗi nào, nhưng tôi chẳng mấy khi vừa ý. Mỗi khi nó quên một chữ trong bài tập đọc, tôi lại tát nó một cái bốp mà rằng sao ngu thế, rằng mày quả là con của mẹ mày, rặt bã đậu như nhau. Mụ vợ tôi gật đầu, bảo cố học hành để sau này thành đạt, thành trụ cột gia đình như bố mày nghe con.

Cuộc đời êm ả trôi, tôi cứ ngỡ sẽ như thế mãi.

Nhưng bỗng một hôm giá vàng vọt lên cao vút. Giá xăng cũng độn lên theo. Giá điện cũng không kém cạnh. Kéo theo đó là hệ lụy kinh hoàng của giá thịt heo, thịt bò, cá tôm cua ghẹ, và gà vịt ngan ngỗng, và giá rau cải, và giá hành ngò, và giá từng củ tỏi từng quả ớt, và giá cắt tóc ngoáy tai, và tất cả các loại giá trên đời này. Đến thằng sửa xe đầu hẻm cũng mặt trơ trán bóng nâng giá bơm xe từ một ngàn lên hai ngàn rưỡi, vị chi năm ngàn hai bánh. Cuộc sống gia đình tôi đâm ra đảo lộn, thiếu trước hụt sau. Bữa ăn có tí thịt thì thiếu hẳn rau, được dĩa rau tươi thì thiếu nước mắm, có nước mắm lại chẳng biết chấm với gì. Mấy đứa con tôi mặt thuỗn ra như cái nĩa, đít xanh bụng ỏng, đi qua hàng kem cứ mút đến teo cả mười đầu ngón tay. Mẹ tôi phải cai hẳn món sữa can-xi nay đã tăng giá đến cả trăm nghìn một hộp, đêm đến cứ tay đấm lưng, chặc lưỡi thèm. Món cà phê thuốc lá buổi sáng của tôi cũng trở thành xa xỉ phẩm.

Nhưng tất cả những chuyện ấy vẫn chưa kinh khủng bằng chuyện cả nhà tôi, từ chỗ chi tiêu có phần rộng rãi bỗng nhiên phải thắt lưng buộc bụng, đổ hết tội nợ lên đầu tôi, cứ như tôi là ông thống đốc ngân hàng và đời sống kinh tế khó khăn là do tôi ngu si dốt nát, bất lực bất tài mà gây ra.

Mẹ tôi bắt đầu rên rỉ rằng tao không có đứa con nào như mày, mày là thứ đồ đàn ông hèn hạ không nuôi nổi gia đình, thà lúc trước tao đẻ ra cái hột gà tao luộc ăn còn bổ béo hơn, ối ông ơi ông chết sớm quá, ông mở mắt dậy mà xem thằng con Tôn Quyền mắt xanh tóc đỏ của ông này, sao khi xưa không chui vào bao bố lăn luôn xuống vực đi cho đỡ nhục.

Mụ vợ hét vào tôi, bảo tôi đếch cần ông nữa, tiền lương ba cọc ba đồng mà làm như vương tướng nào, phỡn lắm. Ông tưởng có mình tôi hôi nách à, tôi bảo cho mà biết ông cũng bị thối mồm mà bấy lâu tôi nhịn không nói nhé. Mai kia tôi vượt biên qua Thái tôi đẻ thuê, lại chẳng kiếm ra chán vạn tiền, ông cứ ở đấy mà súc nước muối sát trùng miệng đi, mà bảo cho biết muối cũng lên mười ngàn một cân rồi đấy.

Đến cả thằng con tôi cũng giở mặt hỗn hào với tôi. Bây giờ mỗi lúc quên bài nó lại vênh mặt lên mà rằng bố thì giỏi lắm, bố trí nhớ tốt lắm, mà cái hẹn cuối tuần chơi Đầm Sen bố cũng quên, chính bố là cái đồ đầu bã đậu, con không còn hi vọng tin tưởng gì ở bố được nữa.

Thế mà tôi cứ đinh ninh tôi vẫn là công dân gương mẫu của thành phố này, là người cha, người chồng, người con chuẩn mực của đất nước này.

Tôi biết phải làm sao? Hãy trả phẩm giá lại cho tôi!

Trả đây ây ây ây!!!

5 thoughts on “Tôi phải làm sao?

  1. da doc tat ca nhung gi anh/chu/bac’ viet’. cho vv cam on, bai viet nao cung rat’ tham^ :)

  2. “đăng là bản tự xử còn dưới 800 chữ. Bản đây là bản đầy đủ 1279 chữ” Biên tập thô bạo quá cắt mất 1/3 thì còn ra cái gì nữa!

Cười đùa đàn địch xôn xao

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.